Công ty DV-KD và quản lý chợ Nam Định trả lương sai?

Công ty DV-KD và quản lý chợ Nam Định trả lương sai?

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, tập thể công nhân Công ty Dịch vụ-Kinh doanh và Quản lý chợ TP. Nam Định phản ánh một số bất cập trong việc áp dụng chế độ làm việc, tiền lương và đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có biện pháp giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Theo phản ánh của tập thể công nhân, Công ty Dịch vụ – Kinh doanh và Quản lý chợ TP. Nam Định đang trả lương cho công nhân viên theo 5 bậc, nhưng không điều chỉnh tăng lương theo quy định. Thu nhập của công nhân hiện tại thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, Công ty có nhiều người phải làm việc và trực 14 tiếng/ngày, không được tính tiền làm thêm giờ.

Cuộc sống của công nhân Công ty hiện gặp nhiều khó khăn, các công nhân đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có biện pháp giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Về vấn đề này, UBND TP. Nam Định, tỉnh Nam Định có ý kiến như sau:

Công ty Dịch vụ – Kinh doanh và Quản lý chợ TP. Nam Định là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập theo Quyết định số 636/QĐ-UB ngày 12/5/1998 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Công ty do UBND thành phố quản lý toàn diện. Hiện có 94 cán bộ công nhân viên đang làm việc tại Công ty, trong đó có 2 người là cán bộ quản lý, 91 người là đối tượng hợp đồng lao động không xác định thời hạn, 1 người là đối tượng hợp đồng xác định thời hạn.

Về việc áp dụng chế độ tiền lương

Công ty là đơn vị sự nghiệp công lập và thuộc sự quản lý toàn diện của UBND thành phố nên hiện tại chế độ tiền lương của cán bộ công nhân viên Công ty thực hiện theo hệ thống thang bảng lương quy định tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ đối với công ty Nhà nước, riêng đối với chức danh quản lý (Giám đốc, Phó Giám đốc) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Phương án xếp lương của Công ty đã được cơ quan chủ quản là UBND TP. Nam Định và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định phê duyệt để thực hiện theo đúng quy định.

Theo Điều 2 Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình cá nhân và tổ chức có thuê mướn lao động theo 1 hợp đồng lao động thì đối tượng điều chỉnh về mức lương tối thiểu vùng không bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Như vậy việc phản ánh “Công ty áp dụng chế độ tiền lương trả theo tháng với 5 bậc lương và không được điều chỉnh tăng lương theo quy định là không đúng với thực tế ở đơn vị” và Công ty là đơn vị sự nghiệp công lập nên không thuộc đối tượng điều chỉnh về mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Về chế độ khi làm thêm giờ

Với đặc thù là đơn vị quản lý 4 chợ trên địa bàn thành phố nên việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy là rất quan trọng và thường xuyên phải có lực lượng ứng trực 24/24. Do vậy, việc làm thêm giờ để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn là cần thiết.

Tính bình quân trong năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016, mỗi cán bộ công nhân viên Công ty làm tăng xấp xỉ 16 giờ/tháng. Qua kiểm tra sổ sách ghi chép chế độ làm thêm giờ của Công ty, nhìn chung hàng tháng các Ban quản lý chợ, các bộ phận chuyên môn của Công ty thực hiện nghiêm túc việc lập bảng chấm công ngoài giờ, chấm công đầy đủ, lập bảng thanh toán tiền làm thêm giờ hàng tháng (chi tiết theo mức lương tháng, mức lương ngày, giờ, số tiền…) để chi trả cho cán bộ công nhân viên theo đúng quy định của luật lao động.

Như vậy, nội dung phản ánh về việc làm tăng ca, thêm giờ và không được thanh toán tiền làm thêm giờ là không đúng với thực tế.

Chinhphu.vn


TOP