Nam Định: Xử án theo hợp đồng miệng của người đã chết cách đây 20 năm

Nam Định: Xử án theo hợp đồng miệng của người đã chết cách đây 20 năm

Xử án căn cứ vào hợp đồng miệng của người đã chết cách đây 20 năm nhưng lại bỏ qua vai trò của những người còn sống có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, TAND tỉnh Nam Định đã cho thấy không dễ để cải cách tư pháp ở Thành Nam!
Án dân sự xử thế nào cũng xong
Mặc dù tranh chấp của các hộ dân không lớn, chỉ loanh quanh ở một ngõ đi chừng 5 – 7m2 đất ở nông thôn nhưng chính lối xét xử mang tính suy diễn của TAND tỉnh Nam Định đã đẩy mâu thuẫn giữa các bên lên đến đỉnh điểm khiến dư luận nhân dân bức xúc và chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn khi bị buộc phải thi hành án.

Gia đình ông Hải tổ chức hàng chục người đến đập phá nhà bà Yên

Gia đình ông Hải tổ chức hàng chục người đến đập phá nhà bà Yên

Câu chuyện bắt đầu từ việc ông Trần Thế Long – người quản lý từ đường họ Trần bịt lại ngõ đi gây khó khăn cho việc đi lại của gia đình ông Phạm Văn Hải ở xóm 7, xã Trực Đại, Trực Ninh tỉnh Nam Định. Xét về lý, thì đây là tranh chấp giữa gia đình ông Hải và ông Long vì từ năm 1976 đến nay gia đình ông Hải đã sử dụng ngõ đi rộng 1,8m, sâu 2,5m trên đất đã cấp Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho từ đường họ Trần (gia đình ông Hải cũng đã được nhà nước cấp sổ đỏ nhưng trên sổ đỏ không thể hiện có ngõ đi).

Tuy nhiên, do không tranh chấp nổi với ông Long mà gia đình cấp thiết phải có một lối đi nên ông Hải quay sang kiện nhà hàng xóm khác là bà Trần Thị Yên đòi phải trả lại một “ngõ đi chung” nào đó không ai có thể xác định. Cũng từ đó, gia đình bà Yên “vạ lây” và thành bị đơn trong vụ án dân sự đòi ngõ đi mà gia đình ông Hải là nguyên đơn. Ngày 27/08/2015, TAND huyện Trực Ninh (Nam Định) mở phiên tòa xét xử vụ án dân sự và đã bác yêu cầu khởi kiện của gia đình ông Hải.

Trong bản án nêu rõ không có chứng cứ nào thể hiện gia đình bà Yên lấn chiếm ngõ đi của gia đình ông Hải. Thực tế, 40 năm qua gia đình ông Hải sử dụng ngõ đi trên phần đất từ đường họ Trần. Còn nữa, năm 1997, khi gia đình ông Hải được cấp sổ đỏ cũng không có ý kiến gì về ngõ đi và diện tích đất được cấp cũng như trong sổ đỏ hiện nay. Tuy nhiên, sự việc đã quay ngoắt 180 độ khi tại Bản án dân sự phúc thẩm số 48/2015/DS-PT của TAND tỉnh Nam Định phán quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của gia đình ông Hải đòi bà Yên phải dỡ nhà trả lại 7,5m2 đất “ngõ đi chung”. Đáng lưu ý, tại phiên tòa gia đình ông Hải cùng người làm chứng không đưa ra được bất cứ chứng cứ nào chứng minh một phần đất của gia đình bà Yên là ngõ đi chung trước đây.

Nhưng để xử ép, HĐXX phúc thẩm vụ án này đã trích dẫn cả “hợp đồng miệng” giữa ông Vụ (chết 1994) và bà Úc (chết 1993) về việc chuyển đổi vị trí đất ngõ của những người đã chết cách đây hơn 20 năm để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Lập luận theo kiểu suy diễn, thẩm phán Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho rằng: “Gia đình bà Yên được hưởng thừa kế tới hơn 600m2 đất, từ đường dòng họ chỉ còn có 27m2.

Bà Yên vẫn là thành viên của dòng họ, không lẽ nào tranh chấp gây khó dễ cho dòng họ chỉ vì mấy m2 đất. Do đó xác định nghĩa vụ trả lại một phần đất làm ngõ đi chung, bảo đảm quyền về ngõ đi cho gia đình chị Hương thuộc về gia đình bà Yên là hợp tình, hợp lý”.
Bản án gây mất an ninh trật tự..
Buộc bà Yên phải cắt đất trong sổ đỏ nhà mình để làm ngõ đi cho gia đình ông Hải, bản án phúc thẩm đã đẩy các cơ quan chính quyền địa phương vào thế bí khi phải thi hành phán quyết của tòa. Ngày 8/8/2016, nhận thấy bản án nói trên có nhiều dấu hiệu “bất thường” nên TAND Cấp cao đã có văn bản gửi Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trực Ninh yêu cầu hoãn thi hành án trong vòng 3 tháng để có thời gian xét lại Bản án phúc thẩm số 48 của TAND tỉnh Nam Định. Có thể nói, chỉ đạo của TAND Cấp cao đã gỡ nút “tâm tư” cho anh em cán bộ thi hành án và góp phần giải tỏa phần nào nỗi bức xúc của gia đình bà Yên. Vậy nhưng cơ quan thi hành án vừa ra quyết định hoãn thì gia đình ông Hải lại tổ chức hàng chục người xông vào nhà bà Yên đập phá và tuyên bố nhân danh bản án phúc thẩm, thay cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế.
Ngông cuồng thách thức các cơ quan pháp luật, khi tổ chức đập phá nhà bà Yên, gia đình ông Hải còn thông báo trước cho trưởng xóm và chính quyền địa phương. Trong quá trình tháo dỡ, ông Nguyễn Văn Huy, Trưởng Công an xã cùng ông Phạm Văn Cương là Công an huyện phụ trách địa bàn có đến yêu cầu gia đình ông Hải dừng ngay việc đập phá nhưng bà Hương vợ ông Hải không những không chấp hành mà còn vỗ ngực tuyên bố sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật. Báo NNVN đã liên hệ với Công an huyện Trực Ninh để tìm hiểu quá trình xử lý vụ việc gia đình ông Hải đập phá nhà bà Yên theo quy định của pháp luật.
Hành vi tự tổ chức người thay cơ quan thi hành án đập phá nhà bà Yên của gia đình ông Hải là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Đến lúc này sự việc đã bị đẩy đi quá xa so với việc tranh chấp vài mét vuông đất ở nông thôn lúc ban đầu và rất có thể nhiều thành viên trong gia đình ông Hải sẽ phải đứng trước tòa trong một vụ án hình sự khác.
Nguồn: Kiên Cường – Nongnghiep.vn


TOP