Di tích lịch sử văn hóa Đình chùa Đan Phượng thuộc xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Lịch sử hình thành làng xã và quá trình xây dựng di tích được phản ánh khá rõ nét trong nội dung bản gia phả họ Lưu ở thôn Thanh Khiết, họ Nguyễn ở thôn Đan Phượng cùng nhiều dòng họ khác và truyền thuyết tại địa phương…
Công cuộc quai đê lấn biển, cải tạo đồng ruộng của các ông tổ các dòng họ diễn ra khẩn trương đã thu hút thêm nhiều dòng họ khác từ nhiều miền quê về đây mở đất. Ban đầu người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt tôm cá và làm muối để sinh sống. Sau bao năm tháng đấu tranh gian khổ với thiên nhiên khắc nghiệt nơi miền đất mới, ông tổ các dòng họ xây dựng nên những xóm làng đông vui trù phú. Để ghi nhớ thành quả lao động của mình đồng thời để tưởng nhớ tới những miền quê cũ, dân làng liền lấy tên quê cũ đặt tên cho miền đất mới là Đan Phượng.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đan Phượng là một xã độc lập thuộc tổng Hoành Nha, Hải Huyệt Tam, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Cách mạng tháng Tám thành công các đơn vị hành chính cũ đều thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, lúc này thôn Đan Phượng, Liên Trì và Thanh Khiết được hợp nhất lấy tên là xã Hải Yến. Năm 1956 xã Hải Yến được đổi tên thành xã Giao Yến huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Đinh.
Đình Đan Phượng thờ Triệu Quang Phục cùng hai vị tướng Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc. Đây cũng là đặc trưng tín ngưỡng của cư dân vùng ven biển nói chung và Giao Thủy nói riêng. Thờ Triệu Quang Phục không đơn thuần là thờ vị vua có công đánh giặc ngoại xâm giải phóng dân tộc thời kỳ Bắc thuộc mà trong tín ngưỡng dân gian, Ngài đã trở thành một vị thần bảo hộ cho công cuộc làm ăn của dân làng đặc biệt là với ngư dân.
Công trình kiến trúc Đình chùa Đan Phượng được xây dựng trong một không gian tổng thể hoàn chỉnh với nhiều gian, nhiều tòa lớn nhỏ. Tại đây còn lưu giữu được nhiều đồ thờ tự: tượng pháp, sắc phong do vậy đã làm tăng thêm giá trị lịch sử và nghệ thuật cho di tích.
Đình Đan Phượng được xây dựng trên một khu đất rộng 1880 m2, mặt quay về hướng Nam, bên trái là đường liên thôn trải nhựa, bên phải là khu dân cư; bao quanh di tích còn có hệ thống tường bao bảo vệ.
Nghi môn trước đình được xây dựng khang trang bề thế với 3 cổng ra vào. Cổng giữa là hai đồng trụ xây cao trên 5 m, đỉnh trụ đắp nghê chầu, nối hai đồng trụ với nhau là họa tiết “lưỡng long chầu nguyệt” tạo thành bức cửa võng. Hai cổng bên xây thấp hơn theo kiểu chồng diêm hai lớp lợp giả ngói ống.
Tòa tiền đường được phục dựng từ năm 1986 gồm 5 gian xây cuốn gắn ngói nam, hai đầu hồi xây bít đốc. Tiếp theo là 5 gian trung đường. Đứng từ xa nhìn lại tòa trung đường đình Đan Phượng nổi bật hẳn nên bởi 5 tòa lầu gác làm theo kiểu hai tầng tám mái lợp giả ngói ống. Tòa lâu gác chính giữa xây cao hơn, cổ đẳng nhấn 3 chữ Hán “Nhật nguyệt chiếu”. Tại tòa trung đường, để tạo sự linh thiêng, nghệ nhân khéo léo tập trung đặc tả họa tiết “hổ phù” cùng các lớp cửa võng và hệ thống câu đối lòng máng.
Tòa cung cấm được xây theo kiểu cổ đẳng uốn vòm hai lớp mái, công trình gồm 2 gian: gian ngoài thờ cộng đồng, gian trong là nơi thờ Đức thánh Triệu Việt Vương. Ngăn cách gian ngoài với gian trong là 3 khuông cửa. Sự đan xen giữa hai chất liệu gạch và vữa và các mảng chạm khắc cùng hệ thống cưả gỗ đã tạo cho nơi thờ tự thêm hài hòa, cân đối.
Nằm cách đình khoảng hơn 100 m về phía bắc là ngôi chùa Đan phượng còn có tên chữ là “Linh Sơn tự”. Trước chùa là cánh đồng lúa và con sông Bạch ra nối từ chợ Bể tới sông Thức Hóa (Giao Thịnh). Với không gian thoáng đãng, có nhiều cây ăn quả, cây bóng mát xanh tốt quanh năm tạo cho di tích một không khí yên tĩnh, trong lành.
Chùa Đan Phượng xây theo kiểu chữ “Đinh” gồm bái đường 5 gian, tam bảo 3 gian, bên cạnh đó còn có những công trình phủ mẫu, nhà tổ, đền thờ anh hùng Trần Hưng Đạo và hệ thống nhà khách tạo thành một tổng thể khép kín.
Đan Phượng là một miền quê còn lưu giữ được nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Hằng năm tại Di tích Đình chùa Đan Phượng đã diễn ra nhiều sinh hoạt tâm linh liên quan đến những nhân vật lịch sử thờ tại di tích như ngày hóa của Đức thánh Triệu Việt Vương (13/8 ÂL) được tổ chức tại đình, ngày lễ vu lan (15/7 ÂL), ngày Phật Đản (14/4 AL) được tổ chức tại chùa. Bên cạnh nội dung tế lễ quen thuộc thì tại lễ hội đình chùa Đan Phượng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: leo cầu ngô, tổ tôm điếm, cờ người, đấu vật, kéo co. Nhưng nổi tiếng và thu hút sự động viên theo dõi của đông đảo nhân dân vẫn là trò chơi “vật cầu” và đi cà kheo.
Đình chùa Đan Phượng còn là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của địa phương. Mặc dù bị kìm kẹp trong sự khủng bố gắt gao của địch, di tích luôn là cơ sở an toàn cho cán bộ, Đảng viên về hoạt động, chỉ đạo phong trào cách mạng tại địa phương. Điều đó càng tô đậm thêm truyền thống cách mạng tốt đẹp của nhân dân địa phương và góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Ngày 6/1/1946, Đình Đan Phượng là địa điểm tổ chức bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Năm 1947 đội tự vệ của xã được thành lập, ngoài nhiệm vụ lao động sản xuất, đội thường xuyên lấy địa điểm Đình chùa Đan Phượng làm nơi luyện tập, tuần tra canh gác sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.
Tháng 5 năm 1948, huyện Giao Thủy tổ chức Đại hội Đảng đầu tiên tại Đình Đan Phượng, lực lượng dân quân du kích của xã được giao nhiệm vụ bảo vệ cho Đại hội.
Giai đoạn từ tháng 10 năm 1949 đến tháng 2/1952 đây là thời kỳ đấu tranh hết sức khó khăn, gian khổ đối với phong trào cách mạng của tỉnh Nam Định. Lịch sử địa phương gọi đây là giai đoạn “hai năm bốn tháng”. Trong điều kiện địa phương thành vùng bị địch tạm chiến song Đình chùa Đan Phượng vẫn là cơ sở bí mật cho cán bộ Đảng viên về hoạt động và chỉ đạo phong trào đấu tranh. Nhân dân trong làng cùng sư cụ Tự Chính Chương trụ trì chùa Linh Sơn trực tiếp đào hầm nuôi giấu cán bộ.
Năm 1953 thực dân Pháp cho nhiều tốp máy may ném bom xuống làng Đan Phượng, Đình Đan Phượng cũng bị hư hỏng nặng.
Ngày 25/5/1954, lực lượng chủ lực của Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 cùng bộ đội huyện Giao Thủy, dân quân du kích các xã Hải Yến, Giao Lâm, Giao Tân…được lệnh tấn công tiêu diệt bốt Thức Khóa- một căn cứ kiên cố của địch trên địa bàn huyện. Sau loạt đạn mở đầu, toàn bộ quân địch tại đây đã bỏ súng quy hàng. Từ sau hòa bình lập lại đến những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đình chùa Đan Phượng là nơi tập kết lương thực, kho chứa vũ khí của đơn vị bộ đội chủ lực 807 Quân khu III. Đình chùa Đan Phượng ngày nay được nhân dân địa phương tiếp tục bảo vệ, trùng tu, tôn tạo ngày càng khang trang, trở thành nơi lưu giữ và giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa tốt đẹp của cha ông.
Như Quỳnh- Phòng VHTT Giao Thủy
- Cứu nạn thành công sáu ngư dân Nam Định gặp nạn trên biển
- Cầu Đò Quan Nam Định trở thành nơi tự tử từ khi nào ?
- Camera ở Quất Lâm: Hình ảnh nhạy cảm có bị lọt ra ngoài?
- Nem nắm Giao Thủy – nét tinh hoa của nền văn minh lúa nước
- Giải oan cho 11 người con nghi bỏ rơi mẹ già nằm liệt giường ở Nam Định
- Băng qua đường sắt không quan sát, xe máy bị tàu hoả đâm trúng khiến 3 người tử vong
- Nam Định đột phá từ tái cơ cấu nông nghiệp
- Bảo tàng đồng quê – Nơi lưu giữ hồn quê Bắc bộ
- 3h sáng, biển người đã chen chân về chợ Viềng Nam Định “bán rủi, mua may”
- Nam sinh lớp 12 tiếp tục “trình làng” xe ô tô năng lượng mặt trời
- Nam Định: Không khí rộn ràng của làng làm đèn ông sao Báo Đáp
- Bé 4 tuổi bị treo cổ gần cửa sổ ở Nam Định: Gia đình phủ nhận bé bị câm điếc
- Cô gái Ý Yên, Nam Định bị bắt khi rao bán 138kg pháo ở cổng chợ
- Đã xác định nguyên nhân người đàn ông chết ngoài cánh đồng ở Nam Định
- Bé gái 5 tuổi lê la hè phố xin tiền ở Nam Định bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu