Vụ Bản: Chuyện lạ về ngôi miếu “biết” ngụy trang đánh giặc

Vụ Bản: Chuyện lạ về ngôi miếu “biết” ngụy trang đánh giặc

Đứng từ xa nhìn lại không thể nhận ra phía trong cây cổ thụ um tùm lại có ngôi miếu cổ đã hàng trăm năm tuổi…

Không một ai biết trước đây tên miếu là gì nên người dân nơi đây gọi là miếu Cây Sộp. Theo các cụ cao niên trong làng An Lễ, xã Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định thì trong thời kỳ chống thực dân Pháp chính miếu Cây Sộp là một trong những địa danh đã giúp quân ta nhiều lần đánh thắng địch, khiến giặc “kinh hồn bạt vía”.

Ngôi miếu khiến cho quân Pháp run rẩy, sợ hãi

Theo ông Trần Hưng Hồi, 75 tuổi, nhà ngay gần ngôi miếu cổ thì vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ năm 1947 – 1954, hầu hết đình, chùa, miếu mạo và nhà cửa của nhân dân đều bị giặc đốt phá. Thế nhưng trải qua hàng chục trận càn vào làng An Lễ, miếu Cây Sộp vẫn không hề hấn gì.

Ngôi miếu Cây Sộp.

Ngôi miếu Cây Sộp.

Ngày ấy tôi chỉ mới hơn 10 tuổi, được các anh du kích cho vào đội giao liên, hàng ngày giao cho nhiệm vụ trèo lên ngọn cây sộp (cao khoảng hơn 10 mét) bên ngôi miếu hướng tầm mắt quan sát suốt dọc tuyến quốc lộ 10 (từ Ninh Bình đi TP. Nam Định) để theo dõi địch. Cây Sộp đã vô tình trở thành trạm quan sát lợi hại của quân ta từ nhiều phía.

Mỗi khi thấy địch xuất hiện tôi lại dùng tín hiệu truyền đi báo cho các tổ đội du kích tổ chức phục kích đánh địch, đồng thời đưa người dân, tài sản đi sơ tán”, ông Hồi kể lại.

Còn theo tư liệu lịch sử của địa phương thì Quốc lộ 10 chạy qua địa bàn xã Liên Minh, trong đó có một phần làng An Lễ đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân địch mỗi khi chúng hành quân qua đây.

Không lần nào là chúng không bị mai phục, chặn đánh cho dù lúc đó dân quân du kích cũng chỉ có vũ khí thô sơ như cuốc thuổng, gậy gộc nhưng với lòng quả cảm, mưu trí và theo tiếng gọi của hồn thiêng sông núi dân quân du kích làng An Lễ đã phối hợp với các lực lượng xã, huyện đánh hàng trăm trận trên Quốc lộ 10 khiến quân địch kiếp đảm.
Một trận đánh ác liệt hồi đầu năm 1951 diễn ra ngay trên đoạn đường qua làng An Lễ.

Khi đó, ruộng đồng vừa vào mùa gặt, đội du kích của ta ngụy trang trong các đùm rạ ven đường, chờ cho quân địch tới gần. Sau hiệu lệnh tấn công, hàng trăm dân quân du kích từ các đùm rạ với cuốc thuổng, gậy gộc trên tay đã đánh cho quân Pháp phải bỏ chạy thục mạng về bốt núi Gôi”, ông Hồi kể lại.

Một góc bảo tàng xã Liên Minh.

Một góc bảo tàng xã Liên Minh.

Tức tối, chúng điên cuồng dùng trọng pháo bắn từ núi Ngăm, núi Gôi rồi cho máy bay ném bom, trà đi sát lại nhiều lần vào làng An Lễ. Nhà cửa tan hoang, nhưng kỳ lạ thay miếu Cây Sộp vẫn hiên ngang đứng vững trước bom đạn của kẻ thù.

Có lẽ do sự linh thiêng của ngôi miếu và được ngụy trang bằng cây sộp bao phủ nên chúng không phát hiện ra. Vì vậy, miếu Cây Sộp đã trở thành biểu tượng sống và là địa điểm giao liên trong suốt những năm kháng chiến từ vùng thượng xuống tới vùng hạ huyện Vụ Bản lúc bấy giờ.

Trong thời gian này có một câu chuyện mà đến tận bây giờ vẫn được nhiều người dân kể lại để minh chứng cho sự linh thiêng của ngôi miếu Cây Sộp.

Vào trung tuần tháng 8.1951, sau một thời gian đánh phá ác liệt các vùng ven khu vực đường quốc lộ 10, giặc Pháp đã cho đốt toàn bộ nhà cửa, giết hại trâu bò, tàn phá mùa màng và lập vành đai trắng.

Do bị chỉ điểm mà địa danh miếu Cây Sộp bị bại lộ. Phát hiện địch từ xa nên người dân đã nhanh chóng di tản đến vùng an toàn.

Tên quan ba Pháp từ đồn Trình Xuyên trực tiếp dẫn quân vào vô cùng tức tối vì không bắt được ai, kể cả trâu bò, lợn gà nên hắn quay ra định phá cây Sộp, lôi đổ ngôi miếu. Tuy nhiên, khi chúng kéo đến phía cây Sộp thì trời đùng đùng đổ mưa nên không thể leo lên chặt hạ cây.

Không chịu thua tên quan ba lệnh cho bọn lính buộc dây kéo đổ ngôi miếu nhưng cả một ngày trời mà ngôi miếu vẫn không hề suy suyển. Cuối cùng hắn ra lệnh cho những tên tay sai là người địa phương vào lấy toàn bộ đồ thờ cúng trong miếu mang đi.

Trên đường trở về đồn Trình Xuyên, toán địch rơi vào trận địa phục kích của ta, tên quan ba Pháp phải bỏ mạng. “Sau này, người dân trong làng kể lại tất cả những tên tay sai đã lấy các đồ thờ tự trong miếu đều không chết trận thì cũng chết vì bệnh tật. Đến đời con cháu cũng ly tán, tha hương cầu thực”, một cụ cao niên trong làng nói.

Những câu chuyện kỳ lạ

Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 kết thúc, hòa bình lập lại ở miền Bắc, người dân làng An Lễ từ các nơi tản cư trở về quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế cùng nhau xây dựng thôn làng. Ngôi miếu Cây Sộp trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân địa phương từ đó đến nay.

Vào đầu những năm của thập kỷ 90 thế kỷ trước có một đoàn nghiên cứu lịch sử Nhật Bản đã về địa phương xem xét. Đoàn đã vô cùng kinh ngạc về việc có một ngôi miếu lại nằm trọn bên trong thân cây to lớn.

Chính ông Hồi – người được cử làm việc trực tiếp với đoàn – kể lại: “Sau khi đoàn về tôi có nhờ xác định niên đại của chiếc bình vôi duy nhất còn sót lại. Phân tích xong các giáo sư lịch sử hàng đầu Nhật Bản cho biết chiếc bình vôi có từ thế kỷ XVI – XVII. Nhưng cũng không thể dựa vào đó mà có thể khẳng định được ngôi miếu được xây dựng từ thời kỳ nào.

Muốn biết chính xác hơn thì phải chặt bỏ một phần cây sộp, nhằm phát tích những dấu vết của ngôi miếu mới có thể biết được ngôi miếu Cây Sộp có từ thời kỳ nào”. Tất nhiên, chẳng ai dám động chạm vào cây sộp dù thời gian này ở địa phương lại xuất hiện những lời đồn đoán cho rằng dưới gốc cây sộp có thể là nơi cất giấu vàng nhưng vì không có bản đồ nên người Nhật định lợi dụng việc này để chặt hạ cây sộp tìm vàng…

Những ngày sau đó, ông Hồi đã phải đứng ra nói khéo với đoàn nghiên cứu lịch sử Nhật Bản là cây cổ thụ, ngôi miếu đối với người dân địa phương giống như những linh vật của làng, là nơi linh thiêng nên bất khả xâm phạm. Vì vậy đề xuất của đoàn nghiên cứu lịch sử của Nhật Bản không thể được thực thi.

Nhà ông Hồi ngay gần ngôi miếu cổ nên cũng nhiều lần nghe người dân đồn đoán việc đêm đêm có mùi hương thơm tỏa ra từ miếu lan rộng khắp cả một vùng rộng lớn làm cho ngôi miếu càng thêm linh thiêng, huyền bí.

Nhưng điều này đã được ông Hồi giải thích: “Nhà ở gần, nhiều đêm không ngủ tôi ngửi thấy mùi hương thơm bay ra từ khu vực ngôi miếu. Từ nhỏ tôi từng làm giao liên trèo lên ngọn cây cả ban đêm, lẫn ban ngày quan sát địch… nên tôi không thấy sợ, ra tận nơi tìm hiểu. Khi ra đến nơi thì tôi thấy có một chiếc ôtô và người đứng thắp hương cầu khấn trong miếu. Hỏi ra mới biết người này đi xem, thầy bói nói có người trong gia đình hợp căn số với miếu Cây Sộp nên ngày rằm, mùng một phải về thắp nhang, khẩn cầu. Ngay hôm sau tôi kể chuyện lại với mọi người trong làng, từ đó câu chuyện huyền bí kia mới không bị thêu dệt thêm nữa”, ông Hồi kể lại.

Để tìm hiểu thêm về lịch sử ngôi miếu Cây Sộp, chúng tôi tìm đến nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Văn Tam, 82 tuổi, nhà ở xã Liên Bảo (Vụ Bản), được ông cho biết: “Miếu Cây Sộp được biết đến là nơi thờ Thánh Thích Thành là thành hoàng của làng An Lễ. Ông là một thuộc cấp thân cận của tướng Lữ Gia (thời nhà Triệu – 111 TCN). Trong một trận chiến với quân xâm lược ông bị thương và về đến quê hương thì mất. Người dân tưởng nhớ ông nên đã lập miếu thờ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, miếu Cây Sộp là một trong những địa danh hoạt động của dân quân du kích. Chính từ những chiến công này mà dân làng An Lễ đã góp phần cùng với dân quân, du kích xã Liên Minh tổ chức hàng trăm trận đánh, tiêu diệt và bắt sống trên 2.000 tên, phá hủy 110 xe cơ giới, thu nhiều vũ khí, khí tài của địch. Với những thành tích trên xã Liên Minh, Vụ Bản là một trong những xã đầu tiên được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”.

Theo Lao Động


TOP