Vì sao vợ Linh “trọc” được "đứng ngoài" vụ án bố chở con 20 tháng tuổi bị sát hại ở Nam Định?

Vì sao vợ Linh “trọc” được “đứng ngoài” vụ án bố chở con 20 tháng tuổi bị sát hại ở Nam Định?

Xét thấy nguồn cơn dẫn đến vụ giang hồ chém người đàn ông chở con gái 20 tháng tuổi trên phố Mạc Thị Bưởi, TP.Nam Định xuất phát từ việc vay nợ của Ngô Thị Thu Lan, song vợ Linh “trọc” lại được bỏ ra ngoài vụ án.

Vụ án từng gây chấn động

TAND tỉnh Nam Định vừa tuyên án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Hoàng Linh (tức Linh “trọc”, SN 1987, ở TP.Nam Định, tỉnh Nam Định), là đối tượng cầm đầu trong vụ truy sát kinh hoàng trên phố Mạc Thị Bưởi, TP.Nam Định, gây ra cái chết cho anh Lê Việt H. (SN 1986, trú tại TP.Nam Định).

Thời điểm xảy ra vụ án, anh H. đang chở con gái 20 tháng tuổi trên đường.

Ảnh minh họa.

Nguồn cơn dẫn đến vụ án xuất phát từ việc vợ của Linh “trọc” là Ngô Thị Thu Lan (SN 1980, trú tại phường Lộc Hạ, TP.Nam Định) có vay của bà Lê Thị Bình (SN 1961, ở phường Hạ Long, TP.Nam Định) số tiền 126 triệu đồng.

Chị Lan đã trả dần cho bà Bình tính đến thời điểm tháng 3/2017, chị Lan còn nợ lại bà Bình 90 triệu đồng. Để đòi lại nốt số tiền này, bà Bình đã nhờ cháu ruột là Lê Việt H.

Thế nhưng, trong số những bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm của mình đã không có Ngô Thị Thu Lan, mà theo nhiều quan điểm, ý kiến của những người theo dõi phiên tòa thì Lan là nguồn cơn dẫn đến sự việc này.

Là người theo sát vụ án hơn 1 năm nay, trực tiếp sao chụp tài liệu, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại cho biết, trong các bút lục thể hiện quá trình nhóm Linh “trọc” chuẩn bị thực hiện tội phạm, cụ thể là việc Nguyễn Hoàng Linh gọi một số đối tượng xã hội ở Ninh Bình về nhà mình ở Nam Định, ăn uống, chuẩn bị hung khí thì Ngô Thị Thu Lan đều có mặt ở nhà.

Nhiều tài liệu phản ánh, khi chồng bỏ đi, Lan linh tính sợ xảy ra chuyện không hay nên đã đi tìm nhưng không thấy, tuy nhiên Lan cũng không gọi điện cho chồng can ngăn.

Và những nỗi đau còn lại

Căn cứ vào các bút lục trong hồ sơ, luật sư Thơm còn cho rằng, sau khi gây án xong, Linh có gọi cho Lan.

Ngay đêm hôm đấy, Lan tức tốc về nhà chồng ở Ninh Bình lấy giấy tờ xe để sáng sớm hôm sau lên khách sạn nơi Linh trốn để cùng chồng đi bán ô tô thì bị bắt, điều này thể hiện rõ rằng Ngô Thị Thu Lan biết việc chém nhau của chồng mình nhưng không trình báo.

Do vậy, hành vi của Lan có dấu hiệu không tố giác tội phạm. Đấy là còn chưa nói, có hay không việc đồng phạm với Linh về tội giết người?

Theo luật sư Thơm, cơ quan điểu tra cũng không thực hiện yêu cầu rút danh sách điện thoại để làm rõ mối liên quan giữa Lan và Linh trong thời điểm trước, trong và sau khi xảy ra vụ án.

Vì vậy, trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, luật sư Thơm đã kiến nghị với HĐXX và cơ quan có thẩm quyền, cần thiết phải xem xét vai trò của Ngô Thị Thu Lan trong vụ án này có phải là đồng phạm hay có dấu hiệu của tội Không tố giác tội phạm hoặc Che giấu tội phạm.

Liên quan đến Ngô Thị Thu Lan, cơ quan công tố cho rằng, nguyên nhân của vụ án xuất phát từ việc Lan vay nợ của bà Lê Thị Bình (cô ruột của anh H).

Do việc thỏa thuận nợ không thống nhất nên giữa Linh và Hà có thách thức nhau. Tuy nhiên, khi Linh nảy sinh ý định chuẩn bị hung khí, rủ rê đàn em để đánh anh H. thì Lan không biết và bản thân Linh cũng không nói cho Lan biết.

Khi Linh và đồng phạm thực hiện hành vi đánh chém anh H. thì Lan không biết và không tham gia.

Sau khi sự việc xảy ra, Lan đã khai báo đầy đủ nội dung vụ việc, phối hợp với cơ quan CSĐT để đưa Linh về làm việc, làm rõ vụ án. Do vậy, VKS cho rằng, Lan không có hành vi đồng phạm với Nguyễn Hoàng Linh và không có hành vi không tố giác tội phạm.

Cũng theo luật sư Thơm, mặc dù có vai trò liên quan trong vụ án, nhưng ngày đưa vụ án ra xét xử, chị Ngô Thị Thu Lan đã không có mặt tại tòa mà có đơn xin xét xử vắng mặt.

“Ngày đưa vụ án ra xét xử, phiên tòa diễn ra trong không khí khá căng thẳng, bởi sự hằn học giữa bên gia đình bị cáo đã gây ra sự búc xúc cho gia đình bị hại. Tại tòa, các bị cáo chưa tỏ ra ăn năn hối cải và cũng không có trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả cho gia đình nạn nhân. Thậm chí các bị cáo còn thẳng thừng từ chối các câu hỏi của luật sư bên bị hại”, luật sư Thơm cho hay.

Nói về gia đình bị hại, luật sư Thơm cho biết, anh H. trước đó làm lái xe taxi, đồng thời là nhân viên tư vấn bảo hiểm.

Anh H. là lao động chính trong nhà, bố mẹ anh H. đều già yếu, bệnh tật triền miên, mất khả năng lao động. Ngày anh H. mất đi, gánh nặng gia đình càng đè nặng lên vai người vợ trẻ.

Xét thấy hoàn cảnh gia đình bị hại thực sự khó khăn, trong bản án của TAND tỉnh Nam Định, ngoài hình phạt áp dụng cho các bị cáo, HĐXX còn buộc các bị cáo liên đới bồi thường tiền trợ cấp cho bố mẹ anh H. số tiền là 800.000/1 tháng/1 người và trợ cấp cho con gái anh H. số tiền 1,5 triệu/ 1 tháng đến năm cháu đủ 18 tuổi.

Theo người đưa tin


TOP