Sai lầm của người đàn ông bỏ quê lên phố lập nghiệp

Sai lầm của người đàn ông bỏ quê lên phố lập nghiệp

Để ruộng vườn cho vợ con làm, Nguyễn Văn Nam, SN 1972, ở Hồng Thuận, huyện Giao Thủy (Nam Định) lên Hà Nội chay xe ôm với ước nguyện ban đầu kiếm tiền để cải thiện kinh tế gia đình. Thế rồi vì hám tiền, người đàn ông này đã phải trả một cái giá quá đắt khi tự biến mình thành kẻ ship hàng cho một đường dây ma túy.

Tiền công mỗi chuyến nhận-đưa hàng là 300 nghìn đồng, thi thoảng được trả công cao hơn theo sự nổi hứng của chủ hàng (thường là thêm 200 nghìn đồng nữa), tổng cộng số tiền mà Nam đã nhận sau 17 lần ship hàng thuê là 19,2 triệu đồng. Thế nhưng cái giá mà người đàn ông trung niên này nhận về chính là bản án không hẹn ngày về. Hiện Nam đang cải tạo ở trại giam số 5 Bộ Công an.

Chạy xe ôm kiêm ship hàng ma túy

Trải lòng với chúng tôi, Nguyễn Văn Nam bảo, kể từ khi bị bắt Nam suy nghĩ rất nhiều về những việc mình đã làm. Chỉ vì hám tiền, Nam đã đánh đổi thứ quí giá nhất cuộc đời con người chính là sự tự do. “Không chỉ tôi mất tự do, chẳng biết khi nào mới được ra trại mà còn để tai tiếng cho gia đình, vợ con. Các con tôi, cháu tôi chắc giận tôi lắm”, Nguyễn Văn Nam trải lòng.

Nam sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con và bố mẹ đều là những nông dân chăm chỉ, hiền lành, quanh năm chỉ biết có ruộng vườn với lợn gà. Nhà nghèo, đông con lại theo đạo thiên chúa giáo nên chuyện học hành của anh em Nam không được chú trọng lắm. Theo lời Nam thì anh ta cũng được đi học, cũng biết đọc biết viết rồi nhưng đến lớp 2 thì nghỉ. Bỏ học lâu rồi nên Nam gần như tái mù chữ. Duy chỉ có tiền là anh ta vẫn nhận ra. Hỏi Nam nếu ngày đó cho đi học tiếp có thích học không, người đàn ông tóc muối tiêu này bảo, vì ngày đó nhà nghèo, đói ăn nên chỉ khi đó bố mẹ bảo nghỉ học cũng không cảm thấy luyến tiếc.

Theo lời Nam thì anh ta lấy vợ sớm, cũng là người theo đạo, cùng quê nên hiểu hoàn cảnh của nhau. “Dưới quê tôi lấy vợ, lấy chồng sớm lắm. Ngày tôi lấy vợ mới bước sang tuổi 18 còn vợ kém tôi 2 tuổi. Hai bên gia đình tổ chức cưới hỏi, về nhà sống chung với nhau được hai năm mới đủ tuổi lấy giấy kết hôn”, Nam nhớ lại.

Hỏi Nam ngày đó tảo hôn có bị phạt không, ông ta cười trừ: “Cán bộ xã vào nhắc nhở”.

Lấy vợ sớm, Nam trở thành ông bố trẻ nhưng thu nhập vẫn quanh quẩn vài sào ruộng với ít đất trồng màu. Nam bảo ngày đó cũng theo người làng đi làm thợ xây, bôn ba các tỉnh thành nhưng tiền tích cóp được cũng chỉ đủ phụ gia đình một năm mấy đám giỗ là hết. Nam bảo rằng ngày đó còn trẻ, còn nhiều sức khỏe nên ai thuê gì cũng làm. Tuy nhiên, gánh nặng cơm áo, tiền học hành của ba con đã khiến Nam ngày càng thấy áp lực và để trốn tránh những mệt mỏi ấy, Nam chăm đi lễ nhà thờ hơn song sự cứu rỗi không làm cả gia đình Nam no bụng. “Tôi bàn với vợ để tôi lên Hà Nội chạy xe ôm, vừa không phải vất vả theo công trình vừa thuận tiện đường sá đi lại, chỉ cần ới một cái là hơn tiếng sau đã có mặt ở nhà”, Nam nói vui.

Tuy nhiên, cuộc sống chốn phồn hoa đâu phải lúc nào cũng dễ kiếm tiền, nhất là khi sức khỏe của Nam không còn sung sức như ngày thanh niên nữa. Trong khi đó khách đi xe ôm cũng chọn xe theo xu hướng bác tài ăn mặc sạch sẽ và đi xe đẹp, xe mới. “Ban ngày không kiếm được khách thì tôi chuyển sang hành nghề vào ban đêm, vì thế mà tiếp xúc nhiều với mặt trái của xã hội”, Nguyễn Văn Nam kể.

Mặt trái ấy, theo lời Nam là những cô gái bán dâm rẻ tiền, là những con nghiện, miệng lúc nào cũng lệch đi vì lên cơn vật và cả những kẻ mua đi bán lại vài tép ma túy để có tiền tồn tại. “Ban đầu tôi cũng ngại nhưng rồi tặc lưỡi, việc ai người đó làm, nước sông không phạm nước giếng. Ai ngờ tiếp xúc lắm rồi mình cũng nhúng chàm”, nam phạm nhân này khẽ thở dài.

Theo lời Nam thì ông ta không thể nào quên cái lần đầu tiên trở thành kẻ ship hàng ma túy. Lần đó vừa mới Tết xong, ai cũng qua cái dịp ăn tiêu thả ga nên cái nghề xe ôm của Nam ế ẩm. Trong lúc tưởng như phải về quê cho qua cái tháng ăn chơi ấy thì Nam được một khách quen nhờ lên khách sạn Cửu Long, phường Cửa Nam ship một gói hàng về ngõ Thông Phong, đường Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Mừng quá, Nam vội lao đi, trong lòng mừng rơn vì có khách tức là có tiền để chi tiêu trong những ngày đói kém. Đến lúc nhận tiền công, Nam vẫn còn khấp khởi mừng vì không ngờ được trả công nhiều hơn mong đợi.

“Tôi được trả công 500 ngàn đồng, một khoản tiền mà có nằm mơ cũng không bao giờ ước được nhiều như vậy trong khi quãng đường chưa đến chục cây số. Tối đó, tôi vẫn còn vui lắm và phải đến hai hôm sau tôi mới ngờ ngợ nghĩ rằng hình như việc tôi làm không đơn thuần là ship một gói hàng”, Nam kể.

Sau lần đó, Nam chính thức trở thành kẻ chuyên ship ma túy thuê cho người đàn ông tên Tùng này.

Phạm nhân Nguyễn Văn Nam đang cải tạo lao động ở trại giam. (Ảnh: N.Vũ)

Cái giá quá đắt

Theo hồ sơ phạm nhân, từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2011, Nam đã nhiều lần vận chuyển ma túy thuê cho người đàn ông tên Tùng, từ khách sạn Cửu Long đến những nơi có khách yêu cầu. Những địa chỉ đó chủ yếu là nhà hàng, khách sạn và khách hàng là những kẻ ăn chơi, thích bay nhảy. Vì thế mà chủng loại ma túy họ sử dụng không chỉ là heroin mà bao gồm cả thuốc lắc, ma túy đá và ketamin. Theo lời khai của Nam thì mỗi lần vận chuyển ma túy khối lượng không nhiều, chỉ là một gói nhỏ, dễ cất giấu nên Nam cũng chủ quan. Cho rằng mình là kẻ chạy xe ôm có thâm niên ở Hà Nội nên việc chạy tới chạy lui các khách sạn, nhà nghỉ phục vụ khách là chuyện bình thường. Nam đâu ngờ mình đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng CA. Tới khi bị bắt, số lần Nam nhớ được là khoảng 17 lần đi lấy ma túy và giao hàng cho khách. Mỗi lần như thế, Nam được trả công 300 ngàn đồng. Thêm vài lần được khách trả hơn, tổng cộng Nam hưởng lợi 19,2 triệu đồng.

Với hành vi nhiều lần mua bán ma túy, hưởng lợi 19,2 triệu đồng, Nam bị kết án chung thân. “Khi nghe tòa tuyên án, tôi còn nghĩ là mình nghe nhầm. Tới khi lên xe thùng về buồng giam, đầu óc tôi vẫn cứ lơ mơ. Đến khi biết là mình không nghe nhầm, tôi đã sốc thực sự. Tôi có làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng kết quả vẫn không thay đổi”, Nam kể.

Vì có mức án dài nên Nam phải lao động trong rào vây. Việc của Nam là khâu bóng, một việc làm đòi hỏi sự tỉ mẩn và kiên nhẫn. Nam bảo công việc nhẹ nhàng, không vất vả nhưng vì có tuổi, mắt kém nên chỉ làm đủ định mức. Hỏi Nam muốn gửi gắm gì cho vợ con, người đàn ông này trầm ngâm: “Tôi muốn nói nhiều lắm nhưng chả biết nhắn nhủ gì lúc này vì có nói chắc không ai tin. Thôi thì cứ cố gắng rồi về nhà tính sau. Hy vọng là mọi người trong gia đình, nhất là vợ con thông cảm mà bỏ qua”.

Điều khiến Nam ân hận nhất chính là cái chết của bố mẹ. Biết là bố mẹ già, trước sau rồi cũng không thể ở mãi với con cháu nhưng cái tin bố mẹ lần lượt qua đời mà Nam không về được vẫn khiến ông ta day dứt. Nam bảo cả đời lam làm, đâu ngờ có lúc vì hám tiền mà đánh mất chính mình. Đến khi con cái đến tuổi trưởng thành, cũng chỉ một tay người vợ quê mùa tảo tần lo lắng. “Tôi bây giờ đã là ông rồi, nghe đâu đã có 2 cháu nội. Ấy là tôi cũng chỉ biết thế qua những lần gọi điện về cho gia đình chứ có dựng vợ gả chồng được cho đứa nào đâu. Tất cả đều công của vợ tôi đấy chứ”, Nam bộc bạch.

Do điều kiện gia đình nên mỗi năm vợ con Nam chỉ vào thăm ông ta được 1 lần vào dịp gần Tết. Nam bảo đó là một sự cố gắng, là lời động viên không gì có thể sánh bằng mà vợ con dành cho mình. “Tôi không trách gì vợ con cả và cũng không đòi hỏi phải gửi gì cho tôi hết vì trong này, mọi thứ đều đủ dùng. Tôi chỉ mong mình có sức khỏe để lao động tốt, sớm trở về đoàn tụ với gia đình”, Nam tâm sự.

Không riêng gì Nam mà tất thảy những người từng khoác áo phạm nhân đều mong mỏi nhận được sự tha thứ của người thân và chỉ nghĩ đến điều đó thôi, cũng đã có động lực để cải tạo tốt hơn. Hy vọng người thân của phạm nhân này cũng hiểu và cảm thông cho ông ta.

Theo (phapluatxahoi.vn)


TOP