Tiếp bước cha ông khẳng định chủ quyền biển, đảo

Tiếp bước cha ông khẳng định chủ quyền biển, đảo

– Nhiều ngư dân ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã và đang tiếp bước cha ông, ngày đêm vươn khơi bám biển khai thác hải sản ở những ngư trường truyền thống bao đời nay. Với họ, vươn khơi bám biển không chỉ để lao động, sản xuất, mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân Hải Hậu chuẩn bị cho chuyến vươn khơi. Ảnh: Lê Đồng


Những ngày này, chúng tôi về cảng cá Ninh Cơ, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trong tiết trời nóng bức. Từ cảng cá Ninh Cơ nhìn ra cửa biển, tàu thuyền tấp nập ra vào. Bình quân mỗi ngày, có hàng chục chiếc tàu nối đuôi nhau vào bốc dỡ thủy sản, tranh thủ nạp thêm nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, đá lạnh… rồi lại hối hả vươn khơi. Là một trong những địa phương có nghề khai thác thủy sản xa bờ phát triển, huyện Hải Hậu hiện có hơn 200 tàu đánh cá công suất lớn với số lao động khoảng 2.000 người.

Đang chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến vươn khơi tiếp theo, anh Nguyễn Văn Tiếp, chủ tàu NĐ 92689TS – người có thâm niên hơn 20 năm chìm nổi với đại dương hồ hởi: “Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống, từ bao đời nay, ông cha chúng tôi đã đến để khai thác hải sản. Dù việc đánh bắt còn gặp nhiều khó khăn, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng bằng tình yêu nghề và lòng quyết tâm bám biển đã thôi thúc chúng tôi phải đoàn kết để lao động sản xuất, bảo vệ ngư trường truyền thống”.

Giống như bao chàng trai ở làng biển huyện Hải Hậu, anh Tiếp sinh ra trong một gia đình có truyền thống đi biển. Sau nhiều năm đi làm công cho các tàu, dốc hết vốn liếng, anh Tiếp cùng với anh em trong gia đình sắm được chiếc tàu cá cho riêng mình. Nhờ “lộc biển”, ngư phủ Nguyễn Văn Tiếp không những có của ăn, của để, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 6-10 lao động với mức thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/năm.

Sau hơn 10 ngày lênh đênh trên ngư trường Hoàng Sa để khai thác hải sản, tàu cá NĐ 92772TS của ngư dân Cao Thanh Tùng, ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu trở về đất liền cùng với bạn tàu. Sau khi bán cá xong, tàu của anh Tùng lại chuẩn bị nhu yếu phẩm, bơm nạp nhiên liệu để tiếp tục vươn khơi. Theo ngư dân dày dạn kinh nghiệm này, ở nơi đầu sóng ngọn gió, khó tránh khỏi hiểm nguy, thiên tai, bão tố. Với họ, không chỉ gan dạ, giỏi nghề để khai thác hải sản, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tình yêu biển, đảo của Tổ quốc.

Đồng hành với ngư dân, những người lính Biên phòng luôn hỗ trợ kịp thời cho bà con vươn khơi bám biển. Theo ngư dân Nguyễn Văn Tiếp: “Cán bộ Biên phòng không chỉ thường xuyên tuyên truyền, vận động chúng tôi chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà trước mỗi chuyến đi biển dài ngày, chúng tôi đều được cán bộ tới thăm, động viên và cung cấp những thông tin hữu ích, đồng thời, hướng dẫn chúng tôi cách kết nối thông tin liên lạc, cách xử lý tình huống khi gặp nguy hiểm trên biển. Chính điều ấy đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho chúng tôi trước mỗi chuyến ra khơi”.

Đại úy Nguyễn Văn Định, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Thịnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Thịnh, BĐBP Nam Định cho biết: “Sau mỗi chuyến đi biển dài ngày của ngư dân, chúng tôi tổ chức gặp gỡ, trao đổi thông tin, nắm tình hình và tuyên truyền cho bà con chấp hành nghiêm Hiệp định phân giới vịnh Bắc bộ; thực hiện cam kết không vi phạm lãnh hải nước láng giềng. Đồng thời, trao đổi thông tin về tình hình an ninh trật tự trên biển với các tổ trưởng tổ tàu thuyền an toàn, tổ tự quản an ninh trật tự trên địa bàn. Từ đầu năm 2020 đến nay, ngư dân trên địa bàn cung cấp cho đơn vị gần 20 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương”.

Tags:

TOP