Nam Định Dồn lực cho phát triển kinh tế biển

Nam Định Dồn lực cho phát triển kinh tế biển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định vùng kinh tế ven biển là một trong ba mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế với vai trò là vùng kinh tế động lực, là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh. Vì vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là các địa phương có biển đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực có lợi thế và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thu mua hải sản khai thác của ngư dân tại Bến cá Giao Hải (Giao Thủy).

Kết quả đáng ghi nhận

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh tập trung triển khai thực hiện và đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án, công trình lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo động lực cho phát triển vùng kinh tế biển. Cụ thể, hoàn thành, đưa vào sử dụng đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ; 47,2km tỉnh lộ 488 (từ cầu Vòi đến thị trấn Thịnh Long); xử lý khẩn cấp một số đoạn đê kè xung yếu thuộc tuyến đê biển tỉnh… Hiện nay tỉnh đã và đang tập trung thực hiện một số dự án trọng điểm có tính chiến lược đối với phát triển vùng kinh tế biển nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội toàn tỉnh nói chung như: Giai đoạn 2 tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển; nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định I; dự án Tổng kho và cảng xuất nhập xăng dầu… Khi hoàn thành, đưa vào khai thác, các dự án này sẽ tạo sức hút lớn cho các huyện ven biển trong thu hút đầu tư, tạo đà phát triển lâu dài, làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thu ngân sách, tăng thu nhập cho người dân.

DCIM100MEDIADJI_0059.JPG

Các địa phương có biển cũng nỗ lực đầu tư thúc đẩy, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế có lợi thế là: thủy sản, công nghiệp, du lịch. Kinh tế du lịch biển đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ các tour du lịch theo hướng kết hợp với các loại hình vui chơi giải trí, thi đấu thể thao, du lịch hội nghị, hội thảo công vụ, nghiên cứu khoa học tại các khu tắm biển Quất Lâm, Thịnh Long, nhà thờ đổ xã Hải Lý; chú trọng phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển (Ramsa) liên tỉnh châu thổ sông Hồng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy. Trong lĩnh vực nuôi trồng đã sản xuất đa dạng các loại con giống thủy, hải sản, chú trọng chuyển đổi sang nuôi thâm canh, các đối tượng có giá trị kinh tế và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Toàn tỉnh đã hình thành 50 vùng nuôi thủy sản tập trung; đáng kể đã có một số mô hình liên kết chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao như: mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến ngao theo tiêu chuẩn ASC giữa Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam với hai huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng và đại diện các hộ nuôi ngao trên địa bàn tỉnh; mô hình cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng. Một số sản phẩm thủy sản của tỉnh đã định vị được thương hiệu trên thị trường như cá bống bớp Nghĩa Hưng, chả cá Hùng Vương, nước mắm Ninh Cơ, nước mắm Giao Châu, tôm tươi sống, ngao sạch Giao Thủy, muối biển nhạt Royal, ngao sạch Lenger… Khai thác thủy sản tập trung nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đội tàu đánh bắt xa bờ phát triển cả số lượng và năng lực vươn khơi, đánh bắt tại các ngư trường rộng khắp từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu với gần 2.200 tàu, thuyền công suất từ 800CV trở lên. Việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển đã giúp tỉnh giải quyết được nhiều việc làm, tăng thu nhập trực tiếp cho người dân vùng ven biển và còn góp phần quan trọng vào việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển

DCIM100MEDIADJI_0060.JPG

Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng biển, ven biển của tỉnh theo hướng phát triển bền vững, ngày 22-7-2020 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 63/KH-UBND triển khai Đề án hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển tỉnh đến năm 2030. Tỉnh đặt ra 7 nhiệm vụ, giải pháp tập trung phát triển kinh tế biển, ven biển gồm: phát triển du lịch và dịch vụ biển; phát triển kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí, tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng và khai thác hải sản; phát triển công nghiệp ven biển; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và với các tỉnh trong vùng biển, ven biển phía bắc. Tỉnh tiếp tục quy hoạch và đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực để ưu tiên đầu tư các khu đô thị ven biển gắn với hình thành, phát triển các trung tâm kinh tế biển. Xây dựng và phát triển các khu đô thị ven biển (Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông), trong đó xây dựng thành phố Thịnh Long – Rạng Đông trở thành trung tâm phía tây nam của tỉnh với chức năng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với cảng biển. Đầu tư phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng; nghiên cứu khả năng xây dựng cảng biển chuyên dùng phục vụ cho phát triển KCN Dệt may Rạng Đông, Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định; chú trọng nâng cấp cảng Hải Thịnh, cảng cá Ninh Cơ để tăng khả năng tiếp nhận, thu hút các tàu có trọng tải lớn cập cảng; phát triển đội tàu vận tải biển theo hướng hiện đại, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng các cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng, phục vụ KCN Dệt may Rạng Đông. Tập trung mọi nguồn lực triển khai dự án kênh đào nối sông Đáy và Ninh Cơ với tuyến vận tải thủy ven biển qua cửa Lạch Giang (sông Ninh Cơ). Tranh thủ các nguồn lực để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình đê điều, thủy lợi đảm bảo phục vụ phát triển sản xuất, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về thoát lũ và hạn chế xâm nhập mặn. Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng về nước sạch và thủy lợi cấp, tiêu thoát nước cho phát triển các ngành kinh tế, sinh hoạt, du lịch, dịch vụ tại các vùng ven biển của tỉnh. Kinh tế hàng hải tập trung khai thác hiệu quả các tuyến vận tải biển nội địa; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, vận tải đa phương thức. Ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích phát triển đội tàu khai thác vùng khơi; khuyến khích ký kết hợp tác khai thác hải sản vùng biển nước ngoài, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, tham gia hiệp định nghề cá khu vực và trên thế giới. Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng; hướng dẫn, hỗ trợ người dân sản xuất các sản phẩm phục vụ đa dạng khách du lịch, nhất là khách quốc tế; đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch, nhất là các sản phẩm hàng hóa du lịch từ tài nguyên biển, các sản phẩm đặc trưng của địa phương trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học biển; phát huy giá trị du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng.

Huy động các nguồn lực ngoài ngân sách và có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, đầu tư phát triển kinh tế tại các khu công nghiệp ven biển. Trong đó, tập trung hoàn thiện các điều kiện đề nghị Chính phủ cho phép thành lập KCN Ninh Cơ; tăng cường thu hút đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ KCN Dệt may Rạng Đông, từng bước hình thành khu đô thị thương mại, dịch vụ dệt may – thời trang hiện đại. Ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, hiện đại; tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu với các ngành công nghiệp công nghệ cao như thiết bị điện, điện tử, công nghiệp phần mềm, dược phẩm; tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Tập trung phát triển ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy, thiết bị điện, máy thủy, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp sạch gắn với nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, xây dựng các tổng kho phân phối./.

Tags:

TOP