UBND Tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án MỞ RỘNG địa giới hành chính THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH TRONG NĂM 2022

UBND Tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án MỞ RỘNG địa giới hành chính THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH TRONG NĂM 2022

UBND Tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án MỞ RỘNG địa giới hành chính THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH. HOÀN THÀNH TRONG NĂM 2022 (gồm 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và toàn bộ huyện Mỹ Lộc)

KẾ HOẠCH: Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021- 2025. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu và định hướng, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên và phân công cụ thể cho các Sở, ban, ngành, các địa phương nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025.

2. Yêu cầu
– Xác định việc xây dựng phát triển thành phố Nam Định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị; tạo sự đồng thuận, nỗ lực cố gắng của các tầng lớp nhân dân.
– Tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững; đảm bảo sự phát triển của thành phố hướng đến cân bằng đô thị hóa, hiện đại hóa và giữ gìn bản sắc độc đáo, phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
– Xác định lộ trình rõ ràng, hợp lý, bước đi vững chắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát
Xây dựng, phát triển thành phố Nam Định nhanh, bền vững theo hướng hiện đại, có bản sắc riêng; là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, văn hóa và thể thao, giáo dục và đào tạo, y tế; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, ngang tầm với các thành phố loại I của cả nước; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Nam Định trở thành thành phố thông minh, hiện đại, cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

2. Mục tiêu cụ thể

– Về kinh tế: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân trên 17%/năm; giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ tăng bình quân trên 10%/năm. Đến năm 2025, giá trị xuất khẩu trên địa bàn đạt trên 2 tỷ USD, thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn đạt trên 4.000 tỷ đồng.
– Về xã hội, môi trường: Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng/năm; Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 85%.
– Về mở rộng không gian đô thị: Sớm hoàn thành mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17/9/2020; nâng cấp ít nhất 2 xã thành phường, đảm bảo quy mô, không gian và các điều kiện đô thị cấp phường.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025
– Tổ chức quán triệt, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025; đảm bảo mọi cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố Nam Định theo quy hoạch mở rộng hiểu rõ quan điểm chỉ đạo, mục đích yêu cầu trong công cuộc xây dựng, phát triển thành phố.

– Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng thành phố trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng”, trọng tâm là xây dựng nếp sống “văn minh đô thị”, “văn hóa giao thông” thường xuyên liên tục; phát huy vai trò của người dân là chủ thể xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp – văn minh, tiến tới hiện đại.
2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, mở rộng phát triển không gian thành phố Nam Định

– Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Tổ chức lập, điều chỉnh và công khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố (bao gồm cả địa giới hành chính thành phố sau khi mở rộng); Tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phân khu phía Nam sông Đào. Xây dựng và tổ chức thực hiện “Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025”, “Quy chế quản lý kiến trúc đô thị” theo Quy hoạch chung được phê duyệt làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố.

– Xây dựng đề án mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và toàn bộ huyện Mỹ Lộc về thành phố Nam Định theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1422/QĐ-TTg ngày 17/9/2020. Lập đề án nâng cấp ít nhất 2 xã thành phường, đảm bảo quy mô, không gian và các điều kiện đô thị trung tâm vùng.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của thành phố theo hướng hiện đại, đồng bộ, là cơ sở để thành phố Nam Định phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển

✳️- Tập trung chỉ đạo, đôn đốc tiến độ đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của thành phố Nam Định. Hoàn thành các dự án: Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần, đường trục trung tâm phía Nam thành phố, các tuyến đường gom dọc Quốc lộ 10, chỉnh trang mở rộng đường dẫn cầu Tân Phong, nâng cấp hệ thống công trình phòng chống lụt bão hữu sông Hồng và tả sông Đào, Khu thiết chế công đoàn… Khởi công, phấn đấu hoàn thành các dự án: Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, Dự án xây dựng đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định… Nghiên cứu, triển khai đầu tư xây dựng đường Vành đai hai.

✅- Củng cố, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch. Tiếp tục đầu tư đồng bộ, hoàn thành hạ tầng các khu đô thị hiện có; nghiên cứu xây dựng mới các khu đô thị hiện đại, với các chức năng thương mại, dịch vụ, trường học, công viên theo quy hoạch như: Khu nhà ở thương mại Bãi Viên; khu nhà ở xã hội; các khu đô thị mới Phú Ốc, Nam Vân, Thành An, Mỹ Lộc…

– Tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cấp, cải tạo chỉnh trang hạ tầng đô thị, nhất là hệ thống giao thông đô thị, cấp điện và chiếu sáng, công viên, cây xanh, thể dục, thể thao công cộng và các công trình công cộng. Khuyến khích đầu tư xây dựng mới các cụm sân chơi, bãi tập, công trình thể thao tại các khu công cộng, công viên… và các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn của đô thị, nhằm xây dựng cảnh quan đô thị xanh – sạch – đẹp gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

– Hoàn thành xây dựng Chính quyền điện tử thành phố; thực hiện chuyển đổi số ở các lĩnh vực, trong đó ưu tiên lĩnh vực cung cấp dịch vụ công và các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp; xây dựng hệ thống camera giám sát và quản lý đô thị thông minh; tăng cường cung cấp các tiện ích đô thị thông minh, nhất là trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, du lịch…

4. Tập trung thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển thành phố trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

✅4.1. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ
– Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu công nghiệp tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Hoàn thành đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thuận; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa vào hoạt động Khu công nghiệp Mỹ Trung. Nghiên cứu, đưa ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2 mở rộng Cụm công nghiệp An Xá. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng các các khu, cụm công nghiệp theo quy định.

✅- Trên cơ sở quy hoạch địa giới hành chính mở rộng, tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Phát huy, khai thác có hiệu quả lợi thế hai bên Đại lộ Thiên Trường, đường Lê Đức Thọ, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong và đường trục phía Nam sông Đào…
– Phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại: Tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại hiện có, như: Big C, CoopMart, Mediamart, Pico Nam Định Tower, Khách sạn Sojo Nam Định…; chuỗi các cửa hàng tiện lợi như Vinmart, MinMart… Khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị cấp vùng tại khu đô thị Dệt may, Khu đô thị Thống Nhất, Khu đô thị Mỹ Trung và các địa điểm khác theo quy hoạch.

– Nâng cao tỷ trọng ngành thương mại dịch vụ, hướng tới phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, nhiều lợi thế cạnh tranh phù hợp với thế mạnh của thành phố Nam Định như: Thương mại điện tử, hệ thống phân phối bán lẻ, du lịch, dịch vụ logistics, tài chính, ngân hàng…

4.2. Nông nghiệp
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến nông sản, thực phẩm. Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, phát triển một số giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của vùng. Tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 đối với các xã thuộc thành phố Nam Định (bao gồm các xã sau khi hoàn thành mở rộng địa giới hành chính).

4.3. Cải cách hành chính
– Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX và Kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025.
– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị; văn phòng điện tử liên thông trong quản lý văn bản, xử lý công việc, thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử và giao dịch bằng hộp thư điện tử. Thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.
✅5. Ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Nam Định
Nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù và đẩy mạnh phân cấp cho thành phố trong một số lĩnh vực như: Quản lý đầu tư xây dựng, đất đai, kiến trúc đô thị, công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, điều hành ngân sách… đảm bảo phù hợp với năng lực của thành phố Nam Định và các quy định của pháp luật.
6. Phát triển giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao, du lịch; y tế; khoa học và công nghệ tạo tiền đề, từng bước hình thành chức năng trung tâm vùng
6.1. Giáo dục và Đào tạo

– Xây dựng hệ thống giáo dục đạt chuẩn theo quy định, phát huy hiệu quả các trường chất lượng cao, phấn đấu mỗi cấp học có ít nhất một trường đạt kiểm định chất lượng cấp độ IV theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khuyến khích phát triển một số trung tâm đào tạo ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế.
– Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp.
6.2. Văn hoá, Thể thao và Du lịch

– Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và ý thức xây dựng nếp sống văn minh đô thị theo hướng xanh – sạch – đẹp và hiện đại. Phát triển mạnh mẽ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng và các hoạt động giáo dục thể chất trong trường học, đồng thời phát triển các môn thể thao thành tích cao có truyền thống, lợi thế của tỉnh.
– Bảo tồn, tôn tạo và khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa cũng như các khu vực có giá trị về kiến trúc cảnh quan. Đồng thời xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng gắn liền với giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan danh thắng của thành phố Nam Định, như: Khu di tích lịch sử văn hóa thời Trần, đền Bảo Lộc, các tuyến phố cổ, làng hoa, cây cảnh phía Nam Sông Đào…

6.3. Khoa học công nghệ
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống. Hỗ trợ, nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp; từng bước hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ phục vụ chuyển giao công nghệ. Phát triển hạ tầng cơ sở khoa học và công nghệ gắn với việc hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

6.4. Y tế
Xây dựng hệ thống y tế từng bước hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ, có khả năng kết nối từ Trung ương đến y tế cơ sở, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ. Tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới y tế; nâng cấp đồng bộ hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống y tế cơ sở đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tập trung xây dựng hình thành một số lĩnh vực chuyên khoa sâu chất lượng cao như: Sản, Mắt, Nội tiết, Ung bướu.
7. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh

– Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, chỉnh trang đô thị sáng – xanh – sạch – đẹp; phát động phong trào xây dựng nhiều tuyến phố văn minh, kiểu mẫu. Duy trì thường xuyên hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đồng bộ; đẩy mạnh công tác phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn. Tập trung đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành Nhà máy điện rác tại xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Lộc để thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Nam Định (mở rộng) và một số huyện.

– Rà soát quy hoạch, từng bước triển khai xây dựng các trạm quan trắc môi trường, đồng bộ, kết nối, liên thông với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia nhằm kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường, đưa ra những dự báo, cảnh báo môi trường cho cộng đồng và phục vụ công tác quản lý nhà nước.
– Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, ổn định; giữ vững môi trường bình yên để thu hút đầu tư và du khách.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. UBND thành phố Nam Định
– Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch này theo quy định.
✳️- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị liên quan, nghiên cứu, lập Đề án nâng cấp tối thiểu 02 xã thành phường. Hoàn thành trong năm 2024.
– Phối hợp với các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và toàn bộ huyện Mỹ Lộc về thành phố Nam Định.
– Hoàn thành lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu theo Quyết định số 119/QĐ- UBND ngày 14/01/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố Nam Định; làm cơ sở thu hút đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
– Tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm do thành phố Nam Định làm chủ đầu tư. Tích cực chỉ đạo, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ để phục vụ triển khai kịp thời các dự án trên địa bàn thành phố Nam Định.
– Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý đô thị, vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan đô thị, đảm bảo an ninh trật tự.

2. Sở Nội vụ
✳️- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, UBND thành phố Nam Định và các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Vụ Bản xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập 5 xã của huyện Nam Trực, 3 xã của huyện Vụ Bản và toàn bộ huyện Mỹ Lộc về thành phố Nam Định theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hoàn thành trong năm 2022.
– Chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Nam Định, UBND các huyện Nam Trực, Vụ Bản, Mỹ Lộc xây dựng đề án tổ chức bộ máy quản lý nhà nước phù hợp với lộ trình mở rộng quy mô thành phố.
– Chủ trì, phối hợp với Sở ngành liên quan, UBND thành phố Nam Định tham mưu UBND tỉnh phân cấp công tác về tổ chức bộ máy và cán bộ cho thành phố Nam Định phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo các quy định của pháp luật.
3. Sở Xây dựng
– Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức lập Chương trình phát triển đô thị, trình duyệt theo quy định. Hoàn thành trong năm 2022.
– Chủ trì, xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, trình UBND tỉnh ban hành, đảm bảo phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành trong năm 2023.
– Chủ trì, phối hợp với Sở ngành liên quan, UBND thành phố Nam Định tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp công tác quản lý kiến trúc đô thị cho UBND thành phố đảm bảo các quy định của pháp luật.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
– Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Nam Định.
– Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND thành phố Nam Định và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh phân cấp trong lĩnh vực đầu tư, quản lý đầu tư xây dựng cho thành phố Nam Định đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật.
5. Sở Tài chính
– Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh phân cấp trong lĩnh vực điều hành ngân sách cho thành phố Nam Định đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật.
– Đẩy nhanh việc rà soát, sắp xếp các cơ sở nhà, đất theo quy định của Chính phủ để phát huy hiệu quả các cơ sở nhà, đất và thu hút đầu tư.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
– Hướng dẫn UBND thành phố Nam Định quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.
– Hướng dẫn, đôn đốc UBND thành phố thực hiện công tác phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý chất thải rắn theo Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nghiên cứu, đề xuất đầu tư trạm quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố.
7. Sở Thông tin – Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, hướng dẫn UBND thành phố Nam Định xây dựng chính quyền điện tử; xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số.
8. Các huyện Nam Trực, Mỹ Lộc, Vụ Bản
Chủ trì triển khai, hoàn thành các Quy hoạch phân khu theo nhiệm vụ được UBND tỉnh phân công tại Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 14/01/2021 của UBND tỉnh đảm bảo đúng tiến độ.
9. Các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan
Các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung liên quan để tập trung xây dựng phát triển thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2025; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 07- NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định.
10. Chế độ báo cáo:
Trước ngày 30/6 hàng năm các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan báo cáo kết quả (01 năm, 02 năm …) thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và các nội dung cụ thể theo Kế hoạch này gửi về UBND thành phố Nam Định để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 18/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX. Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, phản ánh kịp thời về UBND thành phố Nam Định, Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH
Phạm Đình Nghị
Ảnh Trần Đăng Tú

Tags:

TOP