Câu chuyện lòng dân ở tỉnh Nam Định thời gian qua được nhiều người nhắc đến. Ở đó rất nhiều hộ gia đình sẵn sàng hiến, góp rất nhiều đất thổ canh, thổ cư, chung sức cùng nhà nước làm nên những con đường to đẹp, hiện thân của phát triển, thịnh vượng…
Dỡ nhà, hiến góp đất vì lợi ích chung
Ngang qua các thôn Thượng, Ngưu Trì, Thanh Khê của xã Nam Cường (Nam Trực, Nam Định)- nơi có con đường nối Tỉnh lộ 490 với Tỉnh lộ 488 chạy qua, chúng tôi nhận thấy làng quê ngổn ngang đất, đá. Ông Phạm Chu Trinh- nguyên bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận thôn Ngưu Trì hồ hởi cho biết con đường do tỉnh đầu tư kinh phí sắp được thi công mở rộng, nâng cấp, thời gian qua những hộ dân sinh sống ven đường lo tháo dỡ những công trình thuộc phạm vi giải tỏa để phục vụ thi công.
Theo ông Trinh, dọc tuyến đường có khoảng 150 hộ phải giải tỏa, riêng thôn Ngưu Trì có hơn 60 hộ. Điều đáng nói là ngoài tự nguyện tháo dỡ công trình, toàn bộ phần đất nằm trong sổ đỏ của các gia đình thuộc phạm vi giải tỏa, nhà năm mét, nhà mười mét, nhà hai mươi mét…đều được các hộ dân hiến, góp cho dự án.
Qua câu chuyện của ông Trinh, chúng tôi còn được biết, trong số 60 hộ của thôn Ngưu Trì phải giải tỏa, có ba hộ là hộ ông Việt, ông Thảo, ông Lợi phải tháo dỡ cả những ngôi nhà mái bằng kiên cố. Để đỡ phần thiệt thòi cho ba hộ trên, họp bàn cả thôn Ngưu Trì thống nhất tất cả các hộ còn lại trong thôn đóng góp thêm một khoản tiền, tổng cộng được hơn 1 tỷ đồng giúp 3 hộ trên xây sửa lại nhà ở. Ông Chinh tâm sự: “Ban đầu chúng tôi cứ nghĩ việc lớn, liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của bao nhiêu người sẽ rất dễ phát sinh mâu thuẫn nhưng cuối cùng rất mừng, vì lợi ích chung, mọi người, mọi nhà đều đồng thuận. Giờ thì cả thôn, cả xã cùng chung niềm vui sắp có đường mới”.
Hiến đất cho cả quốc lộ, tỉnh lộ
Mang câu chuyện người dân xã Nam Cường hiến, góp đất làm đường trò chuyện cùng ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định, ông phấn khởi cho biết đó chỉ là một trong rất nhiều dự án giao thông của tỉnh được thực hiện thành công, tiết kiệm rất nhiều chi phí nhờ được người dân ủng hộ bằng việc hiến, góp đất. Ông chia sẻ, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế-xã hội là chủ trương, mục tiêu có tính chiến lược, là khát khao không chỉ của riêng tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, mong muốn là như vậy nhưng trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, làm thế nào có đủ kinh phí để hiện thực hóa mục tiêu cần thiết nhưng tốn kém này là bài toán rất khó giải với hầu hết các địa phương, trong đó có tỉnh Nam Định. Chỉ vì kinh phí khó khăn, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm chưa thể triển khai hoặc bị dang dở. Trong bối cảnh đó, tỉnh Nam Định chủ trương phát triển hạ tầng giao thông theo phương châm xây dựng “nông thôn mới”, cụ thể là nhân dân góp đất, nhà nước đầu tư kinh phí làm đường…
“Chúng tôi rất mừng vì qua công tác thông tin, tuyên truyền, vận động chủ trương, cách làm này của tỉnh đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân ở nhiều xã, huyện trong tỉnh. Có thể nói đây là yêu tố quyết định, không có sự ủng hộ này của người dân, chắc hẳn bộ mặt giao thông của Nam Định không được như hôm nay!” – Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định nhìn nhận.
Ông dẫn chứng: hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân ở khắp các thôn xóm trong tỉnh đã hiến, góp cho làng, cho xã, cho xứ đạo đến gần 3.200 ha đất (2.916 ha đất nông nghiệp; 242 ha đất thổ cư) cùng nhiều ngày công để phục vụ việc xây dựng các công trình hạ tầng của địa phương, nhiều nhất là cho việc mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông thôn xóm. Có những hộ như gia đình ông Vũ Ngọc Lân ở xã Hải Chính (Hải Hậu) hiến đến 200 m2 đất thổ cư phục vụ việc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch nông thôn mới của xã.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, dựa vào sức dân, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo, làm mới được gần 5.500 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, giá trị số đất, ngày công người dân đã hiến, góp quy ra tiền lên tới trên 6000 tỷ đồng (gần bằng số thu ngân sách của tỉnh trong 2 năm). Đến nay, 100% số xã, thị trấn trong tỉnh đã có đường ôtô đến trung tâm. Tỷ lệ đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, xóm của tỉnh được bê tông hóa, nhựa hóa đã đạt tới trên 80%…
Không chỉ hiến, góp đất cho làng, cho xã để làm đường giao thông nông thôn, thời gian qua, nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh còn hiến, góp một lượng lớn đất phục vụ việc làm mới, mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn. Có gần 5.300 hộ dân ở 30 xã, thị trấn thuộc các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thủy đã hiến, góp tổng cộng 258.000m2 đất, giúp dự án giảm chi phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Ở dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 38B, 1.600 hộ dân ở 16 xã, phường, thị trấn của TP Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình. Ở dự án nâng cấp tỉnh lộ 488C (đường phòng chống lụt bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ven biển) có gần 2.200 hộ tự nguyện hiến, góp 70.000m2 đất, tháo dỡ hàng nghìn vật kiến trúc, lều lán, công trình cùng cây cối, hoa màu. Tương tự, ở dự án mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 488B (nối từ Quốc lộ 21 đến Quốc lộ 37B), rồi dự án tỉnh lộ 488C (dài 21 km, qua địa bàn các huyện Nam Trực, Trực Ninh)…cũng được thực hiện theo phương châm, cơ chế “nông thôn mới”, nghĩa là các hộ dân thuộc diện giải tỏa đều tự huyện hiến, góp đất, tháo dỡ công trình, không nhận đền bù.
Lòng đường và lòng dân
Cùng chia sẻ về câu chuyện lòng dân trong việc hiến đất, ông Đặng Xuân Hùng- chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nam Định nhìn nhận: trên thực tế, không phải ở địa phương nào, ở dự án nào người dân cũng vui vẻ hiến, trả, góp đất. Đây là tâm lý rất dễ hiểu, đơn giản đất đai là tài sản quý, pháp luật quy định đất đai được nhà nước thu hồi để làm các công trình hạ tầng công cộng thì được đền bù. Câu hỏi đầu tiên của người dân có đất phải thu hồi là được đền bù bao nhiêu tiền? Vậy nên, ở các dự án không có kinh phí đền bù không tránh khỏi việc người dân thắc mắc, suy bì. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động ở các dự án này rất quan trọng, phải làm sao giúp người dân nhận thức được lợi ích to lớn của việc hiến, góp đất làm đường, thấy được trong lợi ích chung có cả lợi ích riêng…
“Xác định rõ như vậy nên các cấp chính quyền ở Nam Định, trong đó có tổ chức Mặt trận luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, giải thích. Đi liền với đó là động viên, phát huy vai trò gương mẫu của gia đình các cán bộ, đảng viên; tranh thủ tiếng nói của những người có uy tín trong công đồng, chức sắc các tôn giáo. Kết quả phong trào hiến đất làm đường ở Nam Định thời gian qua cho thấy, nếu có chủ trương, cách làm phù hợp, đúng đắn, vì lợi ích chung chắc chắn sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ, xưa cũng thế, nay cũng thế. Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, việc người dân hiến, góp hàng trăm, hàng nghìn m2 đất cho xã hội như vậy, rất đáng trân trọng. Có thể nói trong lòng mỗi con đường ở Nam Định hôm nay đều có lòng dân trong đó”- ông Đặng Xuân Hùng chia sẻ.
Trần Duy Hưng( đại đoàn kết)
- Hình ảnh của Hội đồng hương Nam Định về thăm Tp quê hương
- Phế tích Tháp Chương Sơn- Di tích quốc gia
- Chị cô dâu trong đám cưới ‘khủng’ 100 cây vàng ở Nam Định từng rước dâu bằng máy bay
- Hải Hậu: Nét độc đáo khác lạ
- Nhà thờ đổ Hải Lý – Dấu ấn cuộc chiến chống nạn xâm thực
- Nam Định: Tương lai mịt mờ của ba trẻ mồ côi cha mẹ
- Chùa Cổ Lễ Nam Định – Mảnh đất văn hóa , Cách Mạng
- Nhà thờ cổ hơn 130 tuổi tại Nam Định tan hoang sau vụ hỏa hoạn giữa đêm
- Dấu ấn văn hóa thời Trần ở Nam Định
- Tên trộm “ngáo đá”, leo lên nóc bệnh viện đòi tự tử
- Ý Yên: Con rể đâm chết bố vợ, làm vợ và mẹ vợ trọng thương trong ngày mùng 4 Tết
- Ý Yên-Nam Định: Thêm hai người chết trên đường ray tàu hỏa
- MÓN NGON NGÀY TẾT: Cá bống bớp 300.000 đ/kg được chị em “săn” ăn Tết
- Nhà thờ Giáo xứ Trung Linh giáo phận Bùi Chu
- Về thăm nhà, nam thanh niên mất tích bí ẩn khi trở lại công ty làm việc
- Nam Định: Hạ độ cao 22 điểm hàng rào ngăn cách đường bộ-đường sắt
- Thịt chó Cầu Vòi và những thương hiệu thịt chó đất Bắc mềm lòng dân nhậu
- Lịch trình cho hai ngày xả hơi ở Hải Hậu – Nam Định
- Giang hồ xăm trổ chửi bới người qua trạm BOT Nam Định là ai?
- Cận cảnh đoàn motor “khủng” tiễn đưa Trần Lập về đất mẹ
- Làng nghề nấu rượu Kiên Lao Nam Định
- Tập đoàn Hương Sen trao quà ngày tựu trường tại Nam Định