Nữ sinh “đất học” Nam Định vượt khó giành 27 điểm khối C

Nữ sinh “đất học” Nam Định vượt khó giành 27 điểm khối C

Xuất thân trong gia đình thuần nông, cô nữ sinh nhỏ nhắn vẫn luôn giữ thành tích học sinh giỏi suốt 12 năm và trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, cô bạn đã nỗ lực giành 27 điểm khối C, khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ.
Nữ sinh sở hữu thành tích “khủng”

Những ngày giữa tháng 7, ngôi nhà nhỏ của anh Phạm Văn Đam (SN 1976) giữa đất Hải Hưng, Hải Hậu, Nam Định bỗng trở nên rộn ràng hơn thường lệ, sau khi cô con gái Phạm Thị Dung (học sinh lớp 12A13, trường THPT A Hải Hậu) biết điểm thi THPT Quốc gia 2019.

Bằng sự cần mẫn, chăm chỉ, ham học hỏi, Dung đã xuất sắc đạt 27 điểm trong kỳ thi quan trọng vừa qua, với hai điểm 9,25 ở môn Lịch sử, Địa lý và điểm 8,5 môn Ngữ văn.

“Sáng hôm đó, khi biết điểm thi của mình, em rất vui nhưng cũng hơi tiếc nuối, nếu em tự tin và bình tĩnh hơn, em đã có thể làm tốt hơn, đặc biệt là môn Ngữ văn”, nữ sinh chia sẻ.

Sinh ra trên mảnh đất có truyền thống hiếu học, Dung luôn tự ý thức việc học là quan trọng nhất đối với tương lai của bản thân và gia đình, vì thế, từ nhỏ Dung đã nỗ lực học tập.

Đáp lại ý chí và sự quyết tâm của Dung là thành tích 12 năm học sinh giỏi, luôn nằm trong top đầu từ tiểu học, cùng rất nhiều giấy khen, bằng khen của tỉnh nhà. Ngay từ hồi học THCS, Dung đã là một “hạt nhân” quan trọng trong đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi của trường và giành giải Nhì cấp tỉnh môn Ngữ văn từ năm lớp 9.

Khi bước vào THPT, cô nữ sinh được các thầy cô gợi ý tham gia đội tuyển học sinh giỏi Lịch sử, và Dung đã giành giải Nhì cấp tỉnh môn học này. Đặc biệt, đến năm lớp 12, cô học trò nhỏ nhắn gây ấn tượng khi xuất sắc giành giải Nhất bài thi tổng hợp khối C tỉnh Nam Định.

Chia sẻ về bí quyết học tập môn Ngữ văn, Dung cho rằng: “Để có được kết quả tốt, trước hết chúng ta phải chăm chỉ, nắm chắc kiến thức. Đối với câu nghị luận xã hội, phải thường xuyên cập nhật tin tức thời sự, có cái nhìn bao quát và sử dụng dẫn chứng thiết thực. Phần nghị luận văn học thì cần có cách cảm thật chân thực, nhưng cũng phải phong phú và sinh động”.

Nữ sinh với gương mặt bầu bĩnh cùng mái tóc ngắn đáng yêu đạt 27 điểm khối C. (Ảnh NVCC).

“Còn về hai môn Lịch sử và Địa lý, đặc trưng thi trắc nghiệm là câu hỏi khá dài, các ý trả lời có thể tương tự nhau dễ gây “đánh lừa”, nên cần nắm vững kiến thức, học hiểu chứ không thể “học vẹt”, bình tĩnh trong phòng thi để giành điểm cao”, cô học trò với gương mặt xinh xắn bật mí.

Với điểm số cao, nữ sinh trường THPT A Hải Hậu cho biết, dự định sẽ học ngành Đông Phương học tại đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đại học Quốc gia Hà Nội. Cô nàng ấn tượng với ngành học không chỉ bởi cái tên, mà còn còn bởi: “Học ngành này, chúng em sẽ được tìm hiểu về những nền văn hóa khác, ngôn ngữ khác và có cơ hội làm việc sau này mở rộng hơn. Như vậy, em cũng sẽ có thể giúp đỡ được gia đình”.

“Vào đại học, em sẽ dành thời gian để trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ, ngoài việc bồi dưỡng thêm tiếng Anh, em còn muốn học thêm tiếng Trung để có cơ hội phát triển hơn trong công việc”, cô gái 1m52 chia sẻ.

Là chị cả trong gia đình, Dung vẫn luôn canh cánh: “Em phải thành đạt thì mới có thể đỡ đần bố mẹ, thay phần bố mẹ chăm lo cho em gái sau này”.

Ảnh kỷ yếu của lớp 12A13. (Ảnh NVCC).

Hành trình lĩnh hội kiến thức

Để có được những thành tích đáng nể trên là cả quá trình “đổ mồ hôi” trên từng trang sách. Vì bố mẹ làm nông nên giờ giấc sinh hoạt của Dung vào buổi tối cũng khá muộn. Tối nào cũng vậy, hoàn thành các công việc nhà, Dung ngồi vào bàn học lúc 20h30 và thường kết thúc lúc 23h. Cũng có không ít hôm, cô học trò phải thức đến 2h sáng vì những dạng bài tập mới hay trong giai đoạn ôn thi.

“Nhiều khi em cảm thấy hụt hẫng khi bị tụt hạng trong lớp, em thường chia sẻ với người thân để có thể cân bằng lại cảm xúc và tìm lại chính mình. Đôi khi, em cũng nghe những bản nhạc nhẹ nhàng, có tác dụng cổ động tinh thần, khơi gợi năng lượng tích cực”, cô nữ sinh cười rạng rỡ khi chia sẻ về sở thích của bản thân.

Dung cũng không quên nhắc đến sự sát sao, quan tâm của các thầy cô đã luôn tạo điều kiện để em có thể dành tâm huyết cho từng bài học, từng đề thi trên lớp.

Thầy Quách Công Quang, giáo viên chủ nhiệm, cũng là thầy giáo dạy Lịch sử của Dung cho biết: “Dung thực sự là một cô lớp phó học tập rất gương mẫu. Mặc dù sức khỏe nhiều lúc không được ổn định, yếu hơn so với các bạn, nhưng em luôn luôn đạt thành tích cao trong học tập, khiến bạn bè ngưỡng mộ.

Bên cạnh đó, Dung cũng tham gia đóng góp trong các hoạt động chung của lớp, như gợi ý xây dựng kịch bản trong các cuộc thi giao lưu văn nghệ đầu tuần. Các tiết mục của lớp vì thế luôn luôn được đánh giá cao nhất”.

Dung (bên trái) chụp ảnh cùng thầy giáo chủ nhiệm. (Ảnh NVCC).

“Các thầy cô cũng không quá ngạc nhiên trước điểm 27 trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi của Dung, bởi trước đó, em vẫn luôn giữ vững thành tích trong học tập”, thầy Quang chia sẻ.

Anh Đam, bố của Dung không ngần ngại giãi bày: “Gia đình chúng tôi tuy còn khó, những cũng ráng chắt chiu, lo cho con ăn học đàng hoàng. Biết con giành được điểm số này, bố mẹ cũng mừng cho con vì ít nhiều cũng đã bước đầu gặt hái thành công trên con đường tri thức”.

Hiện tại, gia đình ba thế hệ cùng sống dưới một mái nhà nhỏ, bà nội của Dung đã 88 tuổi vẫn ngày ngày bán hàng tạp hóa để có thêm chi phí sinh hoạt. Bố mẹ Dung vốn làm nông, cày sâu cuốc bẫm, những khi hết mùa vụ thì đi làm thuê. Ban đầu, cả hai vợ chồng đều đi phụ hồ, sau một thời gian, mẹ Dung phát hiện bị khớp nên không thể tiếp tục công việc đó, chuyển sang làm công nhân tại một công ty may.

Cô con gái luôn là tấm gương học tập cho nhiều bạn bè, nhưng vẫn luôn giúp đỡ bố mẹ chu toàn việc nhà, thỉnh thoảng kèm em gái học bài và dành thời gian gần gũi và đấm lưng cho bà nội.

Các thầy cô trong đội tuyển đã dìu dắt Dung từ những ngày mới vào lớp 10. (Ảnh NVCC).

Bên cạnh thành tích học tập được bạn bè ngưỡng mộ, cô nữ sinh lớp 12A13 này còn hăng hái tham gia hoạt động tình nguyện, là một cộng tác viên tiêu biểu của CLB Hải Hậu xanh, góp phần chung tay vì nhiều hoạt động ý nghĩa.

Nhìn cô con gái cả đang rục rịch chuẩn bị hành trang ra Hà Nội học đại học, anh Đam có đôi chút lo lắng nhưng cũng động viên và đặt niềm tin: “Con cũng đã lớn, bố mẹ sẽ không thể mãi bao bọc con được, con phải bay ra thế giới của mình, học hỏi thêm trên “trường đời” mới có thể thực sự trưởng thành”.

Theo (nguoiduatin.vn)


TOP