PGS Bùi Hiền lại trình làng Truyện Kiều bằng chữ "Tiếw Việt" cải tiến

PGS Bùi Hiền lại trình làng Truyện Kiều bằng chữ “Tiếw Việt” cải tiến

PGS.TS. Bùi Hiền, tác giả đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt cho biết, ông mất 10 ngày để viết lại Truyện Kiều bằng chữ cải tiến.

Một trích đoạn Truyện Kiều bằng chữ cải tiến

Sau những ngày bị dư luận “ném đá” về đề xuất cải tiến Tiếng Việt, PGS.TS.Bùi Hiền lại tiếp tục trình làng Truyện Kiều bằng chữ cải tiến.

Trao đổi với PV sáng 13/1, PGS Bùi Hiền cho biết, ông tập trung khoảng 10 ngày, mỗi ngày từ 8-10 tiếng là chuyển đổi xong 3524 câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Tác giả viết công trình cải tiến chữ viết tiếng Việt chia sẻ, ông không muốn phổ biến Truyện Kiều theo chữ cải tiến, mà chỉ coi đây là cách luyện tập, chứng tỏ việc chuyển thể sang chữ viết mới không hề gặp khó khăn nào cả.

“Sức tôi có hạn, năm nay tôi đã hơn 80 tuổi rồi nên không có đủ sức khỏe để nghiên cứu về cải tiến tiếng Việt nữa. Tôi viết Truyện Kiều bằng chữ cải tiến mới để tặng cho bạn bè thân thiết và để thấy cách chuyển đổi không có gì khó khăn cả”, PGS Bùi Hiền nói.

Tác giả viết công trình cải tiến chữ tiếng Việt cũng khẳng định, ông viết Truyện Kiều bằng chữ cải tiến không phải phá hoại văn hóa, phá hoại tác phẩm văn học nghệ thuật.

“Tôi không cải tiến Truyện Kiều, không cải tiến cách đọc. Tôi chỉ đổi giá trị âm vị, trừ một số chữ đổi hẳn về cách viết như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ). Những chữ này đổi về cách viết nhưng cách đọc văn bản Truyện Kiều vẫn như cũ”, PGS Bùi Hiền cho hay.

Bảng chuyển đổi hoàn chỉnh bảng chữ viết tiếng Việt của PGS.Bùi Hiền

Liên quan đến vấn đề cải tiến chữ viết tiếng Việt, PGS.TS Mai Xuân Huy – Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, ông không tin vào tính khả thi của đề xuất này.

“Cải tiến tiếng Việt để thu gọn 1 âm thành 1 chữ là hết sức máy móc. Bản thân xã hội không giống như 1 phép toán; bản thân văn học cũng không giống như 1 máy tính, kiểu gõ 1 cái ra 1 chữ.

Ngôn ngữ là phương tiện để thể hiện văn hóa, mà văn hóa thì không có khái niệm 1 là 1, càng không bao giờ có 1 nghĩa mà phải đa nghĩa để mọi người muốn tìm hiểu và khám phá nó”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho rằng, bản thân chữ Quốc ngữ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ hàng trăm năm nay nên nó không còn bất cập. Chữ cải tiến chỉ làm méo mó, mất đi sự lấp lánh, đa dạng trong văn chương, câu đối, chơi chữ…

Theo Diệu Thu (Dân Việt)


TOP