Nam Định: không yêu được thanh niên dọa giết cả nhà người yêu

Giá đắt cho những kẻ “không yêu được thì giết”

Nghe bạn gái của con trai gọi điện thoại thông báo Khánh đang đe dọa giết cả nhà, bà Hoa tức tốc bắt xe khách từ Giao Thủy (Nam Định) lên Hà Nội để khuyên ngăn con trai. Thế nhưng, mọi nỗ lực của bà mẹ đã bất thành khi Khánh rút dao đâm bị thương một đồng chí Công an làm nhiệm vụ ngăn chặn hành vi nguy hiểm của Khánh…

Ngày 23.11, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa cho biết đã khởi tố vụ án “Chống người thi hành công vụ”, tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Khánh (SN 1991) ở xã Hoành Sơn, huyện Giao Thủy, Nam Định.

Theo Cơ quan điều tra, Khánh và chị Vũ Thị M. (SN 1992) ở phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội có quan hệ tình cảm. Khoảng tháng 10.2015, do mâu thuẫn, hai người chia tay nhau.

Khánh và bạn gái tại cửa hàng bán bánh mì trong những ngày đầu khai trương.

Trưa 18.11, do bức xúc, Khánh chuẩn bị một chai xăng 1,5 lít và 1 con dao gọt hoa quả đi từ cửa hàng kinh doanh bánh mì 54C Tràng Thi của Khánh đến nhà chị M..

Quá trình đi, Khánh liên tục nhắn tin cho chị M. đe dọa với mục đích bắt chị M. phải ra gặp Khánh. Khi đến nơi, thấy nhà chị M không có ai ở nhà nên Khánh đã để lại chai xăng và con dao trước cửa với mục đích đe dọa rồi về.

Biết buổi tối, chị M. học cao học tại Trường đại học Ngoại thương nên Khánh đi “xe ôm” đến chờ ở cổng trường. Khi đi Khánh chuẩn bị 1 dao nhọn (dài khoảng 30cm) giấu trong túi quần để đe dọa M..

Tan học, chị M. được bố đón bằng xe máy về nhà. Khánh đi theo. Khi đến nơi, có bà Phạm Thị Hoa (SN 1964) là mẹ đẻ của Khánh đang đứng trước cửa nhà chị M..

Thấy Khánh đứng trước cửa nhà với chai xăng, chiếc bật lửa và con dao nên bố của M đã gọi điện thoại báo Công an phường Quang Trung đến giải quyết.

Nhận tin báo, 21 giờ 45 phút ngày 18.11, Công an phường Quang Trung đã cử cán bộ mặc trang phục cảnh sát xuống hiện trường, trong đó có Trung úy Lê Quang Hải là Cảnh sát khu vực (CSKV) và trung úy Nguyễn Đình Sơn.

Đến nơi, anh Hải giới thiệu là CSKV, cùng tổ công tác thu giữ chai xăng, con dao nhọn và yêu cầu Khánh đi cùng về trụ sở Công an phường làm việc.

Tuy nhiên, Khánh không thực hiện và có biểu hiện chống đối buộc Trung úy Nguyễn Đình Sơn lao vào khống chế đối tượng. Trung úy Lê Quang Hải cũng lao vào trợ giúp đồng đội.

Bất ngờ, Khánh rút con dao trong túi quần, đâm một nhát vào vai trái khiến đồng chí Hải bị thương, được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn.

Đồng chí Hải đã được mổ cấp cứu với kết luận vết thương đứt khối cơ cạnh cột sống bên trái và một phần khung sau xương sườn số 4. Nguyễn Văn Khánh bị bắt giữ ngay sau đó và chuyển Công an quận Đống Đa xử lý.

Nước mắt “con dại cái mang”…

“Con dại cái mang. Tôi ân hận quá. Giá như lúc ấy, tôi là người lao vào ôm thằng Khánh thì có thể, nó đã không nghĩ quẩn mà hành động thiếu suy nghĩ như vậy…”

– Làm việc tại Cơ quan điều tra Công an quận Đống Đa, bà Phạm Thị Hoa, mẹ của Nguyễn Văn Khánh thở dài khi kể lại sự việc.

Bà Hoa cho biết, vợ chồng bà sinh được 3 người con, Khánh là con út. Mặc dù chỉ làm thợ xây dựng nhưng hai vợ chồng bà đã chắt chiu, nuôi dạy cả 3 con học đại học tại Hà Nội.

Anh và chị của Khánh sau khi tốt nghiệp đại học đã về quê lập nghiệp, hiện là giáo viên dạy ngoại ngữ. Theo bà Hoa thì Khánh bộc lộ đam mê âm nhạc từ nhỏ.

Khánh giấu gia đình, để dành tiền ăn sáng mua đàn. Thấy con có năng khiếu và say mê đàn piano nên ngoài học văn hóa, vợ chồng bà Hoa cũng tìm thầy cho con học thêm âm nhạc.

Năm học cấp 3, Khánh bày tỏ nguyện vọng muốn theo đuổi con đường nghệ thuật nhưng vợ chồng bà Hoa không đồng ý, muốn con theo học ngành khác.

Thế nhưng Khánh trốn gia đình, lên Hà Nội thi và đỗ vào Học viện Âm nhạc, Khoa Piano. Năm 2014, Khánh tốt nghiệp trường nhạc. Tuy chưa xin được công việc ổn định nhưng từ thời sinh viên, Khánh cũng đã chịu khó đi dạy nhạc cho các gia đình có nhu cầu.

Nguyễn Văn Khánh tại cơ quan Công an.

Theo lời khai của chị Vũ Thị M. thì M. và Khánh quen nhau trên sân trượt patin tại Công viên Thống Nhất từ năm 2011. Khi đó Khánh đang là sinh viên trường nhạc, còn M. là sinh viên Đại học Ngoại thương.

Mối quan hệ tình cảm giữa Khánh và M. được cả hai gia đình chấp nhận. Bà Hoa cho biết, Khánh đã vài lần đưa M về nhà chơi, ra mắt gia đình. M là cô gái hiền lành, ngoan ngoãn. Bà Hoa cũng đã đến gia đình M. chơi.

Trước khi xảy ra sự việc khoảng hơn một tháng, vợ chồng bà cũng có lời với bố mẹ M. để hai đứa chính thức tìm hiểu nhau. Phía gia đình M. cũng không phản đối. Tuy nhiên M. đang học cao học nên hai bên chưa tính đến chuyện lâu dài.

Nguyên nhân của sự việc, theo bà Hoa có lẽ một phần xuất phát từ việc kinh doanh của Khánh. Khoảng đầu tháng 8.2015, Khánh xin bố mẹ tiền mở cửa hàng kinh doanh bánh mì, thuê địa điểm tại 54C Tràng Thi, Hà Nội.Ban đầu, M. cũng phụ giúp Khánh bán hàng.

“Tháng đầu tiên, tôi có lên giúp thằng Khánh trông nom cửa hàng. Tôi thấy nó và cháu M. chia nhau, mỗi đứa phụ trách pha chế 2 món đồ ăn, thức uống. Sau một tháng thì tôi về quê, để 2 đứa cùng kinh doanh. Lúc đó cả hai vẫn vui vẻ, chưa xảy ra chuyện gì” – bà Hoa kể lại.

Sau 3 tháng kinh doanh, đầu tháng 11.2015, Khánh tiếp tục gọi điện về xin mẹ cho 40 triệu đồng để trả tiền thuê nhà.

Nhẩm tính tiền thuê cửa hàng 3 tháng đầu đã hết hơn 70 triệu đồng, chưa kể tiền đầu tư sửa sang cửa hàng, mà tiền lãi thì chưa thấy đâu, bà Hoa có ý khuyên Khánh xem xét lại việc kinh doanh nên không đồng ý cho tiền. Khánh tỏ ra bức xúc và cho biết đã hứa với chủ nhà trong vòng một tuần sẽ gửi tiền thuê nhà nên không muốn thất hứa.

“Khi sự việc xảy ra, tôi mới biết gần đây, giữa thằng Khánh và cháu M. xảy ra mâu thuẫn. Hai đứa bất đồng quan điểm trong việc kinh doanh nên cháu M. không bán hàng cùng nữa và hai đứa chia tay. Có lẽ một mình trông nom cửa hàng, cộng thêm sức ép từ việc trả tiền thuê địa điểm nên thằng Khánh nghĩ quẩn…”.

Theo lời khai của chị Vũ Thị M., đầu tháng 11.2015, hai bên xích mích nên quyết định chia tay, không gặp nhau nữa. Tối 17.11, một bạn chung của hai người mời đi uống nước. Cả Khánh và M. đều đến dự và nói chuyện bình thường với nhau.

Tuy nhiên, đến sáng 18.11, Khánh nhắn tin cho M. với lời lẽ bức xúc, trách móc M. đã bỏ Khánh, dồn Khánh đến bước đường cùng và đe dọa sẽ giết, đốt nhà M..

Nhận tin nhắn, M. lo sợ nên đã điện thoại báo cho mẹ biết, dặn đóng cửa cẩn thận. Trưa cùng ngày, Khánh đến nhà M, mang theo chai xăng và con dao với mục đích đe dọa để M. phải gặp Khánh. Thấy M. không có nhà nên Khánh bỏ lại chai xăng và dao trước cửa rồi bỏ đi.

Tối cùng ngày, biết M. học ở Trường đại học Ngoại thương nên Khánh bắt “xe ôm” đến trước cổng trường đợi M tan học. Khi đi, Khánh chuẩn bị 1 con dao mua ở siêu thị, giấu trong túi quần.

Do bị Khánh nhắn tin đe dọa rất nhiều nên khi tan học, M. được bố đi xe máy đến đón về. Thấy M. nhất quyết không gặp, Khánh thuê “xe ôm” đi phía sau theo M. về nhà. Suốt dọc đường đi, Khánh vẫn tiếp tục nhắn tin đe dọa nếu không quay lại gặp sẽ giết cả nhà.

Bà Phạm Thị Hoa cho biết, trưa 18.11, khi M. gọi điện thoại thông báo Khánh nhắn tin đe dọa sẽ giết, với trách nhiệm một người mẹ, bà vội vàng bắt xe khách lên ngay Hà Nội để khuyên ngăn Khánh.

Lên đến nơi, bà đến cửa hàng bánh mì nhưng Khánh không có ở đó. Gọi điện thoại cho Khánh không được. Bà đi tìm Khánh khắp nơi không thấy nên đến nhà M..

“Thấy thằng Khánh đứng trước cửa nhà cháu M. với chai xăng và con dao để dưới đất, tôi lo lắm. Lúc đó, bố cháu M hỏi Khánh mang xăng và dao đến làm gì, nó lầm lì không trả lời. Bố cháu M. bảo tôi và Khánh vào nhà nói chuyện, tôi không dám vào vì cháu M. đang ở trong nhà, ngộ nhỡ thằng Khánh không kiềm chế được, gây ra chuyện gì thì khổ. Tôi ở ngoài, tìm cách khuyên Khánh đi về. Tôi bảo chuyện tình cảm mẹ không giúp được, nhưng mẹ sẽ giúp con trả tiền thuê cửa hàng. Chuyện đâu có đó, hai mẹ con mình cùng về cửa hàng rồi tính. Đúng lúc đó thì các anh công an đến. Mọi việc diễn ra nhanh quá. Giá như lúc đó tôi ôm thằng Khánh ngăn lại…” – bà Hoa không kìm được nước mắt.

Tin nhắn Nguyễn Văn Khánh đe dọa sẽ “giết cả nhà” bạn gái.

“Mọi chuyện đã xảy ra như vậy, tôi cũng không biết làm thế nào. Thôi thì con dại cái mang. Từ hôm đó đến giờ, ngày nào tôi cũng vào bệnh viện thăm hỏi anh công an bị thương. Bố mẹ đồng chí công an rất thông cảm, không trách cứ gì tôi cả. Khi tôi bày tỏ nguyện vọng muốn được đóng tiền viện phí, ông bà bảo bà cứ yên tâm, giờ chúng tôi lo được nên cũng chưa cần đến gia đình. Các đồng chí công an và gia đình tạo điều kiện cho tôi thăm hỏi đồng chí bị thương nên tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng phần nào. Thôi thì việc cháu Khánh gây ra, cháu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn tôi chỉ biết làm tất cả, vì lương tâm của một người mẹ”.

Theo một cán bộ Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa, sau khi bị bắt giữ, Nguyễn Văn Khánh tỏ thái độ rất ân hận, khai báo thành khẩn, nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình.

Trước mắt, Cơ quan điều tra khởi tố vụ án về tội “Chống người thi hành công vụ” để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi nhắn tin, mang xăng và dao đến nhà chị M đe dọa của Nguyễn Văn Khánh.

Dùng bạo lực để “nói chuyện” với người yêu nhằm níu kéo tình cảm, dẫn đến vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, Nguyễn Văn Khánh rồi đây sẽ phải trả giá đắt cho hành động mù quáng của mình.

Song vụ việc cũng là bài học đối với các bạn trẻ trong giải quyết các mối quan hệ tình cảm. Bởi thực tế, hành vi đe dọa “không yêu thì giết” diễn ra khá nhiều và không ít vụ án mạng đau lòng đã xảy ra khi nói lời chia tay trong tình yêu.

Là một nhà nghiên cứu về tình yêu, hôn nhân, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích: Những người dùng bạo lực trong tình yêu thường quên mất rằng tình yêu là tự nguyện. Kể cả trong trường hợp đã yêu nhau một thời gian, nay không yêu nữa cũng là quyền của con người.

Thực tế các vụ án liên quan đến tình ái thường xảy ra ở 2 giai đoạn: tỏ tình và chia tay. Chia tay thế nào cũng là một nghệ thuật.

Chia tay cũng cần có văn hóa và cần một khoảng thời gian “thương lượng” để nửa kia không bị sốc. Những vụ án xảy ra cho thấy những người trong cuộc, nhất là giới trẻ hiện nay đang bị thiếu hụt kiến thức về tình yêu, hôn nhân.

Đáng tiếc là những kiến thức này hiện chưa được dạy trong nhà trường. Nhiều người nghĩ yêu là bản năng tự nhiên, cần gì phải học, nhưng thật ra yêu cũng là một kỹ năng sống.

Do đó, kỹ năng tỏ tình cũng như kỹ năng từ chối tình yêu hết sức quan trọng. Tình yêu có đặc điểm là tự nguyện nên không thể dùng bạo lực để ép buộc ai đó phải yêu mình.

Có thể dùng tiền bạc để quyến rũ nhưng kiểu “không yêu thì giết” là hành vi bạo lực rất đáng lên án. Không thể bắt người khác yêu mình nhưng thực tế nhiều người đã lầm tưởng ép buộc được người khác yêu.

Do đó, tuổi trẻ cần được trang bị những kiến thức cơ bản về tình yêu, quyền yêu ai là quyền tự do của mình và nửa kia cũng có quyền tự do lựa chọn lại.

Để phòng ngừa những vụ việc đáng tiếc xảy ra, theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, trước hết trong gia đình, khi có con cái đến tuổi yêu đương, cha mẹ cần quan tâm trang bị kiến thức tình yêu cho con cái, dạy con cách tỏ tình, nuôi dưỡng tình yêu cũng như từ chối trong tình yêu.

Chưa kể đến kiến thức pháp luật khác có liên quan đến tình yêu, hôn nhân cũng cần được gia đình, nhà trường và Đoàn Thanh niên tuyên truyền, giáo dục.

Theo H.Vũ (An ninh Thế giới)


TOP