Làng Phú An (Nam Định) chỉ dài 2 km, nhưng trên đó nhà cao tầng, dinh thự san sát.
Nằm sâu trong huyện Trực Ninh, hiếm ai tưởng tượng được rằng phía sau những bờ kênh, rặng cây bám bụi của làng Phú An, xã Cát Thành, tỉnh Nam Định là những siêu biệt thự thường chỉ thấy xuất hiện trên phim ảnh. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Phần lớn của cải của người làng Phú An là những chiếc tàu thủy có tải trọng từ 1.000 – 5.500 tấn, trị giá mỗi chiếc hàng trăm tỷ đồng.
Làng Phú An có trên 800 hộ, gần 2.500 nhân khẩu trong một diện tích 4 kilomet vuông. Dân cư ở đây 80% làm nghề vận tải đường thủy, số còn lại làm ruộng và đa nghề.
Theo thống kê của UBND xã Cát Thành, có đến một nửa dân làng Phú An có thu nhập trên 25 triệu/tháng (cao gấp 4 lần mức thu nhập trung bình của cả nước là 6,5 triệu và gấp 2,5 lần Hà Nội, theo Tổng cục Thống kê năm 2017).

Lâu đài hàng trăm tỷ đồng với những chiếc siêu xe tại làng Phú An. Ảnh: Trọng Nghĩa.
“Thu nhập của người lao động ở đây không thua kém gì ở những thành phố lớn, dù họ chỉ phục vụ cho địa phương. Ít ai biết, trước đó hầu hết họ đều là nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn”, ông Đỗ Văn Đốc, phó chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết.
Vị trí ẩn mình, nên nhiều năm trước, hầu như không có hoạt động kinh tế lớn diễn ra ở đây. Dân làng chỉ trồng lúa, đánh bắt thủy sản từ sông để ăn. Diện mạo xóm làng lụp xụp. Tiền đề phát triển kinh tế là từ một hợp tác xã vận tải đường thủy. Năm 1990, hợp tác xã này giải thể, các thành viên được chia tiền và phương tiện. Nhờ vậy, làng Phú An có 10 tàu sông. Cũng từ đó, nghề vận tải pha sông biển dần phát triển.
Thời gian đầu chỉ có tàu chở các loại vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… Đến 2009, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vận tải lượng hàng hóa khổng lồ. Nhận thấy ngành vận tải thủy an toàn, hiệu quả kinh tế cao, một số hộ trong làng Phú An đã vay mượn để đóng mới các tàu có tải trọng lớn. Đến nay, có khoảng 300 tàu chở container chuyên tuyến Hải Phòng – Quảng Ninh.
“Thời điểm năm 2010, làng Phú An đã có 3 người đầu tư đóng tàu vận tải lớn có tải trọng đến 5.500 tấn để tham gia thị trường vận tải biển xuyên quốc gia”, ông Đốc nói.
Ông Đốc liệt kê, từ 1-2 con tàu ban đầu, ông Trần Văn Dĩnh đã có đội tàu vận tải biển lên đến 30 chiếc, ông Trần Văn Thạch có đội tàu vận tải biển 15 chiếc, khoảng chục hộ có 3 – 4 tàu vận tải pha sông biển. Ước tính, nghề vận tải biển của làng Phú An tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động.

Nhà cao tầng san sát nhau, nhưng đường làng Phú An vắng vẻ vì người dân hiếm khi ở nhà. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Cũng vì đa số người dân phải lênh đênh biển cả nên làng xóm thường xuyên vắng vẻ. Nhịp sống ở đây khá tách biệt với những làng lân cận. Ít ai biết rằng nơi đây còn được gọi với cái tên “làng tỷ phú”.
“Ở đây đám cưới 100 mâm cỗ là bình thường, vì họ có nhiều mối quan hệ xã hội. Những ngày rét, họ huy động ôtô để đón khách thì có thể đến vài trăm chiếc. Tuy nhiên, tôi nghĩ đời sống ở đây không phải là giàu vượt bậc, chỉ cơ bản là đầy đủ hơn một vài làng khác”, ông Trần Văn Tiệp, trưởng xóm Phú Thọ (làng Phú An) chia sẻ.
Theo ông Tiệp, phần lớn người dân trong làng, kể cả nông dân, đều dư dả để chi tối thiểu 5 triệu mỗi tháng cho bảo hiểm trong gia đình. Dù có nhiều tiền nhưng họ không thoát ly lên các thành phố mà đem tiền về quê xây nhà, khiến làng nhỏ dày đặc những ngôi nhà lầu.

Cách một bờ kênh, làng lân cận có không khí nhộn nhịp dù nhà cửa không khang trang bằng làng Phú An. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Ở làng Phú An, 100% dân cư theo Công giáo. Hội đồng giáo xứ có ảnh hưởng lớn, nên ai cũng hướng đến lối sống “tốt đời đẹp đạo” mà cha xứ hàng ngày vẫn nhắc nhở. Người có tiền sẽ ủng hộ quỹ công giáo, và cha xứ sẽ thường xuyên ban tặng cho người cần, như các học sinh khá giỏi, những gia đình khó khăn. Vài năm gần đây, mức hỗ trợ cho các hộ nghèo trong làng đón Tết thường là 5 triệu đồng.
Ông Đỗ Văn Kiểm (55 tuổi, làng Phú An), cho biết, “giáo xứ còn giúp người dân có ý thức và biết tích cóp để làm giàu, từ chuyện phải cấy bao nhiêu mạ cho một mẫu ruộng, đến chuyện ăn bao nhiêu cơm là đủ cho một bữa. Nhờ vậy, người dân vừa có ý thức làm ăn, vừa đề cao tinh thần tiết kiệm”.
Theo ước tính của UBND xã, mỗi chuyến tàu sông sau khi trừ chi phí cho thu nhập thực tế khoảng 100 triệu đồng/tháng; còn tàu biển mỗi tháng có thu nhập thực tế 500-600 triệu đồng/tháng.
Vì thế, không ngạc nhiên khi ở đây có hơn 400 ngôi nhà trị giá từ 2 tỷ đồng trong tổng số trên 800 hộ. Thậm chí các loại biệt thự thiết kế theo kiến trúc lâu đài châu Âu trăm tỷ đồng cũng có gần 10 căn.
Theo (vnexpress.net)
- Cuộc sống như trong mơ sau 2 năm lột xác của cô gái Nam Định
- Tự hào Nam Định quê hương
- Phát hiện thú vị nhất hôm nay: Cô dâu ‘vàng đeo trĩu cổ’ nhận sổ đỏ ngày cưới có em trai 17 tuổi và vẫn F.A
- Mùa tôm thuyền trứng
- Từ thi trượt đại học, nữ sinh vươn lên thành thủ khoa trường Công nghệ Giao thông vận tải
- Ngọc nữ Nam Định và màn thay đổi diện mạo đỉnh nhất của năm: “Búp bê sống” được ví là Yoshi Việt Nam
- Kỳ Duyên – Huyền My lần đầu lên tiếng bác tin đồn ‘bằng mặt không bằng lòng’
-
Nước mắm Giao Châu
-
Bãi rác “hành” dân ở Nam Định: “Ngủ phải đeo khẩu trang, ăn phải mắc màn tránh ruồi”
-
Nam Định: Kiên quyết đấu tranh, xử lý ngăn chặn việc mở đường dân sinh trái phép
-
Nghĩa Hưng: Lạ với ngôi làng nông dân mê mẩn chơi kèn Tây
-
Vụ Bản-Nam Định: Vận chuyển thuê ma túy giấu trong máy bơm nước
-
Giải quyết nạn ùn tắc tại ngã tư Lê Hồng Phong – Hoàng Văn Thụ
-
Sự thật về vụ “bạo hành trẻ em” ở chung cư 4S của cặp vợ chồng quê Nam Định
-
Những cung đường chụp ảnh cưới tuyệt đẹp tại Nam Định
-
Đậu hoa Thành Nam – Giải nhiệt cùng mùa hè
-
Đặc sắc múa tứ linh ở Đại Thắng, Nam Định
-
Nam Định: Con nợ dùng dao cứa cổ chủ nợ chỉ vì món tiền 300.000 đồng
-
Bão số 3 khiến hơn 700ha lúa mùa của Nam Định chìm trong nước
-
Tặng 150 triệu đồng, lội bùn trong vùng lũ, Kỳ Duyên vẫn bị chê ‘làm màu’
-
Vụ Trưởng phòng điều dưỡng xinh đẹp bị bắt: Diễn biến mới
-
Kiến nghị xử phạt nhóm ‘Rao vặt Nam Định’ vì đăng tin sai sự thật