Nhấp chuột để ‘gặp’ chính quyền tỉnh Nam Định

Nhấp chuột để ‘gặp’ chính quyền tỉnh Nam Định

Bắt đầu từ 8h47 sáng nay, ngày 3/7, người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch được với 18 sở ngành, chính quyền 10 huyện, thành phố trong tỉnh Nam Định giải quyết nhiều thủ tục hành chính thông qua Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

Các đại biểu nhấn nút khai trương Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh Nam Định.

Sáng ngày 3/7, UBND tỉnh Nam Định tổ chức Lễ khai trương Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.namdinh.gov.vn

Tại buổi lễ, ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Nam Định cho biết, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được thiết kế với các chức năng gồm: cung cấp thông tin về dịch vụ công, giao tiếp, hỏi đáp của cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, Cổng có đầy đủ các chức năng phục vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: quản lý danh mục đơn vị theo mã định danh, danh mục dịch vụ công, danh mục lĩnh vực, người sử dụng, danh mục quy trình lưu chuyển, xử lý, trạng thái hồ sơ; thống kê, tổng hợp thông tin.

Cổng cũng có hệ thống đánh giá sự hài lòng về chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Nam Định phát biểu tại lễ khai trương.

“Người dân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với một tài khoản duy nhất là có thể sử dụng tất cả các dịch vụ công trực tuyến của tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng mà không phải đăng ký lại”, ông Quế nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Nam Định cũng cho biết, thời gian tới đơn vị này sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời tiếp tục xây dựng và đưa thêm nhiều thủ tục hành chính thành các dịch vụ công mức độ 3, 4 tích hợp lên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tỉnh, quốc gia.

“Tỉnh Nam Định phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng 100% dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều đến người dân, doanh nghiệp ở mức độ 3; 30% dịch vụ công mức độ 4 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến; việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đừng bưu điện…”, ông Quế cho biết thêm.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: “Muốn có một thế hệ công dân điện tử thì trước hết phải có thế hệ cán bộ, công chức điện tử”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhìn nhận việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử là một yêu cầu cấp thiết hiện nay, hướng đến sự công khai, minh bạch.

“Dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận với chính quyền dễ dàng hơn, các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí; thiết thực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để người dân tham gia quản lý nhà nước”, ông Nghị nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả cải cách hành chính của tỉnh Nam Định hiện còn thấp so với nhiều tỉnh thành trong cả nước .

Năm 2017, kết quả cải cách hành hành chính của tỉnh chỉ đứng thứ 40/63 tỉnh thành.

“Nói gì thì nói, một tỉnh đồng bằng, đất học, dân trí cao mà kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính chỉ cùng nhóm với các tỉnh miền núi khó khăn là không được”, ông Phạm Đình Nghị nhìn nhận.

Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định hối thúc lãnh đạo các sở ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh phải quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính ở sở mình, địa phương mình.

“Muốn có một thế hệ công dân điện tử thì trước hết phải có thế hệ cán bộ, công chức điện tử”, ông Nghị nhìn nhận và hối thúc cán bộ, công chức trong tỉnh học tập để có hiểu biết, tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cũng chỉ đạo các sở ngành, chính quyền các địa phương trong tỉnh bằng mọi phương thức thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết, sử dụng Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

“Lập ra cái Cổng này mà không vận hành hoặc vận hành nó không hiệu quả thì không có ý nghĩa gì”, ông Nghị nhấn mạnh.

Theo (đại đoàn kết)


TOP