5 Vị Trạng Nguyên của Đất Nam Định

5 Vị Trạng Nguyên của Đất Nam Định

Theo sử sách nước ta, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XXI ( 1075- 1919), các triều đình phong kiến đã tổ chức 183 khoa thi, lấy đỗ 3415 người hiện chỉ còn giữ được danh sách 2898 vị.

Trong đó tỉnh Nam Định có 88 vị đại khoa với 5 vị Trạng Nguyên. Đó là trạng nguyên: Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Lương Thế Vinh, Vũ Tuấn Chiêu, Trần Văn Bảo.

Nhằm tôn vinh những công lao to lớn của những người con quê hương Nam Định đã đi vào lịch sử của dân tộc, BQT xin trích đăng một số thông tin về các Trạng nguyên đất Nam Định để Quý đồng hương tham khảo, học tập.

Trạng Nguyên Nguyễn Hiền tự Khôi Nguyên người làng Dương Miện sau đổi thành Dương A, huyện Thượng Hiền (Thượng Nguyên) phủ Thiên Trường, nay thuộc huyện Nam Trực, thông minh nổi tiếng thần đồng từ nhỏ. Cha mất sớm, mẹ cho đến học ở chùa làng, học đâu nhớ đấy, xuất khẩu thành chương. Khoa thi Hương Bính Ngọ (1246) đời Trần Thái Tông, thi đỗ giải Nguyên, kỳ thi Hội Đinh Mùi niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình(1247), đỗ trạng nguyên khai khoa và trở thành Trạng nguyên trẻ tuổi nhất nước. Ông làm quan đến Thượng thư Bộ công, mất ở tuổi 21, sau khi mất được dựng đền và cấp ruộng thờ.

Trạng nguyên Đào Sư Tích(1350-1396) quê ở làng Cổ Lễ nay là thị trấn Cổ Lễ ( Trực Ninh) là con tiến sĩ Đào toàn Bân, đỗ trạng nguyên khoa Giáp Dần niên hiệu Long Khánh 2(1374). Sinh ra trong buổi Trần suy, ông có nhiều tấu trình tâm huyết vì dân, vì nước. Ông được bổ giũ chức Lễ bộ Thượng thư, đến năm Tân Dậu(1381) được thăng Nhập nội hành khiển kiêm Hữu Ty lang trung( chỉ đứng sau Tể tướng).

Thượng hoàng Nghệ Tông sai ông viết sách Bảo hòa điện dư bút để dạy bảo quan gia. Khi đi sứ phương Bắc, ông được phong “ Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Thấy các vua Trần bất lực, ông đưa ra những quyết sách, nhưng không được dùng, nên đã cáo quan về ở ẩn. Ông lên vùng Lý Hải, Tam Đảo, quy tụ nhân tài nuôi chí lớn. Thể hiện sự canh tân của mình trong bộ Sách lược phục hưng Đại Việt , trạng nguyên Đào Sư Tích đã để lại nhiều trước tác bất hủ như: Cảnh tinh phú, Quy điền…

Trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1496) quê Cao hương, Thiên Bản nay là Cao Phương, Liên Bảo (Vụ Bản) đỗ trạng nguyên khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận 4(1463) đời Lê Thánh Tông, làm quan tới Hàn Lâm viện Thị Giảng Chưởng viện sự Nhập thị Kinh diên, tri Sùng Văn quán, Hộ bộ Tả thị lang, tước Hương lĩnh hầu. Là Sái phu trong Hội Tao Đàn, Lương Thế Vinh là một nhà văn, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà toán học, giỏi âm nhạc, sân khấu chèo,thấu hiểu Phật học sâu sắc,đồng thời là nhà giáo tâm huyết.

Ông có nhiều học trò đỗ Bảng nhãn, Thám hoa, tiến sỹ là người đưa lý luận vào đời sống thực tiễn, từ văn thơ đến toán học cũng như trong giáo dục và nghệ thuật. Lê Quý Đôn đánh giá ông là người tài hoa danh vọng vượt bậc. Khi nghe tin ông qua đời, vua Lê Thánh Tông đã viết:

“…Danh lạ còn truyền để quốc gia

Khuất ngón tay, than tài cái thế

Lấy ai làm Trạng nước Nam ta!”

11

Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (1425-?) quê ở Cổ Da, Tây Chân( nay là thôn Cổ Da, xã Nam Hùng, Nam Trực). Thuở nhỏ nhà nghèo cha mất sớm, ông theo mẹ về quê ngoại tại phường Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức(nay thuộc Hà Nội). Ông là người kiên trì học. Ở quê ngoại vừa làm vừa học,chưa đỗ đạt mẹ đã qua đời,không còn chỗ nương tựa, ông quay về quê cũ,vẫn lam lũ để học.

Có người bạn hàng xóm của cha là Trần Công thấy ông ham học đã giúp, rồi còn gả con gái cho để nuôi chồng ăn học. Người thầy học ở làng Vũ Hạ thấy Tuấn Chiêu học mãi không thành đã cho Tuấn Chiêu theo vợ về quê. Về đến đầu làng vợ chồng nghỉ chân, Tuấn Chiêu xuống bến sông tắm, thấy nước chảy đá mòn, lại giã từ vợ quay lại nhà thầy quyết nấu sử sôi kinh.

Thế rồi không uổng công đèn sách, Vũ Tuấn Chiêu thi đỗ Trạng Nguyên khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức 6 (1475) đời Lê Thánh Tông lúc đã 51 tuổi. Ông làm quan đến chức Lại bộ Tả thị lang, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu.

Trạng nguyên Trần Văn Bảo (1524-1610?) người làng Cổ Chử huyện Tây Chân nay thuộc xã Hồng Quang(Nam Trực) đỗ Trạng Nguyên khoa Canh Tuất, hiệu Cảnh Trị 3 đời Mạc Phúc Nguyên làm quan tới chức Lại Bộ Thượng Thư tước Nghĩa Sơn hầu.

Vua nhà Mạc không chăm lo chính sự, ông can ngăn không được đã bỏ quan đi ở ẩn tại làng Phù Tải(nay thuộc Bình Lục, Hà Nam). Sinh thời văn ông tiếng sang tận Bắc quốc, được người đương thời ca ngợi “ sự nghiệp văn chương đằng Bắc quốc”.

Các tư liệu về trạng nguyên đất Nam Định cho chúng ta bài học bổ ích về sự kiên trì học tập, bản lĩnh kiên cường trong đời sống xã hội, những trước tác quý báu trong văn học. Đó là di sản văn hóa vô giá của quê hương.

Theo: Báo Nam Định


TOP