Nam Định, Thái Bình phòng chống bão từ xa

Nam Định, Thái Bình phòng chống bão từ xa

Đến chiều nay, 17.10, các tỉnh Nam Định, Thái Bình đã có nhiều hoạt động ứng phó với cơn bão số 7 (bão Sarika) được dự báo có mức độ nguy hiểm cao.

Khẩn trương thu hoạch lúa mùa
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, đến trưa nay (17.10), vị trí tâm bão số 7 (tên quốc tế là Sarika) ở vào khoảng 20,8 độ vĩ bắc; 107,9 độ kinh đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Nam Định khoảng 100 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14 – 15.
Với dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 10 – 15 km, nhiều khả năng bão số 7 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Định, Thái Bình. UBND 2 tỉnh này đã có nhiều hoạt động ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, mưa lũ gây ra.

Đến chiều 17.10, tại Nam Định, Thái Bình trời vẫn nắng

Đến chiều 17.10, tại Nam Định, Thái Bình trời vẫn nắng

UBND tỉnh Nam Định yêu cầu 10 huyện, thành phố huy động mọi nguồn lực, phương tiện khẩn trương thu hoạch lúa mùa với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, bảo vệ rau màu vụ đông, xây dựng phương án chống úng ngập cho diện tích nuôi trồng thủy sản và tiêu thoát nước khu vực đô thị.
Theo thống kê của tỉnh này, vụ mùa năm 2016, Nam Định gieo cấy trên 77.000 ha lúa. Đến ngày 10.10, toàn tỉnh Nam Định đã thu hoạch được 8.500 ha lúa, còn trên 69.000 ha chưa thu hoạch. Hiện toàn tỉnh đã trồng trên 5.860 ha cây vụ đông.
Nhiều chủ tàu tại Nghĩa Hưng đã chủ động neo tàu vào bãi để tránh bão số 7

Nhiều chủ tàu tại Nghĩa Hưng đã chủ động neo tàu vào bãi để tránh bão số 7

Thái Bình cấm biển
Chiều 17.10, ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Từ 15 giờ ngày 16.10, tỉnh Thái Bình đã thực hiện lệnh cấm biển. Đối với hai huyện ven biển là Tiền Hải và Thái Thụy, tỉnh yêu cầu phải có phương án di dời số lao động nuôi trồng thủy hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính, số ngư dân trên các phương tiện đánh bắt đã neo đậu trên địa bàn vào trong nội đồng, kiên quyết không để bất cứ người nào ở ngoài đê chính trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Cho đến sáng nay, theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, trên địa bàn có tổng số 1.296 tàu thuyền với 3.560 lao động hoạt động khai thác thủy, hải sản. Trong đó, số phương tiện đang hoạt động, neo đậu các bến ngoài tỉnh là 61 phương tiện với 274 lao động. Số phương tiện đang hoạt động ven biển Thái Bình, Nam Định là 260 tàu với 685 lao động. Còn lại 975 tàu với 2.601 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Thái Bình đang có 3.911 hộ với 13.538 người cần di dời vào trong đê chính và 7.181 hộ với 16.785 người sống trong nhà yếu cần di dời đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ.

Theo: Thanhnien.vn


TOP