Câu chuyện đẹp như mơ của Diệp 15 năm trước

Câu chuyện đẹp như mơ của Diệp 15 năm trước

15 năm sau khi cô bé Diệp từ xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định được ghép gan thành công, kể lại câu chuyện đẹp như mơ của mình.

Nguyễn Thị Diệp bây giờ – Ảnh: XUÂN LONG

15 năm sau, PGS.TS Bùi Văn Mạnh – hiện là giám đốc Trung tâm hồi sức Bệnh viện 103, một thành viên trong ca ghép 15 năm trước – chia sẻ đây là một trong những ca ghép thành công lớn không chỉ ở VN mà cả ở Nhật Bản.

Và đặc biệt, cô bé Diệp từ xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định giờ đã trở thành nhân viên của ban Đông y Bệnh viện 103.

Giờ đây, Diệp kể lại câu chuyện đẹp như mơ của mình.

Tôi đã rất may mắn

* 15 năm, được ghép gan lúc còn rất nhỏ, bạn còn nhớ những gì diễn ra?

– Khi được ghép gan, tôi còn rất nhỏ, tôi chỉ nhớ trước khi được ghép gan sức khỏe rất yếu, ốm suốt, có những lần ốm nặng, ho và nôn cả máu. Những ngày đó, cả gia đình tôi rất vất vả, ông bà, bố mẹ lo lắng đưa tôi đi hết bệnh viện ở huyện, tỉnh rồi ra Bệnh viện Nhi trung ương.

Khi tôi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi trung ương, Học viện Quân y và Bệnh viện 103 có chương trình ghép gan. Tôi nằm trong số những người có thể được nhận cơ hội đó.

Trong danh sách, tôi là người thứ sáu, nhưng rồi khi thực hiện chính thức thì có người e ngại, không đồng ý ghép nữa, có người bị sốt và không đủ điều kiện…

Tôi nghĩ tôi đã rất may mắn, từ người chờ ghép gan thứ sáu trong danh sách nhưng sau lại trở thành bệnh nhân được ghép gan đầu tiên ở Việt Nam.

Lúc đó có 2 người tặng gan cho bạn, nhưng tại sao cuối cùng là bố?

– Trước khi được ghép, ông nội xung phong tặng gan để các bác sĩ ghép cho tôi. Nhưng các bác sĩ cần thêm một phương án dự phòng, bố tôi nói với bác sĩ là bố cũng nhận hiến gan.

Những ngày chuẩn bị ghép, ông nội tôi bị cảm nên không thể cho gan. Điều may mắn là tất cả các xét nghiệm của bố đều trùng với tôi, mà bố lại còn trẻ, nếu ghép sẽ tốt hơn ghép gan từ ông, nên bố tôi được bác sĩ chọn.

* Cho đến bây giờ, điều gì làm bạn nhớ và ấn tượng nhất?

– Tôi phải nghỉ học năm 2004 khi ghép gan, đó là giai đoạn chuẩn bị ghép và điều trị sau ghép. Sau ghép gan, mỗi tháng tôi phải lên khám một lần nên cũng phải nghỉ học một ngày trong tháng.

Trong 1-2 năm đầu tiên, tôi nhớ tuần nào các bác sĩ cũng gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe. Có rất nhiều người giúp đỡ tôi và giúp mọi người trong gia đình tôi. Sau này, tôi được gặp lại rất nhiều người đã tham gia ghép gan cho mình.

Một điều ấn tượng nữa là khi tôi được ghép gan xong, quay trở lại trường học tôi rất sợ, các bạn cũng sợ vì nghĩ nếu đụng vào tôi có thể bị làm sao! Nhưng sau này các bạn đều thương yêu, giúp đỡ, ưu tiên cho tôi.

Từ đó đến nay có rất nhiều người giúp đỡ, tôi không thể nhớ hết, chỉ biết thầm cảm ơn trong lòng rằng mình đã rất may mắn.

Diệp và bố 15 năm trước sau ca ghép gan

Điều chưa nói được: Con cám ơn bố!

* Ca mổ đã trở thành một dấu mốc trong y học VN. Còn bạn, sau 15 năm, cuộc sống của bạn có nhiều thay đổi không?

– Nếu không được ghép gan khi đó, chắc chắn bây giờ tôi không thể ngồi ở đây, không thể nói chuyện như thế này. Nhờ được ghép gan, giờ tôi có cuộc sống rất ý nghĩa, yêu cuộc sống của mình, yêu những giá trị bao người đã hi sinh, giúp đỡ cho mình, để mình có ngày hôm nay.

Cũng đã 15 năm rồi, cuộc sống của tôi cũng giống một người bình thường, chỉ có điều không được làm việc nặng.

* Còn bố của bạn – người đã tạo ra bạn và giờ là một phần trong thân thể của bạn – thì sao?

– Dù còn khó khăn và sức khỏe không như trước, nhưng sau khi tôi được ghép gan thành công, gia đình tôi đã có nhiều tiếng cười. Nhưng điều tôi còn áy náy, đó là sức khỏe của bố tôi có giảm.

Sau ghép gan, tính tình tôi thay đổi, hay nóng tính, hay giận, nhưng bố lúc nào cũng dịu dàng, chu đáo. Bố là một người đàn ông mạnh mẽ, một người bố tuyệt vời. Tôi hiểu bố đã quyết định cắt đi một phần gan của mình dành cho tôi để tôi được sống, đó là sự hi sinh, chấp nhận sức khỏe của mình sẽ yếu đi.

Tôi nghĩ về chuyện đó rất nhiều, nhưng chưa một lần dám nói thật với bố. Tôi cũng không đủ tự tin để nói hết tình cảm của mình trước mặt bố. Rất nhiều lần tôi nghĩ mỗi người cha chỉ sinh ra con một lần, và chỉ một lần đó con cái cũng không bao giờ báo hiếu được hết. Nhưng bố đã sinh tôi hai lần.

Chắc chắn không có lời nào nói hết được sự hi sinh của bố. Điều mà tôi chưa nói được đó là: Con cám ơn bố, cám ơn rất nhiều người đã cho con cuộc sống như hôm nay. Tôi và bố có vết mổ giống nhau, gan giống nhau, tính cách của hai bố con cũng giống nhau. Bố rất hiền, giờ tôi cũng học theo bố.

* Với bạn, ca ghép là điều diệu kỳ, đẹp như ước mơ. Ở tuổi rất trẻ, bạn còn ước mơ nào không?

– Tôi cảm thấy mình may mắn được sống tiếp, để biết cuộc sống tiếp diễn thế nào. Tôi luôn động viên mình cố gắng vượt qua chính bản thân để những người đã cứu sống mình, để bố mẹ không buồn, không thất vọng.

Tôi có một mơ ước riêng tư. Anh ấy là bộ đội, nhưng 10 năm trước sau khi học xong trường quân đội thì bị suy thận mãn và hiện đang chạy thận ở Bệnh viện 103. Anh ấy đã về nhà tôi ở Nam Định chơi.

Bố tôi cũng nói tùy ở con, bố không muốn xen vào chuyện của hai đứa. Hai đứa cùng hoàn cảnh, hiểu nhau, thông cảm cho nhau thì bố mẹ ủng hộ. Và nếu muốn tiến xa hơn thì phải suy nghĩ kỹ. Cứ khi nào anh ấy chạy thận mà không mệt thì tôi rất vui. Còn anh ấy nói cũng vui nếu thấy tôi cười.

Nguyễn Thị Diệp giờ đã trở thành nhân viên của ban Đông y Bệnh viện 103 – Ảnh: XUÂN LONG

VIP 103

Tôi sinh hoạt trong nhóm kín trên mạng xã hội có tên là VIP 103, là những người được ghép tạng ở Bệnh viện 103. Có hơn 300 người đang ở trong nhóm. Mọi người thường chia sẻ về cuộc sống, động viên nhau điều trị, thuốc thang.

Thậm chí có những hôm có người quên thuốc khi đi chỗ này chỗ kia, thế là lại có thành viên trong nhóm ở gần đó đến đưa cho. Rồi có lần đi chơi cùng nhau, trong nhóm cũng có bác sĩ, khi cần các bác sĩ hỗ trợ ngay.

Đây là điều tôi cảm thấy hạnh phúc vì luôn có mọi người bên mình, cùng mình sẻ chia cuộc sống mà chúng tôi luôn thấy là rất quý giá, quý giá từng ngày.

PGS.TS Bùi Văn Mạnh (giám đốc Trung tâm hồi sức Bệnh viện 103, thành viên ca ghép gan cho Nguyễn Thị Diệp):

Chương mới trong ghép tạng

Sau ca ghép 2-3 năm, người từng gặp cháu Diệp có dịp gặp lại cháu đều không nhận ra, cháu đã thay đổi rất nhiều.

Giờ cháu đã trưởng thành, khỏe mạnh, xinh xắn, phát triển bình thường, chức năng gan tốt, lại về làm việc tại bệnh viện chúng tôi. Các giáo sư Nhật tham gia ca ghép này đã nói đây là ca ghép thành công không chỉ ở VN mà cả ở Nhật Bản, là bước ngoặt để mở ra một chương mới trong ghép tạng ở VN.

Giờ đã có gần 100 ca ghép gan tại VN, ghép gan đã thành kỹ thuật áp dụng tại nhiều bệnh viện như Việt Đức, Chợ Rẫy… Đã có những người ghép gan sống được trên 30 năm sau ghép.

Trung tá Vũ Quyết Thắng (trưởng ban tuyên huấn Học viện Quân y):

Hai câu chuyện nhân văn

Có hai trường hợp là ghép gan 2004 và ghép phổi 2017 rất có ý nghĩa, về việc cứu sống người bệnh và mang tính nhân văn. Đó là vì bé Diệp lúc đó khi được ghép gan mới chỉ 9 tuổi.

Sau đó, cô ấy ước mơ sẽ được học ngành y, lớn lên cô thi đỗ vào Trường trung cấp Quân y 1 của Học viện Quân y, học trung cấp dược, rồi được nhận về làm việc tại khoa dược của Bệnh viện 103.

Thứ hai là cậu bé được ghép phổi đầu tiên, 7 tuổi, quê ở Quản Bạ, Hà Giang. Cậu bé được bố hiến một lá phổi, bác ruột hiến một lá phổi.

Ghép xong, phổi khó hơn các trường hợp khác vì liên quan đến thở. Ghép xong muốn điều trị, theo dõi tiếp vì đây là trường hợp đầu tiên của Việt Nam, Học viện Quân y xin cho cậu bé được học tại Trường tiểu học phường Phúc La, quận Hà Đông.

Vì trẻ con phải có bố mẹ chăm sóc, trường hợp này là mẹ ở lại chăm sóc. Học viện đã cho mượn một nhà công vụ để hai mẹ con ở lại. Học viện ký hợp đồng cho mẹ cậu bé làm việc với một đơn vị sản xuất, vừa có thời gian chăm sóc con vừa theo dõi sức khỏe và vừa theo học tại Hà Nội. Đó là những câu chuyện rất nhân văn.


TOP