Cần cụ thể hóa kế hoạch hành động ứng phó tại vùng ven biển Nam Định

Cần cụ thể hóa kế hoạch hành động ứng phó tại vùng ven biển Nam Định

Nam Định là tỉnh duyên hải nằm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng gồm 9 huyện và một thành phố với diện tích 1,652,6km2, có 72km bờ biển và hệ thống sông Hồng và sông Đáy chảy qua đổ ra biển từ các cửa Ba Lạt, cửa Ninh và cửa Đáy.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thiên tai là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển bền vững của tỉnh Nam Định, đặc biệt 3 huyện ven biển là Hải Hậu, Nghĩa Hưng và Giao Thuỷ thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, ngập úng, xói lở bờ biển và xâm nhập mặn. Ba huyện này có số dân 626.180 người, chiếm 34% tổng dân số, diện tích tự nhiên 722km2 chiếm 43,7% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.

Nam Định có diện tích chiếm khoảng 30% đồng bằng sông Hồng và phần lớn nằm dưới mực nước biển. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến cuối thế kỷ này nếu mực nước biển dâng lên 1m sẽ có thể gây ngập lụt cho 1.668km2 vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có 93,4km2 thuộc Nam Định (chiếm 5,74% tổng diện tích). Trong đó 3 huyện ven biển của Nam Định là Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thuỷ đều thuộc nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Mực nước biển dâng đang thay đổi đặc tính của các luồng nước biển và trầm tích tại các khu vực ven biển.

Hơn nữa, khu vực bị ngập vĩnh viễn, vùng trũng và hệ thống tự nhiên ven biển như rừng ngập mặn và những vùng đất ngập nước khác sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng và những thay đổi liên quan đến điều kiện sinh hoá.

Bên cạnh rủi ro khi nước biển dâng, Nam Định còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác do biến đổi khí hậu mang lại như thay đổi về nhiệt độ (sóng nhiệt sớm và không khí lạnh), lượng mưa, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán và tình trạng thiếu nước ngọt. Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến nhiều vị trí địa lý và ngành nghề trong tỉnh, nhất là sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

Tỉnh Nam Định đẩy mạnh công tác trồng rừng phòng hộ ven biển.

Tỉnh Nam Định đẩy mạnh công tác trồng rừng phòng hộ ven biển.


Bà Nguyễn Thị Thọ, cố vấn vận động chính sách, Tổ chức Phát triển nông thôn bền vững nhận định: Trong tương lai gần, Nam Định phải đối mặt với hai vấn đề nổi cộm là xâm nhập mặn và xói mòn vùng ven biển. Cả hai vấn đề này đều ảnh hưởng đến việc quản lý và sử dụng các tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh, làm giảm số lượng và chất lượng tài nguyên tại địa phương.

Những thách thức này ảnh hưởng đáng kể đến cách tiếp cận trong việc quản lý và sử dụng đất, nước, rừng và các tài nguyên thiên nhiên khác. Xâm nhập mặn không những gây ra khan hiếm nguồn nước cho nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt hàng ngày mà còn làm suy giảm mực nước, chất lượng nước ngầm khi kết hợp với độ mặn trong khu vực sông và cửa sông.

Tại Nam Định, hàng năm có khoảng 38.000 ha đất canh tác ven biển bị nhiễm mặn, trong đó có đến hơn 12.000 ha nhiễm mặn nặng. Rừng ngập mặn cũng bị suy giảm về cả diện tích và khả năng phòng hộ.

Diện tích rừng ngập mặn ở khu vực Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh, Cồn Mở và Vườn quốc gia Xuân Thủy đã và đang suy giảm. Tại Vườn quốc gia Xuân Thủy trong 12 năm trở lại đây, diện tích rừng ngập mặn trưởng thành đã giảm 70%. Đường bờ biển bị sóng biển lấn trung bình 10m/năm. Riêng đoạn từ xã Hải Lý – Hải Triều, huyện Hải Hậu hàng năm xói lở 10-20m.

Năm 2011, Nam Định là một trong những tỉnh đã đi tiên phong trong việc xây dựng Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020, theo đó tỉnh dự kiến đầu tư hơn 764 tỷ đồng cho 22 đề án, chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), để thực hiện Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới, các bên liên quan cần hướng tới hành động, áp dụng phương pháp tiếp cận thực tế nhằm giải quyết rủi ro và thách thức nổi cộm của biến đổi khí hậu. Điều này bao gồm việc nâng cao nhận thức về các vấn đề khí hậu và xây dựng năng lực cho Chính phủ và các bên liên quan về thông tin trong quá trình ra quyết định.

Việc thực hiện thành công Kế hoạch Hành động này đòi hỏi kiện toàn năng lực cho từng cơ quan liên quan qua chia sẻ những hiểu biết chung về thách thức của biến đổi khí hậu. Việc này cũng giúp thúc đẩy yếu tố chính trị cần thiết, đảm bảo tính khả thi của Kế hoạch Hành động. Hơn nữa, việc tích hợp Kế hoạch Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu với các kế hoạch liên quan như Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh là hết sức cần thiết.

Để đạt được sự linh hoạt này, cần kết hợp tư duy tổng hợp với đề xuất các sáng kiến vận động chính sách sáng tạo cho các nhà hoạch định chính sách. Việc thực hiện Kế hoạch Hành động cũng cần tận dụng thế mạnh của một số tổ chức xã hội khác như Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định, các tổ chức phi chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Thọ, cố vấn vận động chính sách thuộc Tổ chức Phát triển nông thôn bền vững cho rằng, những giải pháp ưu tiên cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Nam Định tập trung vào những nhóm giải pháp như quản lý nhà nước, truyền thông, thích ứng, giảm thiểu.

Trong đó, chủ động thích ứng là nhóm giải pháp vô cùng quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, theo đó cần hoàn thiện hệ thống công trình thuỷ lợi và hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thuỷ sản của 3 huyện ven biển; sử dụng giống lúa chịu mặn lớn hơn 2‰ và những loại cây trồng chịu ngập úng, chịu mặn; chuyển đổi từ lúa nước sang cây trồng cạn. Chú trọng chuyển đổi sinh kế cho người dân ven biển: du nhập và phát triển các nghề trồng nấm, chế biến hải sản, may mặc, cơ khí…

Theo: Thắng Trung – Văn Đạt :cand.com.vn


TOP