Không “nương tay” bất kỳ sai sót nào khi thi công cầu Thịnh Long

Không “nương tay” bất kỳ sai sót nào khi thi công cầu Thịnh Long

Liên danh Tư vấn Hàn Quốc Sambo-Jinwoo phải bố trí cán bộ có kinh nghiệm, năng lực để thực hiện dự án, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào và mọi công đoạn trong quá trình thi công. Đặc biệt, Tư vấn Giám sát tuyệt đối không “nương tay, chiếu cố” với bất kì sai sót nào của nhà thầu.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Ban QLDA Thăng Long bổ sung ngay thiết bị máy móc để đảm bảo thi công dự án kịp tiến độ. Ảnh: VGP/Phan Trang

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công tại buổi kiểm tra dự án cầu Thịnh Long (Nam Định) sáng ngày 14/11.

Báo cáo tại buổi kiểm tra, đại diện Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự án xây dựng cầu Thịnh Long có chiều dài toàn tuyến 2,3 km với tổng mức đầu tư gần 1.158 tỷ đồng (trong đó, vốn vay ưu đãi của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) là 970,176 tỷ đồng và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 187,9 tỷ đồng). Riêng phần chi phí giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Nam Định phê duyệt, quản lý và thực hiện bằng nguồn ngân sách của địa phương.

Dự án có điểm đầu giao cắt với Quốc lộ 21 tại Km 202+400 (thuộc địa phận xã Hải Châu, huyện Hải Hậu, Nam Định), điểm cuối giao cắt với Tỉnh lộ 490C tại khoảng Km40+698,42 (thuộc địa phận xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định).

Phần cầu chính có chiều dài 988,4 m (Km 1+194,019 -Km 2+182,489) được xây dựng tại vị trí cách bờ biển 7,5 km, nối từ nút giao Quốc lộ 21, vượt qua sông Ninh Cơ kết nối với nhánh của nút giao với Tỉnh lộ 490C và phần đường dẫn phía huyện Hải Hậu dài 1,1 km, phía huyện Nghĩa Hưng dài 177 m. Thời gian thi công dự kiến là 27 tháng.

“Tính đến ngày 13/11, sản lượng thi công của nhà thầu đạt 146,418 tỷ đồng/340,46 tỷ đồng, tương đương 43,01% tổng khối lượng. Tiến độ dự án cơ bản đảm bảo”, đại diện Ban Thăng Long cho biết.

Về phía Tư vấn giám sát dự án, Liên danh Tư vấn Hàn Quốc Sambo-Jinwoo, cho biết: Đánh giá theo tiến độ chung của dự án (theo mốc thời gian 21 tháng mà Ban QLDA Thăng Long cam kết với địa phương), tiến độ đang chậm khoảng 7,81% so với kế hoạch.

“Ví dụ như ở mũi thi công số 1, đến thời điểm này Nhà thầu phải đắp xong giai đoạn 2 và chờ lún gần 2 tháng cho 100 m sau mố A1. Các đoạn khác đã đắp xong giai đoạn 2 và đang chờ lún. Như vậy, riêng phần đường đã chậm 4 tháng và đến 30/8/2019 mới kết thúc quá trình gia tải (với điều kiện không gặp vấn đề gì phải kéo dài như thời tiết, vật liệu không đạt, máy móc trục trặc…). Toàn bộ dự án sẽ chậm 2 tháng (hoàn thành cuối tháng 12/2019 thay vì tháng 10/2019 như tiến độ đã cam kết)”, đại diện Tư vấn giám sát cho biết.

Tuy nhiên, Tư vấn cũng đã làm việc với Nhà thầu thực hiện một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ như: nhà thầu khẩn trương hoàn thiện công tác đắp gia tải; triển khai thi công ngay các cống hộp; thi công ngay công tác đúc cọc và ép cọc thử cho tường chắn; bổ sung thêm thiết bị máy móc, nhân lực; tổ chức thi công 3 ca liên tục đảm bảo mỗi ca tối thiểu 10 nhân công trực tiếp, 1 kỹ sư, 1 kỹ thuật thi công…

“Nhìn chung, mặc dù nhân lực và máy móc thiết bị của nhà thầu còn thiếu nhưng hiện nhà thầu đã triển khai thi công đồng loạt 6/6 mũi, các hạng mục đang triển khai đã tuân thủ và đáp ứng yêu cầu của dự án, việc đảm bảo giao thông thuỷ và giao thông bộ thực hiện đúng theo kế hoạch ban đầu”, đại diện Tư vấn giám sát nhận xét.

Chỉ đạo tại hiện trường, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu Ban QLDA Thăng Long thực hiện rà soát tổng thể, xây dựng tiến độ chi tiết và giải pháp kèm theo để hoàn thành cầu và đường dẫn 2 đầu dự án đúng theo tiến độ đã cam kết với địa phương là tháng 10/2019.

Về việc Tư vấn giám sát phản ánh Nhà thầu thiếu máy móc, thiết bị, Thứ trưởng yêu cầu Ban QLDA Thăng Long chấn chỉnh, thực hiện đưa ra công trường đủ số lượng máy móc để đảm bảo tiến độ và chất lượng. Bên cạnh đó, Ban QLDA Thăng Long phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà thầu trong qúa trình thi công, xử lý kịp thời phát sinh mà nhà thầu trình lên trong vòng 3 ngày làm việc, những vấn đề vượt thẩm quyền Ban QLDA Thăng Long phải trực tiếp báo cáo lên Bộ GTVT để kịp thời xử lý.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công yêu cầu nhà thầu thi công trụ chính P9 và P10 bổ sung nhân lực, tổ chức thi công 3 ca liên tục. Ảnh: VGP/Phan Trang

“Yêu cầu Liên danh Tư vấn Hàn Quốc Sambo-Jinwoo bố trí cán bộ có kinh nghiệm, năng lực để thực hiện dự án, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào và mọi công đoạn trong quá trình thi công. Đặc biệt, Tư vấn Giám sát tuyệt đối không “nương tay, chiếu cố” với bất kì sai sót nào của nhà thầu”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chỉ đạo.

Đối với yêu cầu đẩy nhanh tiến độ để cầu Thịnh Long sớm đi vào sử dụng, phục vụ người dân của tỉnh Nam Định, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định: Bộ GTVT không vì để đạt tiến độ đã cam kết mà coi nhẹ chất lượng.

“Tôi yêu cầu Ban QLDA Thăng Long, Nhà thầu và Liên danh Tư vấn giám sát nỗ lực đảm bảo tiến độ đã cam kết. Trong trường hợp đã thực hiện mọi giải pháp nhưng vì lý do bất khả kháng như thời tiết không thuận lợi, địa chất phát sinh vấn đề khiến thời gian chờ lún, bù lún lâu hơn… thì Bộ GTVT chấp thuận kéo dài thời gian. Chúng ta cam kết hoàn thành sớm hơn 5 tháng nhưng vì khách quan không thể khắc phục được thì không được phép vì tiến độ đã cam kết mà xây dựng cầu không đảm bảo chất lượng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ được xây dựng để nối 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu (tỉnh Nam Định). Đây là dự án được người dân tỉnh Nam Định mong đợi suốt nhiều năm qua vì chỉ cách nhau có hơn 1 km nhưng người dân 2 huyện này phải đi phà, vào mùa mưa bão, việc đi lại hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, từ năm 2016, khi luồng Lạch Giang đã hoàn thành, việc có một cây cầu là cần thiết để phát triển thông thương hàng hoá, kết nối khu vực trọng điểm nơi đây làm “cửa ngõ” phát triển kinh tế.

Theo (baochinhphu.vn)


TOP