Thiên Trường - Nam Định thời Lê sơ

Thiên Trường – Nam Định thời Lê sơ

Nằm trên trục đường giao thông thủy, bộ nối liền Bắc Nam, vùng đất Thiên Trường – Nam Định thế kỷ XV có vị trí đặc biệt
quan trọng. Vì thế các vua Lê, nhất là vua Lê Thánh Tông, thường xuyên qua lại vùng Thiên Trường, Trường Yên

Năm 1466, triều Lê thay đổi, xếp đặt lại quân ở năm phủ và định quân hiệu, bốn trong năm phủ quân quản các địa phương kề cận với nhau về mặt địa lý (Thanh Hóa, Nghệ An thuộc phủ Trung quân; Nam Sách và Nam Bang thuộc phủ Đông quân; Quốc Oai, Hưng Hóa thuộc phủ Tây quân; Bắc Giang, Lạng Sơn thuộc phủ Bắc quân), riêng phủ Nam quân lại là hai khu vực Thiên Trường và Thuận Hóa cách xa nhau hàng ngàn dặm.
1
Thời Lê Thánh Tông, vị trí vùng đất Thiên Trường càng trở nên đặc biệt quan trọng với các hoạt động quân sự ở vùng đất Chiêm Thành cũng như việc phòng vệ phía Nam cho vùng trung châu Bắc Bộ, cho kinh thành Đông Kinh. Nhà nước thời Lê sơ rất quan tâm đến việc nông tang nói chung, công cuộc khai hoang mở rộng diện tích canh tác nói riêng bằng hàng loạt chính sách, nhất là dưới thời Hồng Đức. Cùng với hoạt động khẩn hoang tự nguyện của nông dân, nhà Lê cũng đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức khẩn hoang dưới hình thức đồn điền ở phía Nam khu vực sông Hồng, trong đó có Nam Định.

Khó có thể thống kê, khảo sát, xác định được đầy đủ những đồn điền thời Lê sơ đã từng có ở Nam Định. Cư dân đầu tiên của các đồn điền này chủ yếu là các binh lính, tù binh, tội nhân. Họ ít và khó có điều kiện ghi chép để truyền lại cho đời sau về lịch sử khai hoang lập làng. Tuy nhiên, căn cứ vào các nguồn tài liệu chính thống của Nhà nước phong kiến như chính sử, điền bạ… có thể thấy vùng Nam Định tập trung khá nhiều đồn điền. Theo “Thiên hạ bản đồ, Thiên Nam dư hạ tập”, chỉ tính riêng huyện Nam Chân, xứ Sơn Nam (vùng Nam Trực, Trực Ninh) có 25 sở trên tổng số 43 sở đồn điền trong cả nước. Sự trù mật của các đồn điền ở ven cửa biển vùng Giao Thủy, bên đê sông Hồng, sông Đáy đã làm nổi bật vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng của vùng đất phủ Thiên Trường với Nhà nước thời Lê sơ, với quốc gia Đại Việt nửa sau thế kỷ XV.

Nửa sau thế kỷ XV, trên vùng ven biển Nam Định chứng kiến một công trình kết tinh thành quả lao động to lớn của nhân dân Đại Việt. Đó là việc khởi công và hoàn thành đê Hồng Đức, một con đê ngăn nước mặn có quy mô lớn đầu tiên của vùng châu thổ. Công cuộc đắp đê ở vùng biển Nam Định, Ninh Bình thời Lê sơ đã được tiến hành với tốc độ nhanh quy mô lớn. Trên địa bàn Nam Định qua những dấu tích còn lại thì thấy đê Hồng Đức kéo dài từ cửa Đại An, qua phần bắc Nghĩa Hưng, Hải Hậu về đến Hội Khê.

1
Cùng với sự phát triển Nho học của cả nước, giáo dục Nho học ở Thiên Trường – Nam Định thế kỷ XV có bước phát triển mới. Năm 1428, nhà Lê đã cho mở các trường học ở phủ, lộ. Điều đáng chú ý là trong thời Lê sơ, sự phát triển của Nho học ở Nam Định không chỉ diễn ra trên các vùng đất cổ như Ý Yên, Vụ Bản hay tại vùng xung quanh ấp thang mộc của nhà Trần như Lộc Vượng, mà còn ở cả địa bàn ven biển, nơi các làng mạc mới được hình thành. Trong vòng 100 năm của thời Lê sơ, Nam Định có đến 22 tiến sĩ (chiếm gần 1/4 tổng số đại khoa của Nam Định trong suốt lịch sử thi cử Nho học 1075-1919). Phần lớn số đại khoa này đều đỗ vào nửa sau thế kỷ XV, cho nên có thể nói Nho học ở Nam Định đã thực sự có bước phát triển mới từ sau sự kiện Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên (1463). Các bậc đại khoa thời Lê sơ của vùng đất Thiên Trường – Nam Định đều đi theo con đường làm quan. Đặc biệt khi triều đình Nhà Lê ban ân điển cho các hàng Tiến sĩ ở sân điện, cho vinh quy bái tổ, khắc bia tiến sĩ về danh từ khoa thi năm Đại Bảo (1442), trong đó có Nguyễn Địch, người làng Vụ Lạc, huyện Đại An đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân đã tác động tích cực đến phong trào học hành Nho học trên vùng đất Thiên Trường – Nam Định./.

Theo baonamdinh


TOP