Họa sĩ 9X Nam Định "đưa" tranh truyền thần vào nghệ thuật tatoo

Họa sĩ 9X Nam Định “đưa” tranh truyền thần vào nghệ thuật tatoo

Có niềm đam mê mãnh liệt với mỹ thuật, chàng trai Phạm Minh Toản đã quyết định thử thách bản thân bằng việc vẽ tranh truyền thần vào nghệ thuật tatoo.

Phạm Minh Toản (SN 1994, Nam Định), sinh viên năm cuối trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội có niềm đam mê vẽ tranh từ khi còn rất nhỏ.

Những bức tranh truyền thần của nam sinh này được chia sẻ trên mạng xã hội cùng từng khiến bao người phải xuýt xoa, ngưỡng mộ.

Theo lời của Minh Toản, cụ của Toản là một người vẽ tranh truyền thần có tiếng và rất đam mê nghệ thuật nhưng đến đời con, cháu không ai nối nghiệp này.

Toản đến với mỹ thuật một phần vì đam mê và phần khác vì muốn gìn giữ nghề của cụ trước nguy cơ bị thất truyền.

Một tác phẩm tranh truyền thần trên giấy của Phạm Minh Toản.

Tiếp xúc với cây cọ, bảng màu từ khi còn là một đứa trẻ, đến nay, những bức tranh của Toản mang sắc thái độc đáo với những hình hài phảng phất cái thần, cái hồn của sự vật, con người được diễn tả.

Những năm tháng tôi luyện dưới mái trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Hà Nội, chàng trai Nam Định đã dành được những “thành tích” đầu tay qua những giải nghệ thuật phong trào.

Trong số đó phải kể tới giải Nhất cuộc thi vẽ tranh truyền thần do hội Nghệ thuật Truyền thần tổ chức.

Không an vị với những bức tranh đóng kính, treo khung, chàng họa sĩ 9X đã có một cú rẽ ngoạn mục trong cuộc đời cầm cọ của mình.

Mới đây, Minh Toản vừa có những chia sẻ riêng với PV báo Người Đưa Tin về những dự định trong tương lai.

“Vì đam mê với hội họa, luôn muốn tìm tòi những ý tưởng sáng tạo, những cách làm mới nên tôi quyết định không dừng lại ở việc vẽ tranh trên giấy, mà sẽ làm ra một tác phẩm nghệ thuật trên một chất liệu khác với một kỹ thuật khác, đó là nghệ thuật tatoo”, Minh Toản chia sẻ.

Với thế mạnh là một họa sĩ truyền thần, Toản cho biết, để vẽ một bức tranh trên giấy cần nhiều yếu tố, nhưng sự ăn điểm của một bức tranh truyền thần chính là đôi mắt.

“Tranh truyền thần ngày xưa các cụ vẽ không chú trọng chi tiết quá nhiều, mà tập trung nắm bắt thần thái cảm xúc của người mẫu qua đôi mắt.

Bên cạnh đó, những chi tiết nhỏ nhất dường như ít người để ý cũng quan trọng không kém, đó là răng và tóc, thậm chí là một lọn tóc cũng toát lên cái hồn, bởi cái răng cái tóc là góc con người”, Minh Toản tâm sự.

Đưa ảnh truyền thần lên cơ thể người.

Thế nhưng, quá trình triển khai ý tưởng của Toản gặp vô vàn khó khăn, bởi bề mặt giấy khác hẳn với da con người.

“Vẽ lên giấy thì còn có thể tẩy xóa, nét vẽ còn cứng cáp. Nhưng vẽ lên da người thì rất khó bởi sự đàn hồi, co giãn. Tôi vẽ tranh truyền thần theo yêu cầu của khách trên giấy, sau đó nhìn bức tranh truyền thần trên giấy đó để khắc họa lên cơ thể họ, đúng theo ý muốn của khách hàng. Vậy là, một ý tưởng tôi phải thực hiện 2 lần, tốn rất nhiều thời gian”, Toản chia sẻ thêm.

Chính vì vậy, trước khi bắt tay vào cầm máy xăm, Toản phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn. Chàng trai này dành hàng giờ đồng hồ để ngồi trao đổi, tâm sự với khách về ý tưởng hình họa và thể hiện trước trên giấy.

Bước đầu tiên nghe đơn giản, nhưng để có sự ăn ý với người được xăm, Toản phải sử dụng hết những kĩ năng, tư duy thẩm mỹ để tư vấn về đường nét, hình dáng, vị trí của hình xăm…

Sau khi thống nhất ý tưởng, Minh Toản lại một lần nữa vẽ lên cơ thể khách hình họa đã lựa chọn.

“Thực ra với kỹ thuật hiện tại, tôi hoàn toàn có thể scan hình ảnh lên người khách hàng, thế nhưng tôi muốn một lần nữa thể hiện lại tác phẩm bằng bàn tay của mình, để đường nét có thể hài hòa, trơn tru hơn, bởi dù sao mình cũng đã vẽ qua một lần.

Hơn nữa, hình xăm sẽ theo khách cả đời, vì vậy tôi cố gắng làm các công đoạn cho thật tỉ mỉ để đạt độ hoàn mỹ trăm phần trăm”, Toản tâm sự.

Toản thực hiện công đoạn xăm.

Công đoạn cuối cùng, Toản dùng máy xăm để thực hiện những đường nét quyết định trên cơ thể khách hàng. Theo Toản, thao tác này cần rất nhiều kỹ thuật, không đơn giản chỉ là đưa mũi kim theo những đường nét đã định sẵn.

“Việc đưa mực vào da, tức mũi kim đi nông hay sâu, tùy thuộc vào tay nghề của thợ. Nông quá mực sẽ bị mờ, không đều. Sâu quá mực sẽ lem nhem dưới da, gây sát thương lớn, hình xăm sẽ lâu lành, dễ bị hỏng hình. Chính vì vậy, việc chuẩn bị những dụng cụ xăm cần sự chu đáo, sạch sẽ tiệt trùng tuyệt đối. Bên cạnh đó mực xăm cần đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng”, Toản nói.

“Nhiều khách đến cửa hàng tôi xăm, sau đó về kể với mọi người là ở đây xăm không đau. Nhiều lần tôi phải giải thích với khách mới là làm gì có chuyện xăm mà không đau. Sở dĩ những người đã qua tay tôi nói thế là bởi họ không biết là tôi làm …free (miễn phí) thuốc tê…”, chàng trai 9x dí dỏm chia sẻ.

Gia đình phản đối vì… định kiến

Nhớ lại quãng thời gian đầu thực hiện ý tưởng đưa tranh truyền thần vào nghệ thuật tattoo, Toản kể, cậu có xin phép bố mẹ mở tiệm xăm hình tại Hà Nội. Tuy nhiên, việc làm đó của cậu bị bố mẹ phản đối gay gắt.

“Bố mẹ nghĩ xăm trổ là một cái gì đó rất hổ báo nên kiên quyết phản đối. Không được sự ủng hộ tôi vẫn quyết tâm làm, thế là sau 5 tháng bố mẹ thấy sự nghiêm túc của tôi trong công việc, thấy những tác phẩm tôi làm ra nghệ thuật, vì thế đã đồng ý cho tôi theo nghề”, Minh Toản nhớ lại.

Bên cạnh khó khăn bị gia đình phản đối, thời gian đầu Minh Toản cũng gặp phải khó khăn về việc đầu tư trang thiết bị.

Toản bên những tác phẩm nghệ thuật của mình.

Nhiều người vẫn còn định kiến về hình xăm, thợ xăm, khi nhắc về vấn đề này, Minh Toản cũng tâm sự thêm: “Bản thân tôi là một họa sĩ đồ họa, nên khi làm công việc này cũng là làm ra một tác phẩm nghệ thuật trên một chất liệu khác với một kỹ thuật khác, nên tôi nghĩ rằng trong tương lai số người định kiến về công việc mà tôi đang theo đuổi sẽ ít đi”.

Trong suốt 3 năm theo nghề, Minh Toản cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn với những vị khách của mình. Chàng trai 9X đã từng vô cùng xúc động trước một vị khách trong Hà Tĩnh ra Hà Nội để xăm hình con trai lên ngực.

“Người đàn ông ấy tìm hiểu trên mạng và tình cờ biết đến tôi, vì thế quyết định lặn lội từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để xăm hình. Tôi rất bất ngờ, nên có hỏi thì người đàn ông tâm sự làm thợ hồ, bỏ hẳn một ngày công chỉ để xăm hình con trai đã mất vì bị bệnh hiểm nghèo.

Nghe xong câu chuyện, tôi xăm cho người đàn ông ấy bằng tất cả tâm huyết của mình, xăm xong tôi cũng không lấy tiền. Chú ấy đã tặng tôi một chiếc bật lửa để cảm ơn”, Toản kể.

Mỗi một tác phẩm nghệ thuật tatoo trên cơ thể người đều được Toản chăm chút tỉ mỉ.

Thông qua công việc của mình, Minh Toản cho biết: “Tôi muốn công việc mà mình đang làm sẽ giúp nhiều người hiểu về giá trị hình xăm, hình xăm không phải là cái gì đó hổ báo như mọi người vẫn nghĩ mà xăm cũng là một tác phẩm nghệ thuật, hình xăm cũng cần phải đảm bảo yếu tố thẩm mỹ. Vì thế, tôi cũng muốn người đi xăm hình cần tìm hiểu thật kỹ về cơ sở xăm và người sẽ trực tiếp xăm cho mình để có những tác phẩm đúng chất nghệ thuật”.

Mỗi một ảnh truyền thần đều mang một ý nghĩa riêng.

Cho đến nay, Minh Toản đã có một lượng khách quen đủ các ngành nghề, và cứ mỗi khi nhận được sự hài lòng của khách hàng thì chàng trai này lại cảm thấy thêm yêu nghề mà mình đang theo đuổi.

Theo Người đưa tin


TOP