Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cảnh báo Nam Định tình trạng "thừa nam - thiếu nữ"

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cảnh báo Nam Định tình trạng “thừa nam – thiếu nữ”

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Nam Định đang được đánh giá là nghiêm trọng (đứng thứ 5 toàn quốc) với tỷ số trong 8 tháng đầu năm 2018 là 115 bé trai/100 bé gái.

Tại Nam Định, năm 2017, có hơn 28.300 trẻ sinh ra trong năm, dù số sinh có giảm nhưng số trẻ là con thứ 3 trở lên lại tăng (chiếm gần 13%). Tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 bé trai/100 bé gái giảm so với năm 2016 là 0,5 điểm phần trăm.

8 tháng đầu năm 2018, tình hình này không khác so với năm 2017. Thậm chí, tỷ lệ sinh con thứ 3 của tỉnh này chiếm gần 16%. Tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh này còn tăng khi lên tới 115 bé trai/100 bé gái. Bên cạnh đó, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (tổng tỷ suất sinh) còn cao.

Theo điều tra dân số giữa kỳ năm 2016, con số này đang ở mức 2,5 con. Quy mô dân số lớn và tiếp tục tăng (hiện ở mức 1,9 triệu người).

Nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế cùng tư tưởng muốn sinh đông con, nhiều cháu, “trọng nam khinh nữ” vẫn là một thách thức, vì vậy, theo lãnh đạo ngành dân số tỉnh này, Nam Định vẫn tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục tăng sinh trở lại.

Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số phát biểu tại cuộc làm việc giữa Bộ Y tế và Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường (Nam Định) ngày 11/9.

Phát biểu tại cuộc làm việc giữa Bộ Y tế với UBND tỉnh Nam Định chiều 11/9, ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, thành viên đoàn công tác, cho biết: “Tỷ lệ sinh con thứ 3, tổng tỷ suất sinh của Nam Định đang tăng cao, cao hơn mức bình quân chung của cả nước (khoảng 2 con – duy trì 10 năm nay)”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Doãn Tú cũng nhấn mạnh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Nam Định đang được đánh giá là rất nghiêm trọng (đứng thứ 5 toàn quốc).

Ông Nguyễn Doãn Tú đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết, tầm quan trọng của việc cấp uỷ, chính quyền quan tâm tới công tác dân số, đặc biệt công tác dân số trong tình hình mới, chuyển hướng chiến lược từ Dân số – KHHGĐ sang Dân số và phát triển, giải quyết toàn diện các vấn đề không chỉ quy mô dân số mà còn cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số…

Nam Định hiện có 3.707 cộng tác viên dân số với mức thù lao hàng tháng là 100.000đ/người/tháng. Tuy nhiên, dù đã qua 8 tháng, số kinh phí này năm 2018 đến nay vẫn chưa có, do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tại cơ sở.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số tại tỉnh này chưa được tuyển dụng vào biên chế nên chưa yên tâm công tác. Được biết, Nam Định là một trong số ít tỉnh chưa thực hiện việc tuyển dụng này.

Ông Trần Lê Đoài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định thông tin, hiện tỉnh này đã xây dựng đề án sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ và Trung tâm Y tế huyện, thành phố thực hiện trong năm 2018.

Lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nam Định cho hay, hiện đã có 2 trung tâm dân số (Nghĩa Hưng và Trực Ninh) được giao cho Giám đốc TTYT trực tiếp quản lý điều hành (do Giám đốc TT DS-KHHGĐ nghỉ hưu). Theo đề án, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ sẽ về làm Trưởng phòng Dân số của Trung tâm Y tế cấp huyện.

Theo (giadinh.net.vn)


TOP