Nam Định: Sẽ giảm hơn 12.000ha đất lúa

Nam Định: Sẽ giảm hơn 12.000ha đất lúa

Theo kế hoạch tới năm 2020, Nam Định sẽ chuyển đổi hơn 12 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang các hình thức SX khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sẽ được tiến hành kỹ lưỡng, cẩn trọng nhằm đảm bảo hiệu quả, bền vững.
Trao đổi với NNVN về quan điểm trong chuyển đổi đất lúa, ông Đỗ Hải Điền, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định cho rằng: Chuyển đổi đất lúa hiện nay chưa cần phải tính tới những vựa lúa có lợi thế, mà trước hết cần tập trung chuyển đổi ngay ở những nơi không thuận lợi cho trồng lúa, canh tác khó khăn, năng suất hiệu quả thấp, đừng nghĩ chuyển đổi đất lúa thì phải rải đều ra các tỉnh. Có tỉnh cần chuyển nhiều, có tỉnh chỉ cần chuyển ít, thậm chí có tỉnh phải giữ hết đất lúa.

Vậy đối với Nam Định, chủ trương sẽ chuyển đất lúa ở những khu vực nào?

Trước tình hình SX lúa tại một số nơi hiệu quả thấp, theo Nghị quyết của Chính phủ, năm 2016, HĐND tỉnh Nam Định đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020.

Từ chỗ cho không ai nhận, đất lúa sau chuyển đổi ở Nam Định có giá hàng trăm triệu đồng/sào.

Từ chỗ cho không ai nhận, đất lúa sau chuyển đổi ở Nam Định có giá hàng trăm triệu đồng/sào.

Cụ thể giai đoạn 2016 – 2020, Nam Định sẽ thực hiện giảm khoảng 12 nghìn ha đất trồng lúa, theo đó sẽ thực hiện chuyển đổi khoảng 6.000 ha đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác (trong đó chuyển sang thủy sản là 3.300 ha). Hiện tại, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở TN-MT tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu chuyển đổi đất lúa của các địa phương trong tỉnh để làm cơ sở triển khai.

Các khu vực được phép chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả nhiều nhất là các huyện ven biển khó khăn về canh tác, bị nhiễm mặn, năng suất hiệu quả thấp như Nghĩa Hưng (gần 1.000 ha); Hải Hậu (823 ha); Giao Thủy (578ha); Xuân Trường (526ha). Bên cạnh đó, một số huyện vùng trũng trong nội đồng như Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh hay các huyện khó khăn về nước tưới, chân đất vàn cao phía nam của tỉnh như Vụ Bản, Ý Yên cũng có nhu cầu chuyển đổi đất lúa rất lớn (trong đó riêng Ý Yên có kế hoạch chuyển khoảng 1.600ha đất lúa kém hiệu quả).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ trương sẽ cho phép chuyển đổi linh hoạt khoảng 6.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả khác sang các loại cây trồng có hiệu quả hơn. Như vậy, tổng cộng đến năm 2020, Nam Định sẽ chuyển đổi xoay quanh 12 nghìn ha đất lúa, chiếm khoảng 10-15% trên tổng số diện tích đất lúa hiện có (75 nghìn ha).

Hiện tại, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án chuyển đổi, lộ trình chuyển đổi hàng năm, đối tượng chuyển đổi cho từng vùng, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/3/2017.

Ông có nói tới hình thức “chuyển đổi linh hoạt” theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP. Vậy con số chuyển đổi khoảng 6.000 ha đất trồng lúa sang đất nông nghiệp khác như ban đầu ông nói khác với “chuyển đổi linh hoạt” thế nào?

Theo Nghị định 35/NĐ-CP về quản lí sử dụng đất trồng lúa, các địa phương sẽ được phép linh hoạt chuyển đổi sang cây trồng hàng năm khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản, miễn là không làm biến dạng đất lúa và khi cần vẫn có thể trồng lại lúa.

Như vậy, định hướng của tỉnh đối với diện chuyển đổi này (khoảng 6.000 ha) khá đơn giản, có thể tập trung tại một số huyện có chân đất lúa vàn cao để chuyển sang trồng màu hàng năm, ví dụ một số vùng tại các huyện khó khăn về nước tưới như Vụ Bản, Ý Yên, hoặc một số vùng đất cát trồng lúa kém hiệu quả ở các huyện như Nam Trực có thể chuyển sang trồng cây màu có giá trị cao hơn hoặc chuyển sang cá – lúa ở một số vùng trũng thấp.

Đối với khoảng 6.000 ha sang đất nông nghiệp khác, nghĩa là sau khi chuyển đổi sẽ không còn quay lại trồng lúa được nữa, ví dụ chuyển từ đất trồng lúa hiện nay nuôi trồng thủy sản, trồng cây lâu năm, hình thức VAC kết hợp với chăn nuôi… Các địa phương nằm trong diện chuyển đổi này sẽ tập trung chủ yếu vào các huyện ven biển như Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường và một số khu vực ruộng trũng ở nội đồng. Đây là hình thức chuyển đổi phức tạp, vì vậy UBND tỉnh đã giao các Sở, ngành phối hợp với các địa phương có nhu cầu chuyển đổi cần phải nghiên cứu chặt chẽ trước khi cho phép chuyển đổi, tránh tình trạng chuyển đổi ồ ạt, tràn lan.

Cụ thể, cách làm của tỉnh là thế nào trong việc triển khai phương án chuyển đổi theo hình thức này?

Trên cơ sở rà soát nhu cầu của các huyện, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở TN-MT có hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện chuyển đổi đất lúa sang đất nông nghiệp khác. Theo đó, vùng chuyển đổi phải nằm trên quy hoạch, phù hợp với kế hoạch chuyển đổi của từng địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt. Yêu cầu trước hết đối với các vùng đất lúa muốn chuyển đổi là phải liền vùng với diện tích tối thiểu 5ha/vùng.
1

2Theo đó, các xã muốn chuyển đổi bên cạnh đơn đề nghị của người dân sẽ phải lập dự án, có đề án chuyển đổi chi tiết, trong đó phải thuyết trình được tính cần thiết và khả thi của dự án chuyển đổi; xác định hiệu quả cũng như tính bền vững (nhất là xác định vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông sản của dự án); không tác động xấu tới vùng đất lúa xung quanh… của dự án chuyển đổi so với trồng lúa trước đây.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng sẽ quy định rõ hình thức, đối tượng SX sau khi chuyển đổi cho từng vùng chứ không phải ai thích làm gì thì làm. Ví dụ: Cùng là vùng chuyển đổi lúa sang thủy sản nói chung, nhưng mỗi khu vực sẽ chuyển sang nuôi đối tượng cụ thể nào đó trên cơ sở căn cứ nhu cầu thị trường và điều kiện cụ thể của địa phương… Sau khi được UBND huyện đồng ý, dự án sẽ phải tiếp tục được các Sở, ngành liên quan của tỉnh kiểm tra thẩm định, trình UBND phê duyệt.

Một số địa phương có diện tích đất lúa nhiễm mặn ven biển đang khá sốt ruột mong được sớm chuyển đổi, nhất là sang thủy sản. Liệu có thể có cơ chế cho họ được chuyển đổi nhanh hơn, thưa ông?

Đúng là chuyển đổi đất lúa vùng trũng, vùng nhiễm mặn kém hiệu quả sang thủy sản hoặc kết hợp thủy sản với trồng màu ở nhiều nơi trong tỉnh hiện nay đã cho hiệu quả thấy rõ, nông dân đang nóng lòng được chuyển đổi sớm. Hiện tỉnh cũng đã có kế hoạch cho chuyển đổi khoảng 3.300 ha sang thủy sản mặn – lợ, trong đó ưu tiên ở một số địa phương có tình hình xâm nhập mặn ngày càng tăng về tần suất và cường độ ở ven biển các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu. Tuy nhiên, chuyển đổi lúa sang thủy sản cần phải vững chắc.

Một là không phải ai từ trồng lúa cũng có khả năng chuyển sang thủy sản do đầu tư rất lớn, chưa nói tới rủi ro dịch bệnh. Hai là mỗi dự án chuyển sang thủy sản đi kèm với nó phải có hệ thống kênh mương thủy lợi bài bản, có hệ thống nước ra, nước vào khác với trồng lúa trước đây mới có thể đảm bảo cho an toàn dịch bệnh lâu dài. Cái nữa, chuyển lúa sang thủy sản phải có đầu tư hệ thống ngăn mặn, tránh tình trạng lan mặn sâu vào các vùng trồng lúa kế cận… Điều này đòi hỏi không chỉ có vốn đầu tư của người dân, mà còn phải có quy hoạch, cần vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thiết kế lại hạ tầng. Vì vậy, chuyển đổi phải có nghiên cứu, tính toán kỹ.

Xin cảm ơn ông!

“Xét trên phạm vi cả nước, những vùng trọng điểm, có lợi thế để thâm canh lúa thì chưa nên đặt vấn đề chuyển đổi mà vẫn phải duy trì, đi đôi với việc tập trung hỗ trợ, đầu tư cho người trồng lúa để họ sống được.

Bây giờ đặt vấn đề cho phép chuyển đổi đất lúa, tôi cá rằng tỉnh nào cũng sẽ bì tị nhau, bởi tỉnh nào chả muốn lấy đất lúa ra để phát triển KT-XH như hạ tầng, công nghiệp, dịch vụ, không ai muốn giữ đất lúa để nghèo cả.

Chẳng hạn lâu nay, Thái Bình, Nam Định phải giữ đất trồng lúa, trong khi các tỉnh khác họ lấy đất lúa chuyển sang làm công nghiệp thì không chỉ địa phương ấy mà nông dân cũng giàu có, khấm khá lên rất nhanh. Rõ ràng, nếu đặt ra vấn đề an ninh lương thực thì người trồng lúa giống như đang thực hiện nhiệm vụ chính trị vậy, họ thiệt thòi quá!”.

(Ông Đỗ Hải Điền)


TOP