Nam Định với lời giải bài toán “khiếu kiện vượt cấp”

Nam Định với lời giải bài toán “khiếu kiện vượt cấp”

Vài năm trở lại đây, Nam Định là một trong số ít địa phương không có những vụ việc phức tạp khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) thì những cách làm chủ động, sáng tạo đã góp phần giúp địa phương này thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC thời gian qua.

Trong số các tỉnh thường xuyên có đoàn đông người khiếu kiện ở Trụ sở Tiếp công dân Trung ương năm 2018 không có tên tỉnh Nam Định. Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh luôn xác định, chủ động giải quyết thấu đáo các vụ việc khiếu kiện phức tạp. Trong trường hợp nếu người dân của Nam Định tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện thì lãnh đạo các huyện, thành phố phải phối hợp với tổ công tác thường trực tiếp công dân của tỉnh lên vận động, thuyết phục người dân về cơ sở để đối thoại, giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này, ông Vũ Minh Lượng, Chánh thanh tra tỉnh Nam Định nhấn mạnh: “Xác định việc tiếp công dân, giải quyết KNTC có vai trò rất quan trọng, UBND tỉnh đã tổ chức các hội nghị tập huấn, trong đó yêu cầu tất cả lãnh đạo sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố… tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ này. Tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các đầu mối phải tiếp dân. Việc tiếp công dân có lịch rõ ràng ở từng cấp, từ lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo xã, phường đều phải thực hiện. Một quý, lãnh đạo tỉnh sẽ họp với trưởng các sở, ban, ngành, huyện, thành phố để nghe về tiến độ giải quyết từng vụ việc KNTC, thống nhất phương hướng, biện pháp giải quyết những vụ việc còn lại”.

Một trong những cách làm sáng tạo của Nam Định trong lĩnh vực này là thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết các vụ việc KNTC có nội dung phức tạp. Thành phần hội đồng, gồm: Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, như: Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công an, Ủy ban Kiểm tra, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân… Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết các vụ việc KNTC có nội dung phức tạp, các vụ việc có khó khăn vướng mắc trong quá trình xem xét giải quyết theo thẩm quyền khi được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu. Ngay tại một buổi họp của hội đồng tư vấn mà phóng viên Báo Quân đội nhân dân được tham dự ngày 26-9-2018 để cho ý kiến đối với vụ việc bà Lê Thị Nga, ở thị trấn Lâm, huyện Ý Yên khiếu nại về việc UBND huyện Ý Yên thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với gia đình bà. Hội đồng tư vấn đã triệu tập cả lãnh đạo UBND huyện Ý Yên. Các thành viên hội đồng lần lượt cho ý kiến, từ đó hội đồng thống nhất về hướng giải quyết để bảo đảm có tình, có lý, người dân không bị thiệt thòi nhưng tuân thủ đúng khung khổ pháp luật.

Ông Trần Văn Kiên, Chánh văn phòng Thanh tra tỉnh Nam Định cho biết: “Trong tiếp công dân, giải quyết KNTC, tỉnh Nam Định thực hiện nhất quán chủ trương là “quan tâm, công khai, minh bạch”. Nếu như trước đây, thực hiện dân ở đâu nơi đó tiếp thì nay quan điểm đã hoàn toàn thay đổi. Ở đâu có vụ việc phức tạp, hoặc người dân ở địa phương nào khiếu kiện lên tỉnh thì lãnh đạo tỉnh tiếp dân nhưng sẽ yêu cầu cả chủ tịch UBND huyện, đơn vị nơi công dân đó sinh sống lên cùng tiếp, trực tiếp trả lời, tháo gỡ những vướng mắc của người dân”. Ông Kiên nêu dẫn chứng nhiều vụ việc đã được các cấp, các ngành chung tay tháo gỡ.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, trong lĩnh vực này, tỉnh Nam Định cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, là: Việc duy trì tiếp công dân định kỳ theo quy định tại một số địa phương chưa tốt, nhất là tại một số xã, phường, thị trấn. Lãnh đạo một số địa phương chưa trực tiếp lắng nghe, giải thích với người dân; chưa nắm bắt đầy đủ sự việc hoặc biết nhưng không tập trung xử lý, giải quyết mà đùn đẩy, trông chờ vào cấp trên; thái độ tiếp công dân có nơi chưa đúng mực; có trường hợp quan liêu, cửa quyền, trả lời vô trách nhiệm, vô cảm, gây bức xúc cho người dân. Cán bộ làm công tác tiếp công dân một số nơi không có kinh nghiệm, năng lực, trình độ, nhất là các kiến thức về chính sách, pháp luật còn hạn chế. Khi giải quyết các vụ việc KNTC, một số cơ quan, địa phương chỉ chú trọng giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm nghiên cứu, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc. Việc tổ chức đối thoại đôi khi còn mang tính hình thức mà chưa thực sự lắng nghe, hướng dẫn giải thích thấu đáo cho người KNTC hiểu rõ chủ trương, chính sách pháp luật.

Để khắc phục việc này, tại Văn bản số 16/UBND-VP8 ban hành ngày 18-1-2018 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân gắn với giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh phải xác định công tác tiếp công dân là trách nhiệm của người đứng đầu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; lấy hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC làm tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác. Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: Các cấp phải chủ động đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của nhân dân…

Với những cách làm đó giúp Nam Định thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Theo (qdnd.vn)


TOP