Nam Định: Gặp người nông dân thu tiền tỉ mỗi năm nhờ trồng quất dược liệu sạch

Nam Định: Gặp người nông dân thu tiền tỉ mỗi năm nhờ trồng quất dược liệu sạch

Từ khi chuyển từ trồng quất cảnh sang quất dược liệu theo đúng tiêu chuẩn thế giới, gia đình ông Đoàn Văn Hoa (Vụ Bản – Nam Định) đã thu về mỗi năm 900 triệu đồng. Đó là chưa kể các nguồn thu từ một số loại khác như đỗ tương sạch…

Về vùng Nam Định trong một ngày đầu mùa đông nắng ấm. Ra khỏi thành phố, rồi đi qua một cây cầu nhỏ bắc qua sông Đào, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, với không khí đặc biệt trong lành.

Trang trại của gia đình ông Hoa nằm giữa một hòn đảo mà người dân địa phương vẫn gọi là Bãi Quỹ. Hòn đảo này rộng khoảng 50ha, nằm biệt lập với các khu vực dân cư cũng như sản xuất nông nghiệp khác.

Nổi bật giữa hòn đảo là màu xanh của quất. Không giống những cây quất cảnh mà người thành phố thường mua về trưng vào những dịp Tết, quất ở đây có dáng lòe xòe tự nhiên, quả xanh quả chin chen lẫn nhau, chắc nịch chứ không bồm bộp như quất cảnh. Đặc biệt, những quả quất chin có màu rám nâu chứ không bóng vàng như quất ở chợ. Mặt đất phía dưới thì lỗ chỗ những vết trùn đùn lên khiến tôi nhớ lại hình ảnh vườn rau của bà ngoại hồi tôi còn nhỏ.

Ông chủ vườn quất dược liệu Đoàn Văn Hoa bên những thùng quất vừa thu hoạch. Những quả quát sạch được trồng và thu hoạch theo đúng tiêu chuẩn Biotrade có màu sắc rám vàng tự nhiên

Đầu tiên, ông thuê 2ha để trồng quất cảnh. Do yêu cầu của thị trường là từ dáng cây phải đẹp, lá phải dầy và xanh bóng, quả phải to, bóng đẹp nên ông đã phải dùng rất nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hóa học… Chi phí nhiều, nhưng thu nhập lại rất bấp bênh. Lúc đắt thì có khi lại không có quả chin để bán, lúc nhiều quả chin thì giá lại rẻ như cho.Vừa mời chúng tôi ăn những miếng ổi sạch cắt ra từ vườn nhà, người đàn ông ngoài 50 tuổi có khuôn mặt đặc trưng của những người lao động vất vả, nhưng nụ cười thì lại rất rạng rỡ, chia sẻ: Trước đây ông là bộ đội tình nguyện ở bên Lào. Sau khi về nghỉ mất sức với 70% lương, ông chật vật tìm kế mưu sinh và chọn nghề trồng quất.

May mắn, cách đây 4 năm, Bãi Quỹ được chọn làm vùng dược liệu sạch, và gia đình ông là gia đình đầu tiên trong vùng này được tham gia vào dự án Biotrade, thuộc chương trình hỗ trợ của tổ chức Handmitag – một tổ chức phi chính phủ của Thụy Sỹ do Liên minh Châu Âu tài trợ.

Tham gia chương trình, cái được lớn nhất đối với ông là có đầu ra ổn định, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm bền vững với giá cả hợp lý. “Với 2ha quất, mỗi năm tôi thu hoạch được khoảng 50 tấn, doanh thu khoảng 900 triệu đồng. Chi phí chủ yếu là nhân công lao động.” – ông Hoa chia sẻ. Hiện, ông và đối tác đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng quất lên thành 5ha. Nhẩm tính, có thể thấy lúc đó, thu nhập hàng năm của gia đình nông dân như ông Hoa sẽ rất “khủng”.

“Tôi đã xây cho 2 đứa con trai, mỗi đứa 1 cái biệt thự rồi.” – ông Hoa vui vẻ “khai”.

Nói vậy, nhưng không phải dễ. “Cũng khó khăn lắm đấy. Để đáp ứng được yêu cầu của chương trình, của Công ty thu mua, không dễ dàng đâu. Chỉ cần tham một tí là có thể mất luôn hợp đồng đấy” – ông Hoa nói.

Theo ông Hoa, trồng quất dược liệu sạch không giống như trồng quất cảnh. Quất dược liệu dùng để sản xuất si rô ho cho cả trẻ sơ sinh nên họ đòi hỏi rất khắt khe. Hơn nữa, dự án này là của tổ chức quốc tế nên họ yêu cầu phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn của thế giới.

“Điều đầu tiên là không có thuốc trừ sâu hóa học. Họ cho phép sử dụng thuốc sâu sinh học, nhưng ở đây 4 năm qua tôi chưa phải dùng lần nào vì không có sâu. Trước đây, tháng nào cũng phải phun thuốc sâu.” – ông Hoa nói.

Bột đỗ tương bón cho quất dược liệu thay cho phân hóa học

Lúc này, tôi mới để ý là mặc dù vườn quất đang có rất nhiều hoa nhưng thỉnh thoảng lắm mới thấy một con bướm bay qua. Mà theo nguyên lý thì “không có bướm sẽ không có sâu.” Lý giải cho điều này, ông Hoa cho biết, trồng quất cảnh sẽ phải đào gốc nên cây hầu như có rất ít rễ và rễ rất ngắn. Nhưng quất dược liệu có bộ rễ chùm, bò ra, ăn sâu vào đất, có sức đề kháng sâu bệnh rất tốt.

“Vừa rồi có lũ về, nước thủy triều lên mỗi ngày mấy tiếng nhưng quất này không bị chết. Chứ nếu là quất cảnh thì chắc chết hết rồi” – ông Hoa cho biết.

Như để chứng minh cho lời ông chủ vườn quất, một người phụ nữ đang hái quất vừa cười vừa cho một quả quất chin vào miệng nhai cả vỏ. Bà cũng kể, nhà bà thường lấy quất này về ngâm muối để làm thuốc ho cho gia đình, rất tốt.

Thấy một người phụ nữ đang rải những nắm bột trắng ngà vào gốc quất, tôi tò mò hỏi thì được ông cho biết, theo tiêu chuẩn, vườn quất được sử dụng phân NPK đầu trâu của nhà máy, nhưng do tự trồng được đậu tương nên gia đình ông đã xay đỗ tương ra làm phân bón. “Đỗ tương có độ đạm cao, làm phân bón rất tốt. Sau khi xuất cho công ty phần đỗ đẹp để họ làm thuốc Bảo Xuân, phần dư còn lại tôi xay ra làm phân bón” – ông Hoa cho biết.

Hóa ra, đây là lý do để dưới mặt đất của vườn quất không phẳng lì mà rất xốp, lỗ chỗ vết trùn. Đó là vì không có thuốc trừ sâu, không có phân hóa học nên giun đất sinh sôi nảy nở rất nhiều.

Không bón phân hóa học, không phun thuốc sâu nên vườn quất đầy dấu vết của giun đất

Trong lúc thăm vườn quất, tôi cũng “tranh thủ” ăn vài quả quất sạch, thứ mà tôi không chắc chắn có thể mua được ở chợ, càng không dám ăn khi hái từ cây quất mua về bày Tết. Nhưng rồi, tôi cũng chi nhấm nháp được chút vỏ, vì ruột quất rất chua và nhiều nước.

Ông chủ vườn quất dược liệu cho biết, trung bình mỗi ngày, vườn quất thu hoạch được khoảng 7 tạ. Đích thân ông sẽ là người cuối cùng kiểm tra sản phẩm xem có quả nào không đạt tiêu chuẩn thì loại bỏ trước khi xe của nhà máy đến chở đi vào nhà máy Nam Dược cách đó khoảng 30km.

Hỏi ông Hoa rằng, nếu mở rộng trang trại thêm 3ha nữa thì liệu đầu ra cho những quả quất sạch này có được đảm bảo? Ông chủ vườn quất cười khà khà nói: “Mình làm thì phải có hợp đồng chứ. Doanh nghiệp được hỗ trợ của dự án nên họ cũng thực hiện nghiêm chỉnh. Thậm chí, mình thu hoạch được nhiều hơn hợp đồng, họ cũng thu mua hết, cứ miễn là đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn là họ OK luôn”.

Tuệ Khanh – vnmedia.vn


TOP