Ông Đinh La Thăng: Chẳng lẽ cứ phản bác là chối tội

Ông Đinh La Thăng: Chẳng lẽ cứ phản bác là chối tội

Đối đáp với quan điểm buộc tội của VKS, ông Đinh La Thăng khẳng định ông và các đồng phạm không cố ý làm trái.

Phiên tòa xử ông Đinh La Thăng sáng nay (24/3) tiếp tục làm việc ngày thứ 6 với phần VKS đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư. Hai công tố viên thay nhau trình bày, qua đó không chấp nhận nhiều nội dung gỡ tội được nêu ra trong ngày 22-23/3. Tuy nhiên, còn nhiều quan điểm, đề nghị của luật sư chưa được VKS trả lời.

“Luật đã có hiệu lực thì phải thi hành. Pháp luật không loại trừ người không biết luật mà vi phạm. Các bị cáo không thể bao biện”, công tố viên nêu quan điểm chung.

Trước ý kiến cho rằng không có văn bản quy định phải trình xin ý kiến Thủ tướng trước khi ông Đinh La Thăng ký nghị quyết góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank, VKS cho rằng các bị cáo đều giữ vị trí cao nên biết rõ những gì cần xin chủ trương thì phải “trình xin” rồi mới được thực hiện. Chính phủ đã có công văn 3780 chỉ đạo việc đầu tư ra ngoài công ty mẹ phải báo Thủ tướng trước khi thực hiện. Vì thế, ông Thăng đã “làm trước báo cáo sau”.

Trả lời về tính pháp lý khi Ngân hàng Nhà nước mua Oceanbank với giá 0 đồng, VKS nói vừa nhận được văn bản trả lời của cơ quan này ngày hôm qua (23/3). Theo đó, xuất phát từ đảm bảo an ninh tiền tệ nên việc mua 0 đồng còn nguyên giá trị pháp luật. “Nói mua 0 đồng không hợp lệ là không có căn cứ. Ngân hàng Nhà nước mua như vậy là có lợi cho các cổ đông khi vốn điều lệ âm, các cổ đông không có khả năng nộp tiền vào”, công tố viên đối đáp.

Cũng trong sáng nay, khi nhắc về ông Thăng, VKS đánh giá “quan điểm tự bào chữa của ông Thăng thể hiện tính chuyên quyền, độc đoán”.

Bị cáo Đinh La Thăng: Chẳng nhẽ cứ phải nhận ngay mới là không chối tội?

Sau phần đối đáp của VKS, ông Thăng là người đầu tiên tranh luận. Nói muốn sự thật được sáng tỏ, ông một mực khẳng định không chỉ đạo việc góp vốn mà làm “đúng theo chủ trương của Đảng, Chính phủ”.

Ông Thăng cho rằng trước tòa, một trong những thành viên của Hội đồng thành viên PVN là bà Phan Thị Hòa cũng đã thừa nhận chủ trương của Chính phủ có việc thành lập ngân hàng Hồng Việt. Tuy nhiên, dự án này dừng lại nên PVN mới góp vốn vào Oceanbank…

Tay cầm văn bản, nói chậm, bình tĩnh, vừa vung tay sang hai bên theo nhịp câu chữ, ông Thăng “chất vấn” lại công tố viên: “Chẳng nhẽ cứ phải những quan điểm VKS đưa ra, bị cáo nhận ngay mới là không quanh co chối tội?”.

“Bị cáo vì sao lại có chỉ đạo? Đó là vì Tập đoàn dầu khí? Vậy tại sao lại quy kết việc chỉ đạo của bị cáo”, ông Thăng đối đáp và tiếp tục giữ nguyên quan điểm cho rằng tại lần góp vốn thứ ba thì ông không tham gia, không biết, không chỉ đạo.

Các bị cáo tại TAND Hà Nội. Ảnh: TTXVN

“Bị cáo không cố tình làm sai mà là cố tình làm đúng”, ông Đinh La Thăng khẳng định và cho rằng đã dành cả đời tận tâm với công việc, bảo toàn nguồn vốn của PVN. Lúc ông làm lãnh đạo PVN, trước tình hình thị trường biến động, khó khăn nhưng vẫn “chèo lái” con thuyền PVN tăng trưởng.

Ông nói rất day dứt khi các thành viên HĐQT khác cũng bị quy kết đồng phạm cố ý làm trái với mình; cho rằng VKS đang áp dụng nguyên tắc suy đoán có tội với mình chứ không phải ‘vô tội’.

Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng ký Thỏa thuận tham gia góp vốn 800 tỷ đồng với cựu chủ tịch HĐQT Oceanbank Hà Văn Thắm nhưng không thông qua HĐQT. Ông Thăng bị cáo buộc dù được báo cáo năng lực yếu kém của Oceanbank song vẫn ký ban hành Nghị quyết góp vốn khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng. Ông cũng không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính về đảm bảo các điều kiện về góp vốn.

Luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…” nhưng ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn.

Hậu quả, toàn bộ 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank với giá 0 đồng.

Theo Bảo Hà( vnexpress)


TOP