Từ thất nghiệp thành ông chủ làm ăn thành công

Từ thất nghiệp thành ông chủ làm ăn thành công

Từng lâm vào cảnh thất nghiệp, thậm chí phải đi xin phân lợn, nhưng họ đã nhanh chóng khôi phục và trở thành ông chủ các mô hình kinh doanh hiệu quả.
Sinh viên loại giỏi nuôi trùn quế thu nhập trăm triệu đồng/tháng

9X Nguyễn Văn Sang làm giàu từ trùn quế. Ảnh: VTV6

9X Nguyễn Văn Sang làm giàu từ trùn quế. Ảnh: VTV6

Sinh năm 1990, từng là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của Đại học Nông lâm TP.HCM. Tuy nhiên Nguyễn Văn Sang vẫn lâm vào cảnh thất ngiệp, không xin được việc làm sau cả một năm tốt nghiệp.

Trong thời gian thất nghiệp ở nhà, cậu chỉ loanh quanh phụ giúp gia đình chăn nuôi và tập tành khởi nghiệp với số vốn là đàn gà 200 con. Cậu đã triển khai nuôi gà theo mô hình chuồng trại. Nguồn thức ăn chính của đàn gà là trùn quế.

Số trùn quế này ban đầu được gia đình nuôi từ nguồn phân bò có sẵn, định sẽ làm trùn thương phẩm đem bán cho những hộ chăn nuôi, song không được đón nhận.

Sau thời gian nuôi gà bằng số trùn quế trên, Sang nhận thấy hiệu quả rất cao cho đàn gà 200 con.

Để làm phong phú cho thức ăn chăn nuôi, cậu còn đem sấy khô và trộn thử nghiệm một lượng trùn quế vào thức ăn cho bò sửa, kết quả cũng rất khả quan, đàn bò nhà anh phát triển nhanh, lông mượt, ít bị bệnh và khỏe lên rất nhiều.

Vậy nhưng mọi việc không dễ dàng với Sang, lúc chuẩn bị xuất bán đàn gà sau 6 tháng chăn nuôi thì lại trúng đợt dịch khiến Sang phải đem tiêu hủy toàn bộ số gà trong trang trại. Lần làm ăn đầu tiên của cậu đã lỗ, còn phải bù thêm tiền mua thức ăn và xây dựng chuồng trại, cậu lại quay về phụ giúp công việc gia đình và tìm việc làm.

Cũng trong thời gian này, rộ lên việc nuôi trùn quế tại các hộ dân ở Củ Chi, TP.HCM, nhưng năng suất cho ra trùn quế không cao, đầu ra sản phẩm không ổn định, chỉ thường bán nhỏ lẻ cho những hộ nuôi cá cảnh, làm mồi câu cá,…

Sang nhanh nhạy nắm bắt thông tin, cũng như tự tìm hiểu, mày mò học hỏi nhằm tránh những lỗi trong quá trình nuôi trùn quế. Những lỗi căn bản là nuôi mật độ dày khiến trùn bị thoái hóa và chết nhiều, Sang đã đúc kết lại và viết bài chia sẻ cách nuôi trùn quế đạt hiệu quả cao trên diên đãn nông nghiệp. Bài viết của cậu nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.

Giai đoạn 2007-2008 là giai đoạn phát triển nhất của nghề nuôi trùn quế. Các thương lái đổ xô về Củ Chi tìm mua với mức giá khá cao, trung bình từ 30.000 đồng/ kg, vào những lúc khan hiếm giá trùn quế có thể lên tới 150.000 đồng/ kg.

Sang ấp ủ dự định mở một công ty để bao tiêu mọi khâu đầu ra cho những hộ nuôi trùn, tuy nhiên chưa có vốn cũng như không nhận được sự đồng ý của gia đình.

Để thực hiện được dự định này Sang đã làm thêm khá nhiều việc, từ làm nhân viên tại công ty thiết kế website, đi bán thực phẩm chức năng đến bán áo thun qua thị trường Canada, Mỹ,… Sau 2 tháng miệt mài, cậu kiếm được số vốn nhỏ là 80 triệu đồng, cùng với vay mượn từ gia đình 10 triệu đồng.

Tháng 10/2014, cậu thành lập Công ty cổ phần trùn quế Củ Chi. Do mới thành lập nên cậu phải làm hầu hết mọi việc. Một ngày của Sang bắt đầu từ 8 đến 24h đêm, gồm các đầu việc như xây dựng hệ thống website, chạy quảng cáo, viết bài giới thiệu sản phẩm,… Số vốn ban đầu nhanh chóng vơi dần đi.

Một khó khăn nữa cậu vấp phải khi thành lập công ty chính là thị trường quá rộng mà Sang không có mục tiêu rõ ràng, cậu đầu tư sản xuất sản phẩm cung ứng cho cả mảng trồng trọt và chăn nuôi, thiếu đi sự định hướng đúng đắn nên lượng khách hàng chính của cậu không tập trung và không đông.

Không có khách, anh phải quay sang làm nhà phân phối sản phẩm cho một công ty, nhưng không hiểu biết về luật nên Sang đã quảng cáo bằng việc dán thêm nhãn của công ty mình kèm với sản phẩm của doanh nghiệp, công ty mẹ phát hiện ra và cấm anh quảng cáo đính kèm.

Sau những khó khăn ban đầu đó, Sang quyết định tập trung mạnh vào một mảng, và đó chính là phân khúc cung cấp sản phẩm cho trồng rau sạch. Với nguồn vi sinh vật tự nhiên có lợi, nhiều axit amin trong trùn quế giúp kích thích rau tăng trường nhanh và có sức đề kháng.

Hiện công ty cậu đang đẩy mạnh nuôi trùn quế cung cấp cho những hộ trồng rau sạch, bên cạnh đó còn phát triển trùn giống. Một tháng công ty cung cấp ra thị trường 100 tấn và thu về hơn 100 triệu đồng.

Để mở rộng nuôi trùn quế, với 300 m2 ban đầu Sang mở ra 1.000 m2 nuôi, kết hợp bao tiêu đầu ra sản phẩm cho một số hộ dân nuôi trùn quế ở Củ Chi.

Quy mô công ty của Sang gồm 6 nhân viên kinh doanh, 5-10 công nhân sản xuất bán thời gian, 2 công nhân nuôi trùn.

Từ xin phân lợn thành ông chủ vườn lan cổ

Vườn lan của ông Nguyễn Tuấn Phương. Ảnh: website Rừng Lan.

Vườn lan của ông Nguyễn Tuấn Phương. Ảnh: website Rừng Lan.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, ngụ tại phường Trần Tế Xương, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định, từng là một nhân viên công tác trong nhà máy dệt. Tuy nhiên sau khi công ty phá sản, giám đốc đi tù thì ông lâm vào cảnh thất nghiệp.

Để mưu sinh kiếm sống, ông phải hành nghề xin phân lợn. Hằng ngày cứ sáng sáng ông đi khắp các hộ chăn nuôi trong vùng để xin đặt những thùng lấy phân, chiều đến lại làm một vòng thu gom về. Những thùng chất thải này được ông bán cho những nơi trồng hoa lan, cúc, thược dược, hải đường,…

Từ xưa, Nam Định đã nổi tiếng là đất chơi lan có tiếng ở Bắc Kỳ. Tuy nhiên sau những biến cố trong lịch sử, kháng chiến chống Pháp làm chín năm loạn lạc rồi đến đấu tranh thống nhất đất nước, dân đói khổ,… thì nghề chơi lan vương giả này cũng dần bị lụi tàn.

Trong một lần tình cờ, ông Phương gặp một vị khách đang tìm mua hoa lan với giá rất hời, tuy nhiên giống lan mà vị này yêu cầu phải là cá giống lan truyền thống xưa của thành Nam (Nam Định).

Để đáp ứng yêu cầu của khách, mặc dù từ trước đến nay ông chưa biết đến địa lan là loại cây như thế nào. Hỏi các vị lão niên trong nghề, ông đã phải tìm kiến rất lâu mới biết được nhà cụ Thát – một cao niên trong nghề chơi hoa lan cổ. Cụ Thát sở hữu những giống làn rừng Việt Nam đã qua thuần hóa cả ngàn năm.

Sau một hồi lâu năn nỉ, thuyết phục thì cuối cùng ông cũng đã được cụ Thát đồng ý bán cho một chậu hoàng vũ ba thân với mức giá 1 triệu đồng. Chậu lan đầu tiên của ông Phương được chăm sóc rất cẩn thận và chu đáo theo kinh nghiệm được truyền lại.

Từ đất trồng phải là loại bùn vùng đất chua, cần phơi nắng cho khô, băm nhỏ ra rồi mới xếp vào chậu trồng lan, ngoài ra còn phải ngâm bùn với bột xương cá, tro bếp trông bể một năm để làm dinh dưỡng rắc trên mặt chậu lan nhằm tạo được lớp rêu mịn đẹp…

Sau hai năm chăm sóc kỳ công, chậu địa lan đã được vị khách đặt mua đến đón đi với mức giá 5 triệu đồng, đây là một cái giá rất hời cho một chậu cây cảnh.

Từ đó, ông chuyển hẳn sang kinh doanh và nuôi trồng nhiều giống lan cổ, tại vườn của ông điển hình những giống lan như hoàng vũ, hoàng thanh, hoàng hội điểm, đại hòa, thanh ngọc,… Vườn lan nhà ông nhanh chóng nhận được sự quan tâm và ưa chuộng của nhiều khách hàng, không chỉ tại Nam Định mà còn tại những tỉnh thành lân cận.

 


TOP