Nhiều cách làm hay thu hút đầu tư vào Nam Định

Nhiều cách làm hay thu hút đầu tư vào Nam Định

Cùng với việc tận dụng các lợi thế nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng, có lực lượng lao động dồi dào, những năm qua, tỉnh Nam Định đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đối với những dự án có vốn lớn, công nghệ kỹ thuật cao và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nam Định đang phấn đấu giai đoạn 2016-2020 thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh hơn 3 tỷ USD, đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Nằm trong tốp 3 tỉnh thu hút FDI tốt nhất

Những năm gần đây, Nam Định là một trong những tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Năm 2017, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài của tỉnh Nam Định đạt cao nhất từ trước đến nay về số vốn đăng ký (đạt 2.134,3 triệu USD, chiếm 10% tổng số vốn FDI của cả nước) và lần đầu tiên lọt vào tốp 3 tỉnh thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước.

Trong giai đoạn 2016-2018 (tính tới ngày 24-7-2018), tỉnh Nam Định cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 161 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung hơn 4.724 tỷ đồng. Đây thực sự là bước đột phá của tỉnh Nam Định.

Môi trường kinh doanh thuận lợi cũng tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp Nam Định lớn mạnh về số lượng và quy mô.

Thông tin từ Tỉnh ủy Nam Định cho thấy, tính đến ngày 24-7-2018, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 7.655 doanh nghiệp và 667 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký 56.977 tỷ đồng, tăng 10,4% về số lượng doanh nghiệp và 14,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, tỉnh Nam Định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp với quyết tâm xây dựng một môi trường đầu tư năng động, hấp dẫn, phục vụ tích cực cho thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Năm 2017, tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, tạo bước ngoặt trong cải cách thủ tục hành chính.

Khi thực hiện thủ tục đầu tư, các doanh nghiệp chỉ cần đề xuất yêu cầu về xúc tiến đầu tư và chỉ phải giao dịch với một đầu mối duy nhất của tỉnh là Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh liên tục duy trì đối thoại công khai định kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết trực tiếp những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, công tác cải cách thể chế của tỉnh Nam Định đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2017, chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Nam Định xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Kết quả đáng khích lệ trên thể hiện sự ghi nhận của người dân, doanh nghiệp với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công.

Tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ

Nam Định đang đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh hơn 3 tỷ USD, đầu tư từ các nguồn vốn trong nước đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Để đón làn sóng đầu tư, một trong những giải pháp trọng tâm được tỉnh Nam Định hướng tới là phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng (giao thông, viễn thông-năng lượng, công nghệ thông tin) ở các địa phương.

Trong đó, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông huyết mạch có tính liên vùng, các dự án giao thông trọng điểm đóng vai trò quan trọng tạo động lực phát triển đột phá về kinh tế-xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch biển của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Hồng; lựa chọn dành vị trí các khu công nghiệp nằm trên các trục đường huyết mạch nên rất thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn thành việc phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tới năm 2020, tầm nhìn 2025 với 56 cụm công nghiệp, diện tích quy hoạch là 1.588ha.

Ông Trần Văn Chung, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, cho biết, thời gian tới, Nam Định sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tập trung thực hiện cải cách hành chính trên các lĩnh vực, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính gắn với việc công khai, minh bạch thông tin.

Triển khai xây dựng mạnh mẽ chính quyền điện tử với nhiều dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân. “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, Nam Định sẽ tăng cường giám sát và xử lý nghiêm hành vi lợi dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, đòi hỏi các khoản chi phí không chính thức từ doanh nghiệp”, ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

Theo (qdnd.vn)


TOP