Ngành Ngân hàng Nam Định: Theo sát các động lực kinh tế của tỉnh

Ngành Ngân hàng Nam Định: Theo sát các động lực kinh tế của tỉnh

Những kết quả chung của tỉnh đã đạt được trong năm qua có sự góp sức quan trọng của ngành Ngân hàng. Trong đó, các đóng góp nổi bật được thể hiện ở chính kết quả hoạt động tích cực của hệ thống các TCTD trên địa bàn…

Đến Nam Định một ngày đầu năm 2018, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự chuyển mình nhanh chóng của địa phương nằm ở phía Nam Đồng bằng sông Hồng này. Sự vươn lên mạnh mẽ của Nam Định trong mấy năm trở lại đây có thể nói là nhờ kết hợp phát triển hài hoà giữa công nghiệp, dịch vụ, song cũng không quên thế mạnh về nông nghiệp, nông thôn.

Hoà chung nhịp phát triển của tỉnh, ngành Ngân hàng Nam Định đã luôn giữ vững vị thế là kênh dẫn vốn chủ lực, đưa nguồn vốn tín dụng vào vận hành hiệu quả tất cả các động lực kinh tế của tỉnh.

Thành phố Nam Định nhìn từ trên cao

Nguồn lực thay đổi diện mạo địa phương

Với cơ cấu kinh tế đa dạng, phát triển nhiều ngành nghề, lĩnh vực song đều vươn lên bền vững, diện mạo kinh tế Nam Định đang hứa hẹn sẽ có nhiều đổi thay với một loạt dự án trọng điểm đang được triển khai, như Nhà máy nhiệt điện Nam Định giai đoạn I, tổng vốn đầu tư gần 2,5 tỷ USD, dự án Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông… hứa hẹn thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, đồng thời là sự chuẩn bị tốt nhất để Nam Định đón làn sóng đầu tư khi một loạt các hiệp định thương mại tự do được thông qua. Đồng thời với phát triển công nghiệp thì tỉnh phấn đấu sớm trở thành tỉnh Nông thôn mới trước năm 2020.

Với các mục tiêu và động lực mạnh mẽ đó, đồng chí Ngô Gia Tự, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, năm 2017 vừa qua, tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh thuận lợi chung nhưng cũng đan xen nhiều vấn đề đặc biệt khó khăn.

Theo đó, Nam Định bị ảnh hưởng trực tiếp của 3 cơn bão, gây thiệt hại nặng nề đối với hệ thống đê, kè xung yếu và sản xuất nông nghiệp; dịch bệnh trên lúa bùng phát trở lại sau 8 năm; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND; sự quản lý, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; cùng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, các DN và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn giữ được ổn định và có bước phát triển, đã có 19/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Kết quả đạt được là tốc độ tăng GRDP của tỉnh năm qua đạt 7%, trong khi bình quân cả nước 6,81%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,5%; giá trị xuất khẩu tăng 14%; thu ngân sách đạt hơn 4.000 tỷ đồng, vượt 7% dự toán năm… Đặc biệt tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư, do đó năm 2017 tổng số vốn thu hút được cao gấp 2 lần so với từ năm 2016 trở về trước. Đây sẽ là nguồn lực hỗ trợ rất tích cực để tạo sức bật cho kinh tế tỉnh Nam Định vươn lên mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Tuy nhiên, đồng chí Ngô Gia Tự cũng nhấn mạnh tới một nguồn lực bền bỉ khác đã theo sát các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Nam Định trong suốt nhiều năm qua, góp phần to lớn làm nên diện mạo của tỉnh hôm nay, đó là hệ thống ngân hàng. Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, những kết quả chung của tỉnh đã đạt được trong năm qua có sự góp sức quan trọng của ngành Ngân hàng. Trong đó, các đóng góp nổi bật được thể hiện ở chính kết quả hoạt động tích cực của hệ thống các TCTD trên địa bàn.

Cụ thể là tổng nguồn vốn huy động đạt 48.191 tỷ đồng, tăng 23,7%, tổng dư nợ cho vay đạt 47.587 tỷ đồng, tăng 20,3% (toàn quốc tăng 18,17%). Trong đó dư nợ cho vay hiện đang tập trung nhiều vào công nghiệp, xây dựng (chiếm tỷ trọng 41%) và thương mại, dịch vụ (tỷ trọng 36%), phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá của cả nước nói chung và tỉnh nói riêng. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.600 DN vay vốn. Với cơ cấu tín dụng hợp lý, hiện nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 0,7% tổng dư nợ cho vay.

Thành công còn thể hiện ở mạng lưới hoạt động của các TCTD trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng, trong năm qua đã tăng thêm 7 phòng giao dịch, 10 ATM. Đến nay toàn tỉnh đã có 19 chi nhánh TCTD cấp I, 41 quỹ tín dụng nhân dân, 14 chi nhánh NHTM cấp II, 4 đơn vị tổ chức tài chính vi mô, 105 phòng giao dịch, 2 quỹ tiết kiệm, 1 văn phòng đại diện và 172 ATM.

Cùng với các con số cụ thể trên, lãnh đạo tỉnh Nam Định đánh giá, hoạt động tín dụng được nâng cao cả về chất lượng và tính an toàn; các đối tượng cho vay và các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng, đã góp phần tích cực duy trì, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; thực thi có hiệu quả mục tiêu, chính sách của Chính phủ về ổn định thị trường tiền tệ và tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bám sát chủ trương, chính sách trọng điểm

Đánh giá về hoạt động của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn trong năm qua, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc NHNN Chi nhánh Nam Định chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của NHNN tỉnh, các TCTD trên địa bàn đã triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn và nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho phát triển kinh tế của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Ông Trần Mạnh Hùng cho biết, đối với tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các TCTD bám sát toàn bộ các chính sách trọng điểm như chương trình cho vay phát triển thủy sản mà trọng tâm là cho vay đóng tàu; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp; chương trình cho vay đối với chăn nuôi, thuỷ sản…

Đối với Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, đến nay các TCTD trên địa bàn đã kết nối được 302 DN, tổng giá trị cam kết đạt 5.960 tỷ đồng, trong đó cho vay mới 249 DN, số tiền cam kết 5.490 tỷ đồng; giảm lãi suất cho 53 DN, dư nợ được giảm lãi suất 470 tỷ đồng. Hiện các DN tham gia chương trình đều sử dụng vốn vay hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh.

Bên cạnh đó còn phải kể đến các chương trình cho vay hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội, như chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP; chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, NHNN đã chỉ định 4 NHTM nhà nước tham gia cho vay. Chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 2.589 tỷ đồng, tăng 175 tỷ đồng so với đầu năm…

“Trong năm 2017, NHNN tỉnh và các TCTD trên địa bàn đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn, tín dụng tăng trưởng tốt, mặt bằng lãi suất ổn định và giảm nhẹ, đã góp phần cùng toàn Ngành thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của tỉnh”, ông Trần Mạnh Hùng khẳng định.

Khép lại năm 2017 với những kết quả tích cực trong hoạt động ngân hàng nói riêng và kinh tế – xã hội của toàn tỉnh Nam Định nói chung, ông Ngô Gia Tự lưu ý, năm 2018 là năm nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành mục tiêu mà ngành Ngân hàng tỉnh Nam Định đề ra là tăng trưởng tín dụng phải đạt từ 18%-20%; Lãnh đạo tỉnh đề nghị Chi nhánh NHNN và các TCTD cần thực hiện tốt các nhiệm vụ đồng bộ.

Trước hết, NHNN tỉnh tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng; theo dõi, nắm rõ tình hình hoạt động của các NHTM, TCTD trên địa bàn để kịp thời xử lý hoặc đề nghị xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng; triển khai thực hiện tốt các chính sách tiền tệ, tín dụng và ngân hàng; bám sát mục tiêu, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ, NHNN Việt Nam.

Đối với các NHTM, TCTD, cần tập trung đảm bảo chất lượng tín dụng ở mức cho phép, nhưng không làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và phải phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh; chủ động kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, khẩn trương giải quyết nợ xấu. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung huy động vốn và cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu tháo gỡ về một số thủ tục cho vay, vận dụng các cơ chế chính sách linh hoạt để tạo điều kiện hỗ trợ cho các DN tiếp cận được vốn vay phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, với chi phí hợp lý…

Bên cạnh đó, NHNN tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các NHTM, TCTD thực hiện song song các vấn đề như tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động ngân hàng, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng, kinh doanh bất động sản và chứng khoán; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ; kiên quyết loại bỏ các thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN và hộ nông dân được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Đức Thành
(thời báo ngân hàng)


TOP