Nam Định Thu tiền triệu từ khai thác 'lộc biển'

Nam Định Thu tiền triệu từ khai thác ‘lộc biển’

Những ngày này, ngư dân các huyện ven biển tỉnh Nam Định đang bước vào mùa khai thác, chế biến sứa – loại hải sản được xem là “lộc biển” đã mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nơi đây.

Chuyển sứa từ thuyền lên bờ.

Ra biển thu tiền triệu

Vào mùa khai thác, chế biến sứa tại bãi biển, cảng cá ở các huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy luôn nhộn nhịp, tấp nập. Không khí làm việc khẩn trương, hối hả dường như không có khái niệm ngày và đêm. Dưới bến những con thuyền đầy ắp sứa thay nhau vào, ra. Trên bờ, hàng chục công nhân vẫn cần mẫn phân loại, sơ chế sứa để kịp cho những chuyến hàng đưa đi tiêu thụ.

Tại cửa biển thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, vừa trở về sau chuyến ra khơi đánh bắt sứa biển, ông Nguyễn Văn Minh ở xã Hải Triều, huyện Hải Hậu vui vẻ cho biết, các thuyền thường ra khơi từ rạng sáng để kịp giờ con nước lên, ra cách bờ từ 6 – 12 hải lý mới bắt đầu thả lưới đánh bắt sứa. Trung bình mỗi thuyền đánh bắt được từ 300 – 500 con sứa biển. Hiện mỗi con sứa tươi bán với giá 10.000 đồng/con, tính ra mỗi chuyến thu được 2 – 4 triệu đồng.

Sơ chế sứa tại một cơ sở chế biến thuộc thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định).

Ông Minh cho biết, khoảng năm 2019 trở về trước, có thời điểm giá sứa lên tới 25.000 đồng/con, thu nhập mỗi ngày của ngư dân có thể đạt gần 10 triệu đồng. Hiện nay, giá sứa chưa bằng một nửa các năm trước, song bù lại lượng sứa nhiều, con sứa to, trữ lượng đánh bắt tăng nên thu nhập từ khai thác sứa vẫn đảm bảo.

Ông Nguyễn Văn Tiên ở xã Hải Triều, huyện Hải Hậu chia sẻ, việc khai thác sứa rất đơn giản, chỉ cần một chiếc thuyền, bè, lưới và những người có kinh nghiệm đi biển. Từ tháng 2 – 4 âm lịch là mùa sứa sinh sản cũng là chính vụ ngư dân đánh bắt. Sứa kết thành từng mảng lớn trôi dạt trên mặt nước nên việc khai thác khá dễ dàng. Mùa sứa chỉ kéo dài vài tháng nên phải tranh thủ thời gian khai thác. Công việc này khá vất vả, nhưng mỗi chuyến ra khơi ngư dân sẽ có ngay tiền triệu.

Trắng đêm sơ chế sứa

Sứa được ngâm bảo quản trong các bồn muối khoảng 25 độ mặn chờ xuất bán.

Tại cơ sở sơ chế, chế biến sứa của gia đình ông Phạm Văn Tuyến, khu 19, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, các công nhân làm việc không kể ngày đêm, cả sân bê tông rộng hàng trăm m2 lúc nào cũng đầy ắp những con sứa trắng tinh chờ cắt, rửa vì các thuyền chở sứa về liên tục. Đây là một trong những cơ sở thu mua, sơ chế sứa lớn tại huyện Hải Hậu nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung.

Ông Tuyến cho hay, để đảm bảo chất lượng sản phẩm sứa đòi hỏi quy trình từ khâu sơ chế phải hết sức chặt chẽ. Ban đầu, con sứa được rửa sạch, thái nhỏ độ dày khoảng 2 – 3cm, sau đó đưa vào các bể quay rửa lại, đánh sạch nhớt, ép bớt nước. Sau khi được làm sạch, miếng sứa trong suốt, đạt độ giòn nhất định sẽ được các cơ sở chế biến thu mua làm nguyên liệu sản xuất các món ăn hoặc bán cho các thương lái chuyển đi Trung Quốc.

Những năm gần đây, người dân ưa dùng các sản phẩm chế biến từ sứa như: nộm sứa, sứa ăn liền nên nghề đánh bắt và chế biến sứa phát triển mạnh, mang lại thu nhập cao cho ngư dân.

Vụ sứa năm 2020, cơ sở của gia đình ông xuất bán trên 2.000 thùng sứa. Với giá bán trung bình 150.000 đồng/thùng, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng. Hiện cơ sở này có gần 40 công nhân làm việc, sơ chế từ 15.000 – 20.000 con sứa/ngày. Thu nhập của công nhân từ 500.000 – 700.000 đồng/người/ngày.

Sứa sau khi cắt nhỏ được đưa vào các bể quay rửa giúp đánh sạch nhớt và ép bớt nước.

Tỉnh Nam Định hiện có 31 cơ sở chế biến sứa. Năm 2020, năng suất chế biến sứa đạt gần 430 tấn thành phẩm. Sản phẩm sứa sau khi sơ chế được bảo quản ở 25 độ mặn, làm nguyên liệu chế biến các món: nộm sứa, gỏi sứa… được thị trường ưa chuộng.

Những năm gần đây, sứa biển đã trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Nam Định. Điển hình là sản phẩm sứa biển ăn liền của Công ty cổ phần chế biến hải sản Nam Định và Công ty TNHH Vạn Hoa, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Nam Định năm 2020.

Tags:

TOP