Nhà máy nhiệt điện Nam Định được rót vốn mạnh tay hơn 2 tỷ USD

Nhà máy nhiệt điện Nam Định được rót vốn mạnh tay hơn 2 tỷ USD

Ngành điện thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách gia tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu trong nước. Sản xuất, phân phối điện, khí và nước năm nay vươn lên là nhóm ngành thu hút vốn lớn thứ hai với 8,4 tỉ đô la Mỹ, tăng vọt so với 132 triệu đô la Mỹ năm 2016.

Thông qua hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư đã rót 8,4 tỉ đô la Mỹ vào sản xuất, phân phối điện, khí, nước – nhóm ngành đang dần cởi mở và cần rất nhiều vốn để phát triển theo quy hoạch điện lực quốc gia.

13 dự án trong ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước được cấp phép trong năm nay, trong đó một số dự án có quy mô hàng tỉ đô la Mỹ như nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 (vốn đầu tư 2,79 tỉ đô la Mỹ), nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 (2,58 tỉ đô la Mỹ), nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 (2,07 tỉ đô la Mỹ).

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất khi chiếm 44% tổng vốn đầu tư đăng ký trong năm nay. Tuy nhiên lĩnh vực chính thúc đẩy lượng vốn đạt kỷ lục là ngành sản xuất, phân phối điện, khí, nước. (Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài)

Việt Nam dự kiến phát triển hệ thống điện với tổng công suất đạt 75.000 MW vào năm 2020. Cho đến cuối năm 2016, tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam mới đạt 41.424 MW, theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) – doanh nghiệp sản xuất điện lớn nhất cả nước.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia do Thủ tướng phê duyệt cho thấy Việt Nam cần khoảng 930 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư cho toàn ngành điện từ năm 2011 đến năm 2020, trong đó vốn đầu tư vào nguồn điện cần gần 620 nghìn tỉ đồng.

Nguồn cung điện năng được dự đoán sẽ chỉ tạm đủ để đáp ứng nhu cầu điện trong năm 2017 và khó đáp ứng đủ nhu cầu điện của nền kinh tế trong năm 2018, theo nghiên cứu của Công ty chứng khoán ngân hàng ngoại thương Việt Nam (VCBS). VCBS dự báo nhu cầu điện năng sẽ tăng trưởng 10,7% mỗi năm trong vài năm tới.

Cùng với kế hoạch phát triển ngành điện, Nhà nước cũng lên kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này. PV Power, doanh nghiệp điện lớn thứ hai cả nước dự kiến sẽ chào bán cổ phần lần đầu tiên (IPO) vào ngày 31.01.2018.

Nhà nước sẽ bán ra 20% vốn điều lệ trong đợt IPO có quy mô trên 6.700 tỉ đồng này. Sau khi bán tiếp 29% vốn cho nhà đầu tư chiến lược, Nhà nước sẽ giảm tỉ lệ sở hữu tại PV Power xuống còn 51%.

Chính phủ cũng đã phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa các tổng công ty phát điện trực thuộc EVN gồm Genco 1, Genco 2 và Genco 3 trong thời gian tới với tỷ lệ nắm giữ của EVN ít nhất 51% và tiến tới thoái tiếp phần vốn nhà nước xuống dưới mức chi phối.

Nền kinh tế Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với mức tăng trưởng kỷ lục năm 2017, vượt 6,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng kí và thực hiện năm nay đều ghi nhận những con số kỉ lục, lần lượt đạt 35,9 và 17,5 tỉ đô la Mỹ, theo số liệu do Cục đầu tư nước ngoài – Bộ kế hoạch đầu tư công bố hôm 26.12.


Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam năm 2017 đạt mức kỷ lục 35,9 tỉ đô la Mỹ. Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài

Theo( Forbesvietnam )


TOP