Cao đẳng Xây dựng Nam Định: Cải tiến cách dạy, tăng cường kỹ năng nghề cho giáo viên

Cao đẳng Xây dựng Nam Định: Cải tiến cách dạy, tăng cường kỹ năng nghề cho giáo viên

Để cải tiến chương trình đào tạo, Trường Cao đẳng (CĐ) Xây dựng Nam Định đang nỗ lực bồi dưỡng kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên, giảng viên công tác tại trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huy chương Vàng cho em Nguyễn Văn Hướng, nghề ốp lát tường sàn trong kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ X năm 2018.

Tăng thực hành, giảm lý thuyết

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của công cuộc đổi mới và thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Trường CĐ Xây dựng Nam Định đã triển khai rà soát, điều chỉnh lại toàn bộ nội dung chương trình đào tạo, giáo trình theo định hướng của Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), phù hợp với thực tế.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn trao Cờ thi đua xuất sắc cho nhà trường nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập.

Nhà trường cũng đã tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp, các chuyên gia và nghệ nhân để xây dựng chương trình đào tạo các ngành, nghề phù hợp nhất có thể.

Trong đó, Nhà trường đã chỉ đạo các khoa, bộ môn chuyên môn xây dựng đề cương, chương trình, giáo trình hướng tới tăng phần thực hành nghề nghiệp, giảm phần lý thuyết mang tính hàn lâm, không phù hợp với thực tế và đáp ứng yêu cầu đăng ký hoạt động GDNN.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Ngọc Anh – Trưởng bộ môn sắt hàn – điện nước của Khoa Đào tạo nghề Trường CĐ Xây dựng Nam Định cho biết: “Trong chương trình đào tạo, nhà trường đang tiến hành đổi mới, cải tiến chương trình giảng dạy để tỷ lệ lý thuyết chỉ chiếm khoảng 10%, còn 90% là thực hành. Chương trình đào tạo như vậy sẽ giúp các em học sinh, sinh viên có cơ hội luyện tập tay nghề vững vàng nhất định, thuận lợi trong khi đi xin việc sau khi ra trường”.

Một giờ học thực hành môn Trắc địa của sinh viên Trường CĐ Xây dựng Nam Định.

Hiện nay, Trường CĐ Xây dựng Nam Định đã được cấp giấy chuyển đổi giấy chứng nhận hoạt động GDNN và giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động GDNN. Nhà trường cũng đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để được cấp giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại các địa điểm liên kết theo quy định.

Tuy nhiên, Trường CĐ Xây dựng Nam Định cũng phải đối mặt với một số khó khăn khi Tổng cục GDNN, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn để các cơ sở GDNN thực hiện theo trong một thời gian ngắn và nhiều thủ tục hành chính cũng chưa tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN.

Hơn 50% giảng viên đạt trình độ sau đại học

Trường CĐ Xây dựng Nam Định đang có 111 giáo viên, giảng viên, bao gồm 5 tiến sĩ và 63 thạc sĩ. Về cơ bản, tỷ lệ giảng viên sau đại học đạt 63/111 người là một tỷ lệ khá lớn trong chuẩn đội ngũ đối với một trường chuyên nghiệp.

Nhưng mục tiêu trước mắt của Trường CĐ Xây dựng Nam Định là hướng tới bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên, chuyển đổi sang hướng GDNN vốn là nhiệm vụ chính của trường trong giai đoạn hiện tại.

Hàng năm, nhà trường đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên căn cứ theo nhu cầu phát triển của nhà trường và chuẩn giáo viên của các đơn vị, khoa, chuyên môn.

Thầy Trần Ngọc Anh giảng dạy một giờ thực hành tay nghề điện dân dụng.

Để khuyến khích các giáo viên, giảng viên bồi dưỡng nâng cao năng lực, nhà trường sẽ hỗ trợ 80 triệu đồng cho mỗi giáo viên, giảng viên làm nghiên cứu sinh và 10 triệu đồng cho mỗi giáo viên học thạc sĩ. Ngoài ra, nhà trường cũng hỗ trợ 100% kinh phí cho cán bộ viên chức theo học các khóa đào tạo về ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm…

Trong thời gian đi học, các giáo viên vẫn được đáp ứng đầy đủ các chế độ như một viên chức đang làm việc bình thường.

Tăng cường kỹ năng nghề cho giáo viên

Để thực hiện mục tiêu cải tiến chương trình giảng dạy, tăng cường thực hành và giảm bớt lý thuyết, Trường CĐ Xây dựng Nam Định cần phải tăng cường kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên đang công tác ở trường.

Thầy Nguyễn Mạnh Trường – Chủ tịch Hội đồng Trường CĐ Xây dựng Nam Định cho biết: Nhà trường đang có 2 hướng chủ yếu để nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên của nhà trường.

“Thứ nhất, các thầy cô đã có tay nghề đi thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Hiện tại, nhà trường cũng đang gặp khó khăn trong việc lấy chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chưa có nhiều cơ sở để đánh giá kỹ năng của một số nghề.

Ở hướng thứ 2, Nhà trường sẽ tổ chức rèn luyện kỹ năng nghề cho những thầy cô chỉ giảng dạy lý thuyết, nhưng kỹ năng thực hành còn yếu. Sau khi đạt tiêu chuẩn ở trường, những thầy cô này cũng sẽ được cử đi thi kỹ năng nghề quốc gia”, thầy Nguyễn Mạnh Trường cho biết thêm.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực của các giáo viên, Trường CĐ Xây dựng Nam Định và Bộ Xây dựng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.

Năm 2013, Bộ xây dựng đầu tư 1 tỷ đồng tăng cường trang thiết bị phòng học ngoại ngữ và khảo sát năng lực ngọai ngữ của giáo viên trong chương trình mục tiêu tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Một năm sau, Bộ xây dựng tiếp tục cấp 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống máy tính cho phòng học tiếng Anh và nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên. Đến năm 2015, Bộ Xây dựng đã cấp 200 triệu đồng kinh phí bồi dưỡng năng lực tiếng Anh cho giáo viên.

Cô Hải Anh cho biết: “Về vấn đề nâng cao trình độ cho giáo viên, thầy Hiệu trưởng Trịnh Quang Vinh đã làm rất mạnh tay và rất tốt. Khi mới vào trường, tôi chỉ có trình độ đại học, trường cũng chưa có nhiều thạc sĩ. Nhưng sau khi thầy Vinh về làm Hiệu trưởng, phong trào bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên, giảng viên được đẩy mạnh và hiện tại gần như tất cả giáo viên của trường đã đạt trình độ thạc sĩ. Nhà trường cũng hỗ trợ rất nhiều cho các giáo viên đi học, từ vấn đế kinh phí cho đến việc sắp xếp lịch dạy”.

Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên

Không chỉ quan tâm bồi dưỡng năng lực chuyên môn của giáo viên, giảng viên, Trường CĐ Xây dựng Nam Định cũng đặc biệt chú trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của các thầy cô.

Ngoài mức lương theo chế độ của Nhà nước, mỗi quý, nhà trường còn thưởng cho các giáo viên thu nhập tăng thêm khoảng 1,5 tháng lương trích từ nguồn kinh phí riêng của trường.

Cô Nguyễn Hải Anh – Phó Trưởng khoa Kinh tế Xây dựng – Kế toán, bắt đầu công tác ở Trường CĐ Xây dựng Nam Định từ năm 2009 rất ấn tượng với môi trường làm việc thân thiện tại đây, và nhận định đó là điều kiện tốt để cô học hỏi được nhiều điều bổ ích: “Về vấn đề phúc lợi, nhà trường chăm lo cho đời sống của giáo viên khá tốt, nằm trong nhóm đầu so với mặt bằng chung ở tỉnh Nam Định. Sau một thời gian làm việc, tôi được nhà trường hỗ trợ cơ sở vật chất, chỗ ăn chỗ ở. Trong những ngày lễ, tết hay sinh nhật, nhà trường cũng luôn tổ chức những hoạt động ý nghĩa dành cho các thầy cô trong trường”.

Về vấn đề thu nhập, cô Hải Anh cho biết: Mức lương trung bình của các giáo viên tại trường rơi vào khoảng 8 triệu/tháng, chưa tính các khoản thưởng và thu nhập tăng thêm. Với mức sống ở TP Nam Định, khoản thu nhập này không dư dả, nhưng đã tạm đủ.

Trường CĐ Xây dựng Nam Định rất quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên.

Cùng quan điểm với cô Hải Anh, thầy Trần Ngọc Anh – Trưởng bộ môn Sắt hàn – Điện nước, Khoa Đào tạo nghề Trường CĐ Xây dựng Nam Định cũng khẳng định: “Nhà trường rất quan tâm chăm lo đời sống của giáo viên nên chúng tôi rất yên tâm công tác. Thu nhập hàng năm đều được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Ngoài ra, nhà trường cũng quan tâm nâng cao chất lượng giảng dạy. Chúng tôi thường xuyên được đi tập huấn các lớp nâng cao nghiệp vụ giáo viên, nâng cao kỹ năng nghề quốc gia, hay tham gia các công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp trường”.

Mỗi năm, Nhà trường đều tổ chức các hoạt động cho phép giáo viên, giảng viên nói ra tâm tư nguyện vọng của bản thân và đề xuất cải thiện đối với nhà trường, tất cả đều được tổ chức công khai minh bạch.

Bên cạnh đó, trường vẫn rất quan tâm đến việc chăm lo đời sống tinh thần cho các thầy cô. Hiện tại, nhà trường đã xây dựng nhà thể thao đa năng có diện tích sàn 1.300m2, hệ thống sân bóng đá, sân cầu lông, sân tennis… để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe của học sinh, sinh viên lẫn giảng viên, giáo viên. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn nghệ, giải trí khác để giúp các thầy cô thư giãn sau các giờ làm việc căng thẳng.

Theo (baoxaydung.com.vn)

Tags:

TOP