Sau khi bị tố "ăn tiền người chết", hàng loạt nhân viên đài hóa thân ở Nam Định nghỉ việc

Sau khi bị tố “ăn tiền người chết”, hàng loạt nhân viên đài hóa thân ở Nam Định nghỉ việc

39 nhân viên, công nhân tổ tầng 1, tầng 2, tổ hỏa lò của đài hóa thân hoàn vũ Nam Định bất ngờ nghỉ việc không rõ lý do, khiến công việc của đài hóa thân bị đình trệ sau sự việc bị tố có ổ nhóm bảo kê, “ăn tiền người chết”.

39 nhân viên nghỉ việc bất thường

Sau sự việc cơ quan công an bắt 3 đối tượng để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” sau tố cáo liên quan đến vụ “ăn chặn cả người chết” trong thực hiện dịch vụ tang lễ tại Nam Định. Mới đây, ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ tang lễ Hoàng Long, là đơn vị đầu tư, quản lý Đài hóa thân hoàn vũ tại Công viên nghĩa trang Thanh Bình (ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) cho biết, dịch vụ hỏa táng của công ty đã phải tạm dừng hoạt động từ hôm 8/5 vì 39 nhân viên, công nhân tổ tầng 1, tầng 2, tổ hỏa lò của đài hóa thân đã nghỉ việc không rõ lý do, khiến công việc của đài hóa thân bị đình trệ.

Sự việc hàng loạt nhân viên bỗng dưng nghỉ việc khiến đài hóa thân khó khăn trong việc vận hành. Nhiều dịch vụ đã nhận với người dân không thể thực hiện nên đành thông báo và hỗ trợ các trường hợp đi đến các địa phương lân cận để sử dụng dịch vụ.

Trước đó, đại tá Phạm Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Nam Định cho biết, sau khi điều tra thông tin về việc tại Nam Định xuất hiện tình trạng “ăn chặn cả người chết” trong dịch vụ hoả táng, Công an tỉnh Nam Định đã lập chuyên án 420C để điều tra về vụ việc này.

Liên quan đến 3 đối tượng bị bắt nêu trên, đại tá Phạm Văn Long cho biết: Các đối tượng bị bắt giữ gồm Nguyễn Hữu Quang (tức Quang con, 23 tuổi, trú tại xóm 5, xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, đã có 2 tiền án về tội cướp giật tài sản và huỷ hoại tài sản), Trần Xuân Hà (tức Hà sắc, 47 tuổi, trú tại 15/16 đường Kênh, phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định, đã có 2 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý) và Bùi Hải Quang (tức Quang Hà, 42 tuổi, trú tại 512 đường Giải Phóng, thành phố Nam Định).

Hồ sơ điều tra cho biết, Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long (đại chỉ tại xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) trong quá trình quản lý Đài hoả táng Thanh Bình đã ký hợp đồng độc quyền với Công ty Trường Dương (địa chỉ tại 496, đường Giải Phóng, thành phố Nam Định).

Sau khi ký hợp đồng với Hoàng Long, Công ty Trường Dương thông báo với các cơ sở hoả táng mức giá hoả táng là 5.500.000 đồng/ca (chênh cao hơn 1.200.000 đồng/ca so với giá hợp đồng Trường Dương đã ký với Hoàng Long có giá là 4.300.000 đồng/ca, có điều khoản không được tự ý nâng giá).

Đặc biệt, trong vụ án án này, điều tra của cơ quan công an cho thấy từ tháng 11/2019, 3 đối tượng Nguyễn Hữu Quang, Trần Xuân Hà, Bùi Hải Quang còn cùng với một số đối tượng khác xuống địa bàn huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu (thuộc tỉnh Nam Định) để đe doạ các cơ sở dịch vụ tang lễ phải thông báo khi nhận được các ca hoả táng và phải nộp thêm 500.000 đồng/ca.
Cơ quan Công an cũng xác định nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt 39.000.000 đồng của 5 chủ cơ sở tang lễ.

Cũng theo đại tá Phạm Văn Long, hiện Công an tỉnh Nam Định đang mở rộng điều tra vụ án này.

Xã hội đen, côn đồ lộng hành ăn tiền trên thân xác người chết

Trước khi hoạt động bảo kê “ăn chặn cả người chết” trong thực hiện dịch vụ tang lễ tại Nam Định bị phanh phui. Tại tỉnh Thái Bình, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục mở rộng điều tra nhiều hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm xã hội đen tại Thái Bình, do đại gia Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường “Nhuệ”) cầm đầu.

Ngoài hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan Công an đang xác minh làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đường “Nhuệ” thông qua hoạt động mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 23-25 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mai táng, từ cuối năm 2017 đến nay đã phải cống nạp cho băng nhóm Đường “Nhuệ” khoản tiền 500.000 đồng với mỗi người chết đem đi hỏa thiêu. Khoản tiền này sau đó được chính các doanh nghiệp dịch vụ mai táng thu thêm từ thân nhân gia đình người đã mất, ngoài các khoản chi phí theo dịch vụ.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Thái Bình không có lò hỏa thiêu, nên các trường hợp gia đình có người chết tại Thái Bình sẽ lựa chọn việc đưa người thân đi hỏa thiêu tại Đài hóa thân ở tỉnh Nam Định hoặc Hải Phòng.

Tuy nhiên, dù đưa đi hỏa thiêu tại đâu thì các doanh nghiệp mai táng cũng phải nộp khoản tiền “phế” nêu trên cho băng nhóm Đường “Nhuệ”, nếu muốn yên ổn để làm ăn.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018, Đường “Nhuệ” đã huy động đàn em đến gặp gỡ các doanh nghiệp dịch vụ mai táng yêu cầu không được làm việc trực tiếp với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình, đồng thời phải ký kết văn bản về việc mọi dịch vụ về hỏa táng phải thực hiện thông qua Hiệp hội tang lễ Thái Bình, do công ty Đường Dương của Đường “Nhuệ” đứng đầu.

Theo đó, các doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ hỏa thiêu bắt buộc phải báo lại thông tin cho đàn em của Đường “Nhuệ” gọi là “báo ca”. Tức các trường hợp doanh nghiệp khi nhận đưa người đi hỏa thiêu phải báo cáo lại thông tin về thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường “Nhuệ”. Căn cứ vào số liệu báo ca này, hàng tháng, các doanh nghiệp nộp đủ tiền cho nhóm Đường “Nhuệ” theo hình thức mỗi trường hợp hỏa thiêu là 500.000 đồng.

“Tất cả chúng tôi đều phải nộp tiền cho nhóm của ông Đường theo định kỳ. Khoản tiền này rất vô lý bởi họ không làm bất cứ việc gì nhưng vẫn thu. Nhưng nếu không nộp thì doanh nghiệp mai táng chỉ có nước treo kèn (dừng hoạt động-PV), ông V.C cho hay.

Tags:

TOP