Nam Định áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

Nam Định áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

Tỉnh Nam Định xác định phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, áp dụng công nghệ cao, tăng năng suất và nâng cao giá trị theo hướng bền vững. Năm 2017, tỉnh tập trung hình thành các vùng sản xuất giống thủy sản đáp ứng nhu cầu nuôi trồng trên địa bàn; đưa hơn 16.000 ha diện tích mặt nước vào nuôi trồng thủy sản; phấn đấu nâng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản đạt 134.000 tấn/năm; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Kiểm tra cua giống tại Trung tâm Giống hải sản Nam Định (xã Bạch Long, Giao Thủy, Nam Định). Ảnh: HUY HÙNG

Kiểm tra cua giống tại Trung tâm Giống hải sản Nam Định (xã Bạch Long, Giao Thủy, Nam Định). Ảnh: HUY HÙNG

Tỉnh yêu cầu các huyện căn cứ vào tình hình thực tế rà soát, xây dựng kế hoạch, nghiên cứu thực hiện chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân đầu tư xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh; khuyến cáo người dân không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý, không xả bỏ tôm, cá chết, nhiễm bệnh ra môi trường. Hướng dẫn, giúp đỡ người dân sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất – tiêu thụ, hướng tới xây dựng đầu mối tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Các địa phương, đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân xây dựng, liên kết các tổ đội khai thác, hiện đại hóa ngư cụ và trang thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào khai thác; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu công suất lớn để đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ. Từ năm 2016 đến nay, tổng sản lượng thủy sản của Nam Định đạt hơn 129 nghìn tấn, giá trị sản xuất đạt gần 4.000 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 15.800 ha. Nam Định đã hình thành hơn 50 vùng nuôi thủy sản tập trung, đóng mới 39 tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ để khai thác xa bờ.

* Tỉnh Thừa Thiên – Huế đồng loạt đưa các trung tâm hành chính công cấp huyện, thành phố vào hoạt động trong tháng 4-2017. Đây là bước đột phá về cải cách hành chính của tỉnh nhằm hướng đến một nền hành chính công hiện đại, minh bạch; tạo sự thân thiện, đơn giản cho người dân và tổ chức trong giải quyết thủ tục hành chính. Phấn đấu từ nay đến năm 2020 toàn bộ các cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên phải cung cấp đến tổ chức, cá nhân tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; một nửa số dịch vụ trực tuyến mức độ 4.

Đề án xây dựng các trung tâm hành chính công cấp huyện được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phê duyệt ngày 1-3-2017 với mục tiêu thống nhất cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân. Trung tâm hành chính công hình thành bộ phận trung gian để giám sát khách quan, độc lập việc nộp và hoàn trả hồ sơ của công dân và tổ chức; các hồ sơ đều được số hóa 100% giúp công dân, tổ chức tham gia dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4. Các thủ tục hành chính được số hóa và cắt giảm theo hướng đơn giản, lưu giữ sử dụng chung và được kết nối, giải quyết trực tuyến, tạo lập môi trường làm việc thuận tiện, văn minh, hiện đại, giải quyết nhanh, hiệu quả các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động của các trung tâm hành chính công cấp huyện, thành phố.

PV và TTXVN


TOP