Nam Định: Tết ở những làng biển

Nam Định: Tết ở những làng biển

Đến hẹn lại lên, đông qua, một mùa xuân mới lại về. Tết cổ truyền luôn thường khơi gợi trong lòng mỗi người niềm khát khao sum vầy, quây quần bên người thân. Đặc biệt, với những ngư dân ngày đêm bám biển, niềm khát khao ấy lại càng lớn. Quanh năm lênh đênh sông nước, cũng tùy thuộc vào con nước và điều kiện thời tiết, có những ngư dân tranh thủ trời yên biển lặng, tôm cá dồi dào nên phải đón Tết trên biển. Với họ, người đón Tết sớm, người vui Tết muộn, ngày xuân cứ cập rập, vội vàng. Tầm 29, 30 Tết người dân ở những làng biển sẽ trở về nhà, sum họp bên gia đình; mùng 2, mùng 3 Tết lại lên đường đi “mở cửa biển” đầu xuân.

Ngư dân làng chài Xương Điền, xã Hải Lý (Hải Hậu) chuẩn bị ngư lưới cụ đánh bắt hải sản những ngày cuối năm.

Con đường đê dài trong cái nắng hanh hao cuối năm, ướp nồng vị biển đã đưa chúng tôi đến với những người ngư dân mà nắng gió khắc nghiệt nơi biển khơi nhuộm đen nước da, làm săn cơ bắp, chỉ nụ cười hiền hậu chân chất mộc mạc vẫn thế. Làng chài Xương Điền, xã Hải Lý (Hải Hậu) cách Thành phố Nam Định khoảng 50km. 90% số hộ ở đây đều làm nghề chài lưới. Những ngày cuối năm, mặc cho cái rét nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân vẫn miệt mài ra biển đánh bắt những mẻ cá nặng trĩu cuối cùng của năm để có thêm thu nhập chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Nhà Thờ Đổ Hả Lý

Sáng sớm tinh mơ, chị Mai Thị Hạnh, xã Hải Lý (Hải Hậu) đã chạy ra chợ, mang theo tôm, cá ông xã vừa đánh bắt được trong đêm để bán. Không khí Tết đã rộn ràng từng góc nhà, góc bếp ở làng chài Xương Điền. Mọi người phấn chấn bàn chuyện mua đào, mua quất, giục bọn trẻ con dọn dẹp nhà cửa sân vườn.

Được hỏi về chuyện chuẩn bị Tết, chị Hạnh cười: “Tết ở làng chài đơn giản lắm, không khác gì nhiều so với ngày thường là mấy, có chăng là bữa cơm cúng gia tiên, với bánh chưng, hoa quả…

Nhưng dù thế nào thì nhà tôi nhất định phải có thêm cành đào, con gà cúng đêm 30, rồi nồi thịt kho nữa. Ở các nơi, 25, 26 tháng Chạp người ta đã rộn ràng sắm sửa cho ngày Tết, còn dân làng chài chúng tôi thường phải 29, 30 Tết mới dừng những chuyến biển để trở về nhà mua sắm, mua cho bọn trẻ con mấy bộ quần áo mới để đi chúc Tết. Nhà nào khấm khá có khi bỏ cả buổi lên chợ huyện để sắm sửa cho mâm cơm ngày Tết được sung túc hơn”.

1 buổi sớm tại Giao Thủy

Không chỉ ở làng chài Xương Điền mà tại các cảng cá Ninh Cơ, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), bến cá Quần Vinh, xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng) hay bến cá Giao Hải, xã Giao Hải (Giao Thủy) những ngày giáp Tết cũng đông vui, nhộn nhịp tàu cá ra vào. Nhiều phương tiện tàu thuyền đang tích cực chuẩn bị lưới cụ, xăng dầu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm… đưa lên tàu để cho kịp chuyến biển cuối năm. Tất cả ngư dân đều kỳ vọng ngày cuối năm sẽ thu được nhiều “lộc biển” trở về để có tiền trang trải cuộc sống và đón một cái Tết thật tươm tất. Ngư dân Phạm Văn Hiếu, huyện Nghĩa Hưng cho biết: Làm nghề này đã nhiều năm, nhưng với tôi cũng như nhiều ngư dân khác, chuyến biển cuối năm luôn đem lại nhiều cảm xúc đặc biệt. Sau chuyến này về, thu nhập được dùng để trang trải nhiều khoản chi phí “tồn đọng” trong năm và mua sắm Tết.

Chuyến biển cuối năm, ngư dân đánh bắt xa bờ sẽ đi khoảng 10-15 ngày sau đó về nghỉ ngơi ăn Tết, lấy lại sức khỏe, tinh thần cho một năm mới với nhiều kỳ vọng mới, thành công mới. Ngày 29, 30 Tết, hầu hết các hộ trong làng chài đều dừng mọi hoạt động đánh bắt. Việc đầu tiên của ngày cuối năm là tắm, gội thật sạch sẽ để chuẩn bị chào đón năm mới. Dù không có nhà cao cửa rộng nhưng nhà nào cũng dành thời gian để sửa soạn lại nơi ăn chốn ở của mình, đánh rửa bộ cốc chén, đun phích nước nóng thật tươm tất để chuẩn bị đón khách. Cũng là thịt, cá nhưng ngày Tết các món ăn cũng đầy đặn hơn, chế biến cầu kỳ nhiều món hơn.

Ở một góc nhỏ cuộc sống ở nơi “nổi tiếng” thánh địa của “thiên đường sung sướng” Quất Lâm (huyện Giao Thủy, Nam Định) lại là nơi định cư, kiếm sống của nhiều gia đình làm nghề chài lưới.

Tết ở làng chài, không có dòng người, xe cộ tấp nập, không có nhiều hàng hóa bày bán la liệt rực rỡ sắc màu… như ở phố hay các làng mạc trung tâm nhưng rất ấm áp đượm tình làng nghĩa xóm. Đêm Giao thừa, cùng với cúng gia tiên, các gia đình còn bày lễ cúng đất trời, sông nước, mong một năm mưa thuận gió hòa, đi biển thuận lợi. Theo phong tục truyền thống “Mùng 1 Tết cha”, nhưng làng chài ăn Tết ngắn nên ngày này những người dân chài sẽ tranh thủ chúc Tết, thăm hỏi hết lượt từ người thân đến bạn bè xóm giềng. Sau những ngày Tết vội vàng, người dân chài lại vươn khơi, nhanh chóng quăng mẻ lưới “mở hàng” đầu năm. Nếu may mắn thu được mẻ tôm cá lớn, họ tin rằng cả năm đó nhất định sẽ ăn nên làm ra. Cuộc sống thường nhật trở lại ngay sau đó.

Bà con làng chài ngày nay phấn khởi bởi tất cả trẻ em đến tuổi đều được đi học. Làng đã có nhiều người con học hành thành đạt, lập gia đình riêng nơi phương xa, không còn vất vả chật vật bám nghề chài lưới. Đặc biệt, cả làng hầu như không còn gia đình sinh con thứ 3 thay vì mỗi hộ có tới 3-4 người con, thậm chí có gia đình có 6-7 con như trước kia. Đó chính là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp đời sống kinh tế của người dân làng chài ngày một khấm khá hơn. Đặc biệt, được sự quan tâm, vận động, tuyên truyền, giáo dục pháp luật sông nước của các cơ quan chức năng, ngư dân đã nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định khi ra khơi, nhất là vào mùa biển động hoặc mưa bão xảy ra. Họ được hướng dẫn tránh trú bão, tránh dòng xoáy kịp thời. Mấy ngày Tết vội chóng vánh qua đi rất nhanh. Không có cảnh đủng đỉnh đi lễ, du xuân nơi đây, nơi kia. Hơi xuân còn tràn lan khắp làng nhưng những người trẻ khỏe đều đã lên tàu đi sông, đi biển, ở làng đa phần còn lại người già và trẻ nhỏ.

Mỗi năm, vẫn cứ đông qua, xuân đến để người làng biển được “ngắt mạch” làm lụng mà nghỉ ngơi. Mùa xuân mới đến lại thắp lên hy vọng trong mỗi ngư dân về những mùa đánh bắt bội thu, thời tiết ôn hòa, thuận lợi để mỗi chuyến tàu ra khơi trở về đều chở nặng “quà Tết”./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa – Baonamdinh.vn


TOP