Huyện Giao Thủy: Tham quan mô hình gieo sạ và ᴍáʏ ᴄấʏ ᴛạɪ xã Giao Tiến - Tin Mới

Huyện Giao Thủy: Tham quan mô hình gieo sạ và ᴍáʏ ᴄấʏ ᴛạɪ xã Giao Tiến – Tin Mới

Mỗi khi bước vào mùa vụ, rất nhiều hộ nông dân chật vật với nỗi lo không thuê mướn được nhân công, ngày công lại quá cao, hiệu quả sản xuất thấp. Do đó, có tình trạng nông dân bỏ ruộng không cấy.

Tham quan mô hình cấy bằng máy tại Công ty Cơ khí Đình Mộc xã Giao Tiến.

Trước thực trạng này, huyện Giao Thủy đã có các giải pháp tháo gỡ, trước mắt tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê đất của nông dân sản xuất và tập trung cơ giới hóa đồng ruộng. Ngay trong ngày 19/2/2021, Phòng NN&PTNT đã tổ chức tham quan mô hình máy cấy và gieo sạ bằng máy tại xã Giao Tiến để các địa phương học hỏi và áp dụng vào sản xuất.

Huyện Giao Thủy có diienj tich khoảng 7500 ha nhưng qua nhiều năm triển khai, đến nay mới có gần 500 ha, bằng 7% diện tích áp dụng mô hình gieo sạ bằng công cụ sạ hàng, tập trung ở các xã Giao Tiến, Giao Hà, Giao Tân, Giao Châu. Số lượng máy cấy mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, có hơn 100 máy gặt đập liên hoàn trong khi lao động trong độ tuổi đều đi làm ăn xa. Khó khăn về nhân lực trong sản xuất dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng không canh tác diễn ra ở nhiều địa phương, toàn huyện có hơn 210 ha diện tích bỏ hoang chiếm 2,9%. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sự chỉ đạo sát sao của huyện nhiều địa phương đã tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp được thuê đất của nông dân sản xuất theo chuỗi như Giao Tiến, Giao Châu, Giao Lạc.

Công ty Cơ khí Đình Mộc đầu tư hơn 10 tỷ đồng trang bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Xã Giao Tiến có diện tích sản xuất lúa 420 ha, trong đó Công ty Cơ khí Đình Mộc thuê đất ruộng trồng lúa, rau màu 70 ha và một số hộ liên kết ruộng đất cấy lúa với diện tích hơn 100 ha. Cho biết về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là hiệu quả khi đầu tư 3 máy cấy phục vụ sản xuất, ông Đinh Xuân Mộc – Giám đốc Công ty Đình Mộc chia sẻ: “Để thuận lợi trong quá trình sản xuất, trong những năm qua, Công ty Cơ khí Đình Mộc đã từng bước cải tạo đồng đất, đầu tư bờ vùng, bờ thửa và đầu tư trên 10 tỷ đồng trang bị máy móc phục vụ sản xuất. Hiện nay, Công ty có 8 máy cày bừa, 3 máy cấy, 2 máy gặt và thuê 200 nhân công trực tiếp lao động, riêng xã Giao Tiến thu hút 50 – 70 lao động. Đối với máy cấy hiện đang phát huy hiệu quả, trong một giờ mỗi máy có thể cấy được 1 mẫu. Các chức năng rất thông minh, hàng sông 30 cm, hàng ngang có thể điều chỉnh 14 – 20 cm, các dảnh ở từng khóm điều chỉnh từ 3 dảnh trở lên và điều chỉnh được độ nông sâu khi cấy”.

Tham quan mô hình gieo sạ bằng máy tại HTX dịch vụ nông nghiệp Hùng Tiến, Giao Tiến.

Xã Giao Tiến là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình gieo sạ bằng công cụ sạ hàng. Qua nhiều năm sản xuất, nhiều hộ dân đã tìm hiểu và từng bước cải tiến cách thức sản xuất, đưa cơ giới hóa đồng ruộng. Cách đây khoảng 5 – 7 năm, chỉ có một số hộ nông dân sử dụng công cụ sạ hàng nhưng đến nay diện tích gieo sạ lên tới 65-70%, riêng HTX Quyết Tiến, nông dân gieo sạ đối với 100% diện tích. Tại HTX Hùng Tiến, trực tiếp Hội đồng quản trị tìm hiểu và đầu tư máy sản xuất nông nghiệp 3 trong 1. Ông Phạm Viết Chung – Phó Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Hùng Tiến, xã Giao Tiến cho biết: “Đây là loại máy thực hiện được 3 chức năng là gieo sạ, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Như vậy, một ngày có thể sạ được 30 mẫu. Khi sử dụng ở chế độ bón phân, mỗi bình chứa 25 kg phân, mỗi 1 mẫu bón trong thời gian 30 phút. Với máy phun thuốc sâu, máy để tại chỗ, có hệ thống dây dẫn tự hút nước, tự hòa thuốc và phun với bán kính16m”.

Đồng chí Cao Thành Nam – Phó Chủ tịch TT UBND huyện phát biểu sau khi tham quan thực tế.

Qua thực tế tham quan 2 mô hình cấy bằng máy và gieo sạ bằng máy tại Công ty Cơ khí Đình Mộc và HTX Hùng Tiến cho thấy cấy bằng máy hiệu suất tăng từ 10 – 15% so với cấy tay truyền thống, giảm chi phí khoảng 50 ngàn đồng/sào so với thuê nhân công cấy theo phương pháp thủ công và giảm được 15% lượng thóc giống khi gieo. Bên cạnh đó lại giải quyết được bài toán về thiếu nhân công trong sản xuất, giải phóng sức lao động cho nông dân. Về thời vụ được rút ngắn, nhất là khi chuyển từ vụ xuân sang sản xuất vụ mùa. Đồng chí Cao Thành Nam – Phó Chủ tịch TT UBND huyện đánh giá cao việc đưa máy cấy và máy gieo sạ trong sản xuất nông nghiệp. Đây là một trong chuỗi tiến trình thực hiện cơ giới hóa đồng bộ không chỉ đúng tinh thần chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Vì vậy để nhân rộng mô hình này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị “UBND các xã, thị trấn HTX dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện cần tuyên truyền và có cơ chế khuyến khích, động viên nông dân tích cực đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Phấn đấu trong năm 2021, ít nhất mỗi xã, thị trấn có 3 – 5 máy gieo sạ, một máy cấy để diện tích gieo cấy bằng máy đạt từ 10 – 15% diện tích và sẽ nhân rộng trong những năm tiếp theo”.

Đồng chí Trần Quang Hưng – Trưởng Phòng NN&PTNT
đánh giá việc đưa cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Để thực hiện được mục tiêu này, Phòng NN&PTNT sẽ chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế hỗ trợ khi đưa cơ giới hóa phục vụ sản xuất. Các HTX dịch vụ nông nghiệp cần tập trung chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012, phát huy vai trò dịch vụ trong các khâu sản xuất, đặc biệt là tổ chức dịch vụ gieo cấy bằng máy như mô hình HTX Hùng Tiến xã Giao Tiến. Từng địa phương cũng cần xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ cá nhân đầu tư máy cấy và tích tụ ruộng đất, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh các mô hình tái cơ cấu sản xuất, chuyển dịch sang sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao./.

Cao Nhung

Tags:

TOP