Hiệu quả từ phong trào "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ"

Hiệu quả từ phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”

Thực hiện chủ trương về tăng cường xã hội hóa xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), năm 2007, Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chỉ thị 03-CT/TU về chỉ đạo triển khai mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” trên địa bàn toàn tỉnh. Sau 10 năm nỗ lực triển khai thực hiện, phong trào không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo ra hiệu ứng tích cực trong bảo đảm an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) trên địa bàn.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ (Công an tỉnh) tra cứu dữ liệu phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.


Ngay sau khi Chỉ thị 03 được ban hành, Ban TVTU và UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện. Các huyện ủy, thành ủy, UBND các cấp cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đều ra văn bản kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tổ chức triển khai mô hình điểm sau đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng.

Các đơn vị, địa phương đã tổ chức ký cam kết thực hiện 3 nội dung tiêu chí mô hình đó là: Tự quản về con người, tài sản, địa bàn; tự phòng về tội phạm, tệ nạn, tai nạn và những phức tạp nảy sinh liên quan đến an ninh trật tự (ANTT); tự bảo vệ về con người, tài sản, địa bàn.

Quá trình triển khai phong trào được lồng ghép với các phong trào, các cuộc vận động khác như “Đền ơn đáp nghĩa”; “Xóa đói giảm nghèo”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”…

Hằng năm, ban chỉ đạo các cấp tổ chức kiểm tra, đánh giá, phân loại kết quả thực hiện, trên cơ sở đó phân loại phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ theo mức đạt và không đạt an toàn về ANTT ở từng địa phương, đơn vị.

Trong quá trình thực hiện mô hình, các đơn vị, địa phương đã linh hoạt tổ chức các hoạt động sơ kết theo từng chuyên đề, giai đoạn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của cơ quan, đơn vị mình như sơ kết 3 năm thực hiện “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” trong Phật giáo; ký giao ước thi đua thực hiện mô hình “Ba an toàn” về ANTT giữa các tôn giáo; trao đổi kinh nghiệm phong trào “An toàn trường học”; nhân điển hình “Giáo viên chủ nhiệm làm ANTT giỏi” của ngành GD và ĐT.

Trong đợt tổng kết 10 năm thực hiện mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã chỉ đạo 13 đơn vị cấp xã, 2 huyện, 11 cơ quan, doanh nghiệp tổ chức hội nghị tổng kết điểm bảo đảm yêu cầu, nội dung, tiến độ đề ra.

Thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng điển hình, cách làm hay từ các đơn vị, địa phương nên sau 10 năm áp dụng mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”, địa bàn tỉnh ta đã tạo được thế trận an ninh nhân dân vững chắc, góp phần bảo đản an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH. Đối với cấp xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố, mô hình đã huy động mọi cá nhân, hộ gia đình chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật và của địa phương về ANTT.

Triển khai hiệu quả mô hình đã giúp cơ sở làm tốt công tác phòng ngừa, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cam kết cùng nhau thực hiện tốt các nội quy, hương ước ở địa phương. Nhiều đơn vị đã cụ thể hóa nội dung “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” thành nhiều mô hình khác nhau, phù hợp với đặc điểm tình hình cơ sở, mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo đảm ANTT như mô hình “Tiếng kẻng an toàn”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Nhóm liên gia tự quản”.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.081 thôn, xóm, tổ dân không có tội phạm; 807 thôn, xóm, tổ dân và 12 xã, thị trấn không có người nghiện ma túy. Kết quả phân loại phong trào năm 2017, có 89% xã, phường, thị trấn; 88% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhân đạt “An toàn về ANTT”.

Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, lực lượng chức năng đã hướng dẫn cán bộ, công nhân viên chức, người lao động triển khai thực hiện mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” bằng việc vận động mọi người cùng nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật về ANTT.

Từ đó, tự giác đề ra và thực hiện có hiệu quả các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, khắc phục những sơ hở, thiếu sót nhằm bảo đảm an toàn tài sản của cơ quan, đơn vị, cá nhân; củng cố hệ thống phòng cháy, chữa cháy; phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện vi phạm liên quan tới ANTT gắn phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm phù hợp, sáng tạo như mô hình “Cơ quan, đơn vị an toàn” trong các cơ quan Nhà nước; mô hình “Khu, cụm công nghiệp an toàn” đối với doanh nghiệp.

Điển hình trong phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” đó là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các doanh nghiệp trong KCN Bảo Minh, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP Dây lưới thép Nam Định. Ở các cơ sở giáo dục, việc thực hiện mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” được cụ thể hóa bằng nhiều mô hình tiêu biểu như: “An toàn trường học”, “Mái trường không có ma túy và tệ nạn xã hội”, “Cổng trường an toàn”, “Giáo viên chủ nhiệm làm ANTT giỏi”, “Ký túc xá tự quản”. Đến nay, mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” đã phát triển trở thành phong trào quần chúng rộng khắp được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia.

Tại vùng đồng bào có đạo, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo, củng cố, nâng cao chất lượng các mô hình nhằm phát huy tác dụng trong vùng đồng bào Công giáo như “Xứ, họ tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; “Giáo xứ, giáo họ không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội”, mô hình “Tâm sáng, hướng thiện”, xây dựng “Chùa tinh tiến” trong Phật giáo.

Các mô hình được triển khai sâu rộng tới các giáo xứ, giáo họ, năm 2017, toàn tỉnh đã có 85% giáo xứ, giáo họ đạo đạt danh hiệu “Xứ họ đạo tiên tiến” và 80% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình Công giáo gương mẫu”, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Cùng với việc phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, lực lượng công an đã triển khai nhiều đợt ra quân truy quét, tuần tra kiểm soát triệt phá các đường dây, tụ điểm trên địa bàn. Kết quả, đến nay đã có 22/48 địa bàn xác định ổn định, 22 địa bàn xác định kiềm chế, 4 địa bàn còn phức tạp.

Tại khu vực đô thị, hưởng ứng phong trào “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị”, lực lượng công an đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh thực hiện các mô hình theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” như “Nhóm liên gia tự quản”, “Tuyến phố an toàn giao thông”, “Tổ tự quản về trật tự an toàn giao thông và vệ sinh mô trường”, “Ca-mê-ra an ninh”. Qua đó, góp phần quan trọng vào phong trào xây dựng tuyến phố văn minh đô thị; đưa tỷ lệ xã, phường, thôn, tổ dân phố ở Thành phố Nam Định đạt chuẩn văn hóa năm 2017 lên mức gần 70%.

Qua 10 năm thực hiện phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” đã góp phần nâng cao nhận thức cho quần chúng trong việc thực hiện nhiệm vụ về ANTT; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng công an nhân dân với cơ quan MTTQ, các thành viên. Thông qua mô hình, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở; tạo môi trường ổn định để phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh./.

Theo Xuân Thu( baonamdinh.vn)


TOP