NAM ĐỊNH : Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

NAM ĐỊNH : Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Trong giai đoạn 2016-2020, kinh tế – xã hội tỉnh ta có bước phát triển tương đối toàn diện trên các lĩnh vực; trong đó kinh tế được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các ngành, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, thu ngân sách, thu hút đầu tư… đạt được kết quả khá. Nguồn vốn đầu tư phát triển tăng cao, đã cải tạo, nâng cấp một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng có tác động lâu dài tới sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi. Tuy nhiên kinh tế của tỉnh còn có những hạn chế so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng là một vùng kinh tế sôi động, tốc độ tăng trưởng cao, vị thế của tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn.

Thi công xây dựng Cụm công nghiệp Yên Dương (Ý Yên).

Kinh tế tỉnh đã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong suốt giai đoạn 2016-2020, bình quân đạt 7,11%/năm, cao gấp 1,19 lần cả nước (cả nước tăng 5,99%/năm). Tuy vậy, vẫn thấp so với mức bình quân chung của khu vực 8,23%/năm, xếp thứ 9/11 trong vùng, trên thành phố Hà Nội (6,68%), Vĩnh Phúc (6,86%). Chất lượng tăng trưởng còn hạn chế do xuất phát điểm thấp, quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn thuộc loại nhỏ, chủ yếu dựa vào yếu tố vốn và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao. Chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Nông nghiệp và nông thôn có nhiều khởi sắc nhưng quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ, lẻ, là rào cản cho sự phát triển các phương thức hiện đại vào sản xuất; tâm lý người sản xuất không ổn định, phát triển tự phát, dễ nảy sinh vấn để dư thừa hoặc cạnh tranh giá bán tại chỗ giữa những người sản xuất. Khu vực công nghiệp, động lực phát triển của nền kinh tế, chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động. Các ngành dịch vụ chất lượng cao quy mô còn nhỏ; phát triển du lịch, kinh tế biển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chưa tạo ra được sự đột phá.

Cơ cấu kinh tế tuy có thay đổi theo hướng tích cực nhưng còn chậm. Tỷ trọng ngành nông nghiệp vẫn còn cao, năm 2020 vẫn chiếm 22,5% GRDP, cao hơn mức bình quân chung của toàn vùng (5,8%), xếp thứ 2/11 trong vùng. Các ngành công nghiệp mang hàm lượng giá trị công nghệ cao, giá trị tăng thêm lớn chưa có nhiều; ngành công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 39,5%, thấp hơn bình quân chung của vùng (40,7%), xếp thứ 8/11 trong vùng. Ngành dịch vụ chiếm 34,9%, thấp hơn bình quân chung của vùng (43,4%), xếp thứ 4/11 trong vùng; một số ngành dịch vụ mang tính chất động lực của nền kinh tế như tài chính – tín dụng, viễn thông, công nghệ thông tin còn chiếm tỷ trọng thấp. Thu, chi ngân sách Nhà nước tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa tự cân đối được ngân sách. Thu ngân sách từ kinh tế địa phương chưa có nguồn thu chủ lực, ổn định; mức huy động vào ngân sách của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,1%, thấp hơn bình quân chung của vùng (10,1%), đứng cuối bảng. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 39.279 tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2016; tuy nhiên so với 11 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư thực hiện trong khu vực, xếp thứ 8/11 trong vùng, đứng trên các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình. Năm 2020, tỉnh thu hút được 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt 41 triệu USD. Trong 11 tỉnh, thành phố của khu vực, Nam Định xếp thứ 9 về số dự án và thứ 10 về tổng số vốn đăng ký; điều này cho thấy khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh còn hạn chế.

Để nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng, tỉnh xác định cần tiếp tục duy trì, phát huy những lợi thế của địa phương, đồng thời có những giải pháp đột phá hơn trong phát triển kinh tế. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, các hoạt động kinh tế – xã hội bị ngưng trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chú trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra, phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước. Đảm bảo việc xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước; thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế tạo đột phá trong phát triển các vùng kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên khoa học công nghệ, tri thức và sáng tạo; thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao.

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học trong việc phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao, tự động hóa để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ có năng suất, thu nhập cao hơn. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm chuyển dịch nhanh lao động khu vực nông nghiệp; đồng thời chuyển dịch trong nội bộ ngành từ sản xuất dựa vào lao động sang sử dụng dây chuyền công nghệ cao; sản xuất hàng hóa, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn. Phát triển các ngành thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại. Tăng cường mở rộng kinh doanh du lịch với các đối tác bên ngoài. Phát triển mạnh dịch vụ ở nông thôn, chú trọng đầu tư phát triển dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ, nghiên cứu kinh tế – xã hội và thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ y tế, dịch vụ thương mại cung cấp vật tư cho sản xuất và hàng tiêu dùng cho nhân dân./.

Tags:

TOP