Sự trái ngược của CĐV Nam Định và nội bộ Liên đoàn bóng đá Việt Nam

Chuyện nói & làm

Nhìn cảnh tượng các cổ động viên (CĐV) của hai đội bóng Nam Định và Hải Phòng diễu hành trên đường phố Nam Định trước khi diễn ra trận đấu sớm giữa hai đội bóng này mới thấy bóng đá quả có thể trở thành ngày hội với sự cổ vũ cuồng nhiệt, vô tư của hàng vạn khán giả.

Khán giả trông đợi một mùa V.League thành công trên mọi khía cạnh. Ảnh: LÊ MINH

Có lẽ cần nhắc lại rằng, CĐV Nam Định và Hải Phòng nằm trong số những CĐV cuồng nhiệt nhưng dễ chuyển sang quá khích vào loại nhất của bóng đá Việt Nam.

Ấy vậy mà ở trận đấu nói trên, họ đã ngồi chung với nhau trên khán đài, vẫy cờ chung và không hề có không khí kích động bạo lực hay các màn đốt pháo sáng, vốn là “đặc sản không được hoan nghênh” của CĐV Hải Phòng.

Có nhiều lý do để giải thích về hành vi cổ động dễ chịu và văn minh của CĐV hai đội, song điều chắc chắn là nhu cầu xem bóng đá của khán giả không hề mất đi. Vấn đề chỉ là bóng đá có biết con đường để đem lại niềm vui cho họ hay không.

Ngược hẳn không khí như ngày hội của giải V.League 2018, thông tin thời sự về quá trình chuẩn bị cho Đại hội BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 8 được đăng tải trên các báo trong nhiều ngày qua cho thấy, ở cấp độ lãnh đạo của cơ quan quản lý bóng đá đang xảy ra những vụ “đấu đá” nhằm tranh giành ảnh hưởng trước cuộc bầu cử lựa chọn nhân sự cho VFF nhiệm kỳ mới.

Tình hình căng tới mức thậm chí một vị lãnh đạo của VFF, cũng là ông chủ của đội bóng Hoàng Anh Gia Lai, còn tuyên bố trên báo sẽ bỏ bóng đá.

Khi một lãnh đạo của VFF tuyên bố bỏ giải V.League giữa chừng thì dường như đó không còn là hành động “dỗi” hay tính khí thất thường nữa, mà chứng tỏ rằng muốn cải tổ, trước tiên phải từ nội bộ cơ quan quản lý bóng đá VFF.

Bóng đá Việt Nam đang có những thay đổi theo hướng tổ chức giải V.League chuyên nghiệp hơn và từ đó thúc đẩy sự chuyển mình của các đội bóng, cầu thủ, trọng tài…

Những thay đổi ấy, hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ thời gian trả lời, song đòi hỏi đội ngũ quản lý bóng đá cũng phải đổi mới để theo kịp đà chuyên nghiệp hóa, chứ chỉ bo bo nghĩ tới lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì chẳng cần đoán cũng biết nền bóng đá rồi sẽ sa vào vết xe đổ của kiểu chuyên nghiệp nửa vời suốt hai thập kỷ qua.

Theo (nhandan.com.vn)


TOP