Hãy sắm thêm một thùng đựng rác!

Hãy sắm thêm một thùng đựng rác!

Để cứu vãn môi trường ở làng nghề cô đúc nhôm Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực (Nam Định), cách đây chưa lâu, UBND tỉnh Nam Định đã chi ra 90 tỷ đồng ngân sách.

Nhưng rốt cuộc, chẳng ăn thua! 90 tỷ đồng và hơn thế nữa chỉ để cho việc khắc phục, cải tạo môi trường đã bị ô nhiễm của một làng nghề.

Một ví dụ trong muôn vàn ví dụ cho thấy khi con người ứng xử tiêu cực với môi trường cái giá phải trả nó “đắt” như thế nào? Không chỉ là tiền bạc mà còn là sức khỏe, sinh mạng của cả một cộng đồng.

“Dòng sông chết” trước làng nghề Bình Yên

Câu chuyện trên cho thấy rõ hơn một điều, đó là sẽ chẳng có chính sách nào và cũng không biết phải chi bao nhiêu tiền cho đủ để có thể bảo vệ được môi trường một cách hiệu quả nếu thiếu đi vai trò, tinh thần cộng đồng trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.

Luật, chính sách, trong đó có luật, chính sách liên quan đến việc bảo vệ môi trường vốn không thiếu. Vậy nhưng tại sao rác thải, nước thải vẫn bị xả thải bừa bãi? Tại sao nhiều cộng đồng, làng quê vẫn đang chìm trong ô nhiễm?

Nhìn vào thói quen, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân, doanh nghiệp hiện nay sẽ có câu trả lời.

Theo đó tùy tiện xả rác, ở bất cứ đâu, nói không quá, vốn là thói quen, “văn hóa”, “bản sắc” riêng của không ít người Việt.

Tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường, nói không quá cũng là “nghề” của nhiều doanh nghiệp hiện nay…

Thực tế cho thấy, để góp phần bảo vệ môi trường có những việc không cần đến tiền hoặc cần rất ít. Ví như, thay bằng chỉ có một thùng rác, mỗi gia đình sắm thêm một, hai chiếc, hình thành thói quen phân loại rác ngay tại nhà thì việc xử lý sau đó sẽ dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm hơn rất nhiều.

Rất tiếc, trong khi những nhà thiết kế đang phải đau đầu để tìm cách chế tạo ra những thiết bị có thể làm được việc này thì việc đơn giản, hiệu quả trên nhiều gia đình Việt Nam vẫn chưa làm được.

Thay vào đó, mỗi khi đọc báo, nghe đài, xem tivi thấy kể chuyện ở nước nọ, nước kia người ta thực hiện phân loại rác thải ngay tại nhà hay rác được họ tái tạo để làm việc này, việc khác…nhiều người lại “ồ, à” lên, thể hiện sự ngưỡng mộ.

Với tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng hiện nay, đương nhiên nhà nước sẽ tiếp tục phải có chính sách và phải bố trí ngân sách tương xứng để khắc phục. Lựa chọn cộng nghệ nào cho phù hợp, hiệu quả rồi đây các nhà quản lý, nhà khoa học sẽ phải có trách nhiệm trả lời.

Nhưng hình thành thói quen, ý thức bảo vệ môi trường, đơn giản là không xả rác bừa bãi, đơn giản là sắm thêm một cái thùng đựng rác, phân loại rác ngay ngạy tại nhà là trách nhiệm, là việc của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng có thể làm ngay.

Nhưng bao giờ người Việt mình mới hình thành thói quen, làm được việc đơn giản, không tốn tiền nhưng rất hiệu quả này?

Nói chuyện nay lại nhớ đến chuyện xưa. Đó là việc ở nhiều làng quê miền Bắc thường có hương ước riêng. Ở đó có những quy định, giao ước rất cụ thể, trong đó có những việc như bây giờ được gọi là “trách nhiệm bảo vệ môi trường”.

Ví như không được thả cho chó chạy rông, ị bậy ra đường làng. Ai, nhà nào vi phạm, không kể việc bị quan trên xử mà sẽ bị ngay chính cộng đồng làng bắt phạt. Xưa còn làm được, huống hồ là nay!

Theo (nongnghiep.vn)


TOP