Nhà thờ Trái tim: Khi hoang tàn thành chốn rong chơi

Nhà thờ Trái tim: Khi hoang tàn thành chốn rong chơi

Những con sóng ngày xưa đã biến nhà thờ đổ thành chốn hoang tàn. Giờ chốn hoang tàn ấy lại thành chỗ rong chơi.

Nam Định nổi tiếng món phở. Tôi đã ăn tô phở 10 Lý Quốc Sư và không thể nào không khen. Nam Định có những con đường rất nhỏ và có con phố cổ.

Và Nam Định còn có rất nhiều nhà thờ, những nhà thờ mang một kiến trúc riêng khiến cho bất cứ ai khi đến Nam Định cũng ghé qua. Độc đáo hơn, Nam Định có một nhà thờ hoang tàn, đổ sụp.

Vùng biển Hải Lý là vì nước biển xâm lấn khiến cho các công trình xây dựng vùng biển này bị sụp đổ, trong đó có nhà thờ Trái tim. Ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Sự hoang tàn và đổ sụp ấy không phải bởi chiến tranh, mà do thiên tai và sự xâm thực của biển cả. Tên gọi của người dân cho ngôi nhà thờ đó rất gọn: Nhà thờ đổ Hải Lý (nhà thờ bị đổ nằm ở Hải Lý).

Thực ra thì nhà thờ có tên là nhà thờ Trái tim hay nhà thờ thánh Maria Madalena được xây dựng từ năm 1943 bởi những kiến trúc sư người Pháp với mục đích dùng làm nơi giảng đạo và đi lễ của người Công giáo trong khu vực.

Nhiều người lặn lội đường đi, chỉ đến vùng biển Hải Lý này để xem một phế tích. Ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Tiếng đồn vẻ đẹp của nhà thờ đổ Hải Lý tôi nghe từ lâu. Đó là câu chuyện một ngôi nhà thờ cổ kiến trúc rất đẹp, nằm ven bờ biển Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định.

Vùng biển Hải Lý là vì nước biển xâm lấn khiến cho các công trình xây dựng vùng biển này bị sụp đổ, trong đó có nhà thờ Trái tim.

Vì bị đổ sụp và bao quanh là nước biển nên nhà thờ không còn có thể khôi phục, thế là một nhà thờ khác được xây dựng lùi vào trong, còn nhà thờ đổ thì để mặc thời gian tàn phá.

Bức tường còn lại của nhà nhờ. Ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Câu chuyện chỉ có vậy thôi, không ly kỳ, chỉ thêm một tí là sự hoang tàn của một kiến trúc tôn giáo bỗng trở thành nơi tìm đến của bao người. Họ lặn lội đường đi, chỉ đến vùng biển Hải Lý này để xem một phế tích. Nay vì sự tìm kiếm của bao nhiêu bước chân, nhà thờ đổ Hải Lý đã được gia cố nền và có rào chắn bảo vệ, bao quanh hằng ngày mặt trời mọc rồi lặn, có khi nước biển giận hờn bắn tung lên.

Chúng tôi làm cuộc hành trình đến ngôi nhà thờ hoang tàn cách Nam Định 40 km. Cách đi cũng đơn giản, đến trung tâm huyện Hải Hậu, hỏi người dân đường ra thị trấn Cồn, tới đây có biển chỉ dẫn: Văn Lý 3 km. Tiếp tục đi theo biển chỉ dẫn đã nhìn thấy nhà thờ đổ từ xa, chen cùng hàng quán buôn bán. Rẽ vào con đường nhỏ là vào thẳng bãi xe, nơi này đi bộ tới nhà thờ chừng 50 m.

Chốn hoang tàn ấy khách tới nhiều quá, cho nên hàng quán bày giăng đầy đón khách. Bởi đây chỉ là một làng chài, không phải là điểm du lịch, cho nên hàng quán đã che khuất tầm nhìn, nhà thờ đổ nằm lọt thỏm bên trong. May mà còn có một vành đai để nhìn thấy biển vỗ.

Hàng quán được bày bán khu vực nhà thờ để phục vụ khách rong chơi. Ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Chúng tôi vượt qua hàng quán, leo qua rào chắn để tránh xe máy vào trong nhà thờ. Ở đó, rất đông du khách đã tìm tới, ngắm nhìn và chụp ảnh.

Và quả thật ngôi nhà đổ trong cảnh hoang toàn, sừng sững giữa biển cả mênh mông ấy là một vẻ đẹp kiêu hãnh, làm nao lòng người.

Và nếu gọi là thắng cảnh thì có gì đâu ngoài những vết tích biển dâu. Một bức tường còn nguyên, mặt trước nhà thờ chồm lên cao.

Biển dâu và có lẽ những cánh cửa đã bị tháo dỡ nên chỉ còn sự hoang phế. Màu gạch hồng, màu thời gian bám đen ấy tạo ra một vẻ đẹp lạ. Có cả dấu vết của những viên gạch vỡ như còn lại chút gì đó gợi nhớ.

Người dân địa phương rất hồn nhiên với những người khách lạ, bởi họ quá quen với những bước chân người tìm đến giữa chốn hoang tàn. Ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Lạ là khách đến nhà thờ đổ Hải Lý rất đông, họ ngắm nhìn, họ đi vào và chạm vào như thể muốn níu lại chút gì của trăm năm.

Một số khác lại ngồi nhìn sóng biển, xa xa là những con thuyền của biển Hải Lý đang nhộn nhịp công việc của mình. Tôi lách qua những hàng quán, đi trên bờ cát ra bãi biển.

Những ngư dân nơi này đang dọn lưới, đang vá lưới và chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Họ hồn nhiên cười với những người khách lạ, bởi họ quá quen với những bước chân người tìm đến giữa chốn hoang tàn.

Còn ngoài khơi kia, sóng biển hiền hòa phủ bờ cát trắng, như chúng chưa từng làm một cuộc biển dâu. Những con sóng ngày xưa đã biến nhà thờ đổ thành chốn hoang tàn. Giờ chốn hoang tàn ấy lại thành chỗ rong chơi.

Theo Khuê Việt Trường (Pháp luật TP HCM)


TOP