Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định: Học nghề “hot”không kém Đại học

Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định: Học nghề “hot”không kém Đại học

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh, nhưng trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định vẫn thu hút rất nhiều học sinh đăng ký học nghề và đảm bảo hơn 70% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng nghề được đào tạo.

Toàn cảnh trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định.

Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định được thành lập theo Quyết định số 5948/QĐ-BGDĐT ngày 23/10/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở hợp nhất trường Trung học Xây dựng số 2 và trường Đào tạo nghề Xây dựng và Thủ công mỹ nghệ.

Trải qua 56 năm xây dựng và trưởng thành, quá trình phát triển của Nhà trường luôn gắn liền với sự phát triển của ngành Xây dựng với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo và nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Xây dựng.

Hiện tại Nhà trường đang đào tạo 3 trình độ là Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp với 18 ngành nghề, chia làm 3 nhóm chuyên ngành Xây dựng, Thủ công mỹ nghệ và Kinh tế, Kế toán, Tin học.

Tính đến ngày 30/10/2018, trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định có 6 khoa chuyên môn, 3 trung tâm (Thực nghiệm sản xuất, Thông tin Thư viện, Tư vấn Xây dựng) và 147 cán bộ viên chức, bao gồm 111 giáo viên, giảng viên và 36 nhân viên khối hành chính phục vụ.

Nhà trường cũng được trang bị 220 máy tính, 15 máy chiếu đa năng, 80 thiết bị đào tạo chuyên ngữ, 1 phòng thí nghiệm hóa môi trường với 36 danh mục thiết bị và 687 thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo nghề hệ Cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và thực tập tay nghề cho học sinh bậc Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp.

Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định được trang bị cơ sở vật chất hiện đại để phục vụ công tác học tập của sinh viên

Trong giai đoạn 2012-2017, trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định đã được Bộ Xây dựng quan tâm đầu tư cả trăm tỷ đồng để cải tạo, xây mới cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo như: Công trình nhà học đa năng (55 tỷ), nhà thể thao đa năng (27 tỷ), phòng thí nghiệm hóa, môi trường và các thiết bị phụ trợ (18 tỷ), hệ thống thoát nước cơ sở Nam Phong (10 tỷ), khắc phục hậu quả thiên tai (3,6 tỷ)…

Ngoài việc đầu tư bằng nguồn Ngân sách, Nhà trường cũng đã chủ động đầu tư bằng nguồn vốn tự có để cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp các công trình hàng năm và bổ sung trang thiết bị giảng dạy phục vụ đào tạo.

Học nghề “hot” không kém học Đại học

Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh ở khối trường Cao đẳng và Trung cấp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do cơ chế tuyển sinh Đại học có nhiều thay đổi, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường Đại học ngày càng tăng lên.

Đứng trước tình hình này, trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định đã tiến hành phối hợp, liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, doanh nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng và hợp tác xã để đào tạo trình độ trung cấp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm và đảm bảo đủ công việc cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ, viên chức trong trường.

Thầy Nguyễn Mạnh Trường – Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng xây dựng Nam Định cho biết: “Cơ chế của Nhà nước đang chú trọng chương trình đào tạo đối tượng 9+ là những học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng không có nhu cầu, hoặc không đủ điều kiện tiếp tục học văn hóa ở những cấp bậc cao hơn thì chuyển sang học nghề song song với học văn hóa. Khi tốt nghiệp, các em sẽ có cả bằng trung học phổ thông và bằng trung cấp nghề để đi làm ngay sau khi ra trường”.

Cũng theo lời thầy Nguyễn Mạnh Trường, chỉ tiêu tuyển sinh Cao đẳng chuyên nghiệp của Nhà trường còn thấp, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh Trung cấp thì luôn đạt, hoặc vượt chỉ tiêu. Hiện tại, trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định vẫn gặp khó khăn về đăng ký thủ tục đào tạo tại các cơ sở liên kết được cấp bởi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các Sở Lao động Thương binh Xã hội vì khá phức tạp, mất nhiều thời gian.

Cô Nguyễn Hải Anh, Phó Trưởng khoa Kinh tế Xây dựng – Kế toán

Trăn trở về vấn đề tuyển sinh của Nhà trường, cô Nguyễn Hải Anh – Phó Trưởng khoa Kinh tế Xây dựng – Kế toán, cho rằng: “Các bậc phụ huynh cần có cái nhìn thật kỹ về vấn đề đi học văn hóa có phù hợp với con em của mình hay không. Nhiều em học sinh cố gắng đi học Đại học từ xa, nhưng sau khi lấy bằng cũng không làm được việc. Thế là tốt nghiệp Đại học thì không thể lãnh đạo, trong khi số lượng công nhân thì vẫn thiếu”.

Thầy Trần Ngọc Anh, Trưởng bộ môn Sắt hàn- Điện nước, giảng dạy giờ thực hành tay nghề Điện dân dụng

Trong khi đó, thầy Trần Ngọc Anh – Trưởng bộ môn Sắt hàn- Điện nước của khoa đào tạo nghề trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định nhấn mạnh: “Xu hướng các em học sinh chuyển sang học nghề đang rất nhiều, cơ hội việc làm dành cho các em cũng rất cao.

Bản thân chúng tôi trong quá trình dạy học cũng kết hợp với các doanh nghiệp để tư vấn việc làm cho sinh viên. Những đối tượng 9+ khi tốt nghiệp sẽ có bằng trung học phổ thông và bằng trung cấp nghề nên nhiều doanh nghiệp cũng có thể bố trí công việc ngay lập tức.

Chính vì thế, tôi cho rằng, các em học sinh không đủ điều kiện thi vào các trường Đại học, Cao đẳng nên chuyển sang học Trung cấp nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm cao hơn. Bản thân các em khi ra trường cũng sẽ có một mức thu nhập tương đối khá”.

Số lượng học sinh đăng ký học nghề thay cho con đường Đại học đang tăng cao.

Hơn 70% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp

Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định rất quan tâm đến công tác định hướng việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Hàng năm, Nhà trường đều tổ chức mời các doanh nghiệp, các trung tâm dịch vụ việc làm và Cty xuất khẩu lao động đến làm việc, toạ đàm và tư vấn việc làm cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp ra trường vào các dịp sơ kết, tổng kết năm học và trao bằng tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên của Nhà trường cũng sẽ được tiếp cận với các doanh nghiệp ngay trong quá trình thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát của Nhà trường, hơn 70% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trong năm 2018 đã có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Thầy Nguyễn Mạnh Trường – Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định.

Thầy Nguyễn Mạnh Trường – Chủ tịch Hội đồng trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định cho biết: “Số lượng sinh viên của trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp vốn có nhiều biến động, nhưng từ năm 2017 đến nay đã dần ổn định. Trước đó, thị trường lao động trong giai đoạn 2013 – 2017 rất khó khăn nên nhiều sinh viên đã phải làm trái ngành nghề đào tạo và chỉ có khoảng 52% – 58% sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp”.

“Hiện tại, mức lương trung bình của một sinh viên Cao đẳng mới tốt nghiệp ra trường đi làm là 8 triệu đồng/tháng. Sau một vài năm đi làm, mức lương có thể tăng lên 10 – 12 triệu/tháng. Đối với những sinh viên tốt nghiệp trung cấp nghề ra trường đi làm ngay, lương cứng cũng rơi vào khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này không quá cao nhưng cũng đủ sống ở khu vực Nam Định”, thầy Nguyễn Mạnh Trường cho biết thêm.

Theo (baoxaydung.com.vn)


TOP