Nam Định: Nước mắt nữ phạm nhân cả một đời trống trải

Nam Định: Nước mắt nữ phạm nhân cả một đời trống trải

Có ba người con thì 2 đứa vào tù, đứa sống bên ngoài thì không nhìn nhận mẹ khiến cho Phạm Thị Nghĩa, SN 1946, trú tại phường Năng Tĩnh, TP Nam Định, tỉnh Nam Định xót xa. Gần chục năm cải tạo, Nghĩa chẳng có người thân đến thăm cho dù trại giam chỉ cách nhà vài chục cây số.

Thế nên vừa nghe nhắc đến gia đình, đôi mắt phạm nhân Phạm Thị Nghĩa đã đỏ hoe. Nghĩa bảo cũng vì vun vén gia đình, vì nặng gánh chăm con đi tù, nuôi đàn cháu nheo nhóc mà “nhắm mắt đưa chân”, đâu ngờ…

Bước ngoặt cuộc đời của người đàn bà cả đời nghĩ đến gia đình

“Tôi có 3 người con nhưng cuối cùng chẳng được nhờ đứa nào”, Phạm Thị Nghĩa bắt đầu kể về gia đình mình với thái độ cố kìm nén cơn thổn thức. Từ lúc bước chân vào hội trường, Nghĩa đã khóc, liên tục đưa vạt áo lên chùi mắt.

SN 1946, cuộc sống của Phạm Thị Nghĩa gần như gắn trọn cả đời với khu tập thể 3 tầng số 20 Trần Huy Liệu, phường Năng Tĩnh, TP Nam Định. Trình độ văn hóa thuộc diện xóa mù, nhà lại không có nghề buôn bán, buộc Nghĩa phải bám lấy chợ Cửa Trưởng để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Ba đứa con là cả một gánh nặng với người đàn bà không nghề nghiệp khiến cho Nghĩa lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Hỏi Nghĩa làm nghề gì để ra tiền, lúc thì Nghĩa bảo buôn bán rau quả nhưng sau đó lại bảo chạy chợ nhì nhằng, gặp gì buôn nấy. Hỏi bà ta về chồng có giúp gì trong việc nuôi dạy con, Nghĩa lảng tránh, không một lời nhận xét.

“Tôi quá vất vả trong việc kiếm tiền nuôi con. Anh chị em cũng có nhưng mỗi nhà mỗi cảnh nên chẳng ai hỗ trợ được gì cho nhau”, Nghĩa kể. Bà ta chỉ nói rằng vì kinh tế gia đình khó khăn lại sống trong môi trường phức tạp về tệ nạn xã hội nên hai đứa con của Nghĩa sớm hư hỏng. Chúng nghỉ học sớm, làm gì ra tiền để ăn tiêu, Nghĩa không biết vì từ sáng sớm đến tối mịt, suốt ngày bươn chải ngoài chợ. Mãi tới khi cả hai bị bắt vì mua bán ma túy, Nghĩa mới té ngửa.

Hai con lập gia đình nhưng cũng chỉ quanh quẩn khu trước khu sau với vợ chồng Nghĩa. Thế nhưng chúng làm gì, Nghĩa chẳng mấy khi để ý và cũng có thể bà ta biết nhưng cố giấu vì không muốn bóc trần sự thật về gia đình mình cho chúng tôi biết. Khi hai đứa con vào tù vì buôn ma túy, gánh nặng cơm áo lại càng đè nặng thêm trên đôi vai Nghĩa khi phải cưu mang thêm mấy đứa cháu.

Theo tài liệu điều tra, khoảng 18g ngày 10-11-2010, tổ công tác phòng cảnh sát ma túy CA tỉnh Nam Định đang làm nhiệm vụ trên đường Phan Bội Châu, phường Trần Đăng Ninh, TP Nam Định, phát hiện Phạm Thị Nghĩa có biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Nghĩa giấu trong người một cục heroin có trọng lượng 36,35g (tương đương 1 cây heroin).

Theo lời khai của Nghĩa thì bà ta được một thanh niên đặt mua 1 cây heroin với giá 18,5 triệu đồng. Nghĩa đã đi bộ ra đường Trần Huy Liệu mua số ma túy trên của một phụ nữ không quen biết với giá 18 triệu đồng. Sau khi mua được, Nghĩa cầm về nhà, khi đi đến đường Phan Bội Châu thì bị phát hiện. Với hành vi trên Nghĩa bị TAND tỉnh Nam Định xử phạt 16 năm tù giam, thi hành án ở trại giam Ninh Khánh. Lúc bị bắt, Nghĩa 65 tuổi.

Phạm nhân Phạm Thị Nghĩa trong trại giam. Ảnh: Đức Hùng

Chồng làm ngơ, con gái không nhìn nhận

Kể từ ngày vào trại giam cải tạo, Phạm Thị Nghĩa chưa một lần được người thân tới thăm nuôi. Mỗi khi nghe tiếng cán bộ gọi ai đó cùng buồng giam ra gặp gia đình, Nghĩa lại trào nước mắt. Bà ta bảo không ngờ mình lại rơi vào hoàn cảnh bi đát như vậy.

“Những người khác nhà xa đã đành đằng này nhà tôi gần đây, cách có mấy chục cây số. Các con tôi đều ở TP, không thành đạt thì cũng có chút ít ăn học vậy mà chúng nỡ không nhìn mặt tôi. Chúng nghĩ tôi làm chúng nhục nhã, tai tiếng. Tôi cũng khổ lắm chứ.…”, Nghĩa sụt sịt. Tôi bảo bà ta nếu ai cũng làm điều vi phạm pháp luật rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh túng thiếu thì thật không thể chấp nhận được. Có những người khổ hơn nhiều, họ còn ốm đau bệnh tật, thậm chí có người còn khiếm khuyết, tàn tật vậy mà vẫn cố kiếm sống một cách lương thiện, trong sạch.

Tôi bảo Nghĩa không nên oán trách con cái vì chắc chắn họ cũng có nỗi khổ tâm khó nói. Nghĩa lắc đầu quả quyết: “Khó gì chứ, tôi là mẹ chúng, phận làm con không có quyền chọn mẹ tốt, mẹ xấu, có sao phải chịu vậy”. Có thể ngoài miệng Nghĩa cố tình nói “cứng” vậy để che giấu nỗi chua chát trong lòng. Đúng như suy nghĩ của chúng tôi, chỉ một lúc sau, Nghĩa đã òa lên khóc.

“Tôi già rồi, sống chẳng biết được bao lâu nữa, ăn uống cũng chẳng đòi hỏi gì, chỉ mong tình cảm của con cháu. Gần chục năm rồi chúng chẳng đoái hoài gì tới người mẹ này, nghĩ mà tủi quá”, Nghĩa thốt lên.

Mỗi năm vào dịp cuối năm, lễ Tết, nhìn các bạn tù hớn hở nhận quà của người thân gửi vào, Nghĩa lại hy vọng để rồi sau đó là thất vọng và đắng cay. Chồng không ngó ngàng, Nghĩa biện minh vì “ông ấy già cả ốm đau” nhưng còn đứa con, còn mấy đứa cháu thì Nghĩa chỉ biết khóc thầm. Thương hai đứa con đang ở tù, Nghĩa lại thấy tội nghiệp cho mấy đứa cháu đang vất vưởng ở nhà, không biết giờ sống thế nào. Rồi Nghĩa tự trách mình vì quá túng thiếu mà mờ mắt trước những lợi nhuận phi pháp.

Người già thường ít ăn, ít ngủ, Nghĩa càng ít ngủ hơn. Bà ta bảo đêm đêm, mỗi khi đặt lưng xuống chiếu, hơi lạnh từ sàn xi măng như nhắc nhở Nghĩa về trách nhiệm của một người vợ, người mẹ và người bà trong gia đình. Nước mắt ân hận, day dứt lại rỉ ra, Nghĩa chỉ dám khóc thầm vì sợ làm mất giấc ngủ của những người xung quanh.

“Lắm lúc tôi cũng nghĩ có khi tại mình mà giờ mọi trách nhiệm nuôi chồng, nuôi cháu đẩy hết lên vai cô con gái nên nó hận tôi, nó không nhận mẹ. Thực lòng thì tôi thương nó lắm, chẳng muốn nó vất vả đâu, chỉ mong con hiểu và tha lỗi cho tôi”, Nghĩa nói rồi lại khóc.

Nhìn phạm nhân Phạm Thị Nghĩa với mái tóc bới gọn gàng, khuôn mặt có phần “phúc hậu”, nhưng chẳng ai nghĩ đó là người mà cuộc sống chứa nhiều uẩn khúc đến vậy. Phạm nhân Phạm Thị Nghĩa bảo rằng, chỉ mong một ngày gần đây, các con và gia đình nghĩ lại, tha thứ và lên thăm mình một lần, để bà có động lực để sống tiếp và phấn đấu cải tạo để quay về…

Nguyễn Vũ – Đức Hùng
(phapluatxahoi.vn)


TOP