Nam Định kết hợp tuyên truyền với kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu cá đánh bắt tận diệt

Nam Định kết hợp tuyên truyền với kiểm tra, xử lý nghiêm các tàu cá đánh bắt tận diệt

Vài năm trở lại đây, nghề khai thác thủy sản trên vùng biển Nam Định từng bước phát triển, mang lại thu nhập cao cho bà con ngư dân, sản lượng khai thác năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, ngành thủy sản Nam Định cũng đang gặp không ít khó khăn trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản…

Người dân phân loại ngao biển


Thời gian qua, ngành thủy sản tỉnh Nam Định đã tổ chức kiểm tra 300 lượt tàu cá trên địa bàn tỉnh. Phát hiện và xử lý 176 trường hợp tàu cá vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý tàu cá và khai thác thủy sản. Trong đó, nhắc nhở 161 trường hợp vi phạm các lỗi như thiếu vạch phân vùng, thiếu biển số, quá hạn đăng kiểm, hết hạn giấy phép khai thác…

Bên cạnh đó, lập biên bản và xử phạt 15 tàu cá đóng mới khi chưa có giấy chấp thuận đóng mới của cơ quan chức năng, xử phạt và nộp kho bạc nhà nước 90 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định, để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, hàng năm ngành thủy sản tỉnh tổ chức Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản gồm các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản pháp luật liên quan đến khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiến hành thả hàng triệu giống cá nước ngọt, tôm, cá giống mặn, lợ xuống các vùng nước tự nhiên của tỉnh và vận động hàng trăm hộ ngư dân khai thác thủy sản ký cam kết không vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức các đợt kiểm tra về đăng ký, đăng kiểm và các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các các vùng nội đồng, các cửa sông và vùng biển của tỉnh Nam Định; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, sử dụng ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.

Quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá, phân loại theo nghề, tuyến và vùng hoạt động; khuyến khích ngư dân đóng mới tàu công suất trên 90 CV và khai thác tại các ngư trường xa bờ, vùng đánh cá chung, tạo điều kiện phát triển các tổ, đội khai thác, hội nghề nghiệp nghề cá nhằm giảm dần các tàu có công suất máy dưới 20 CV hoạt động khai thác gần bờ. Tạm dừng cấp văn bản chấp thuận đóng mới tàu cá hoạt động nghề lưới kéo.

Tàu, thuyền đánh thủy sản ngoài biển


Ngoài ra, vận động ngư dân thay thế bằng nghề khác phù hợp. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quản lý thuỷ sản bền vững phù hợp với truyền thống, tập quán của ngư dân địa phương; đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng ngư dân trong hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của loài thuỷ sản.

“Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, trên cơ sở 41 đoàn, đội do ngư dân tự thành lập, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn ngư dân thành lập 18 tổ hợp tác khai thác thủy sản với khoảng 400 tàu và 1600 lao động.

Các tổ hợp tác khai thác thủy sản được thành lập và đi vào hoạt động, khi tham gia sản xuất trên biển các tàu thường xuyên thông tin cho nhau về ngư trường giúp tiết kiệm được chi phí nhiên liệu trong chuyến biển, giúp đỡ, hỗ trợ nhau khi tàu, tổ khai thác bạn gặp tai nạn, rủi ro góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên biển”, ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hà, ngành thủy sản tỉnh đang gặp không ít khó khăn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản như ý thức bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong cộng đồng dân cư đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chưa được tổ chức thường xuyên và quyết liệt.

Chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề, nhất là các nghề khai thác thiếu tính chọn lọc và nghề khai thác kém hiệu quả làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Kéo lưới ven bờ


Ông Hà khẳng định: “Trong thời gian tới, ngành thủy sản tỉnh Nam Định sẽ du nhập nghề mới đi đôi với việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả khai thác. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là nguồn lợi thủy sản ven bờ; bảo vệ môi trường biển vùng ven bờ.

Nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản bền vững, từng bước nâng cao đời sống cho ngư dân. Mở rộng ngư trường khai thác hải sản, phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Quốc gia. Từng bước chuyển đổi hiệu quả đội tàu khai thác hải sản từ vùng lộng sang khai thác hải sản xa bờ.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với chủ trương: “Tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản, khuyến khích phát triển đội tàu có công suất lớn (từ 300CV trở lên), tăng sản lượng khai thác xa bờ, ổn định, tiến tới giảm dần khai thác gần bờ”.

Giao Thuỷ là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh Nam Định, nơi đây có 32km bờ biển, có hai cửa sông lớn, nơi sông Hồng và sông Sò đổ ra biển, cùng với vùng đất bãi bồi ven biển là những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển như khai thác, nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp đóng tàu, du lịch.

Ông Nguyễn Văn Đang, Trạm trưởng Trạm Thủy sản 1 cho hay, hàng năm đơn vị thường xuyên phối kết hợp với Chi cục Thủy sản Nam Định, Trạm Biên phòng Quất Lâm kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vi phạm; kiểm tra các sơ sở nuôi trồng thủy sản, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản…

Chạy dọc theo đường đê bao từ Trạm Thủy sản 1 xuống xã Giao Hải, Giao Xuân (Giao Thủy), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” ngao biển; tôi thấy từng tàu, thuyền đang nối đuôi nhau trở những bao tải ngao vào bờ.

Gỡ lưới thu hoạch tôm, cua, cá


Anh Vũ Văn Huy (Giao Hải) cho biết, để không tận diệt nguồn thủy sản mà thiên nhiên đã ban tặng, đặc biệt là đối với con ngao, chúng tôi chỉ bắt những con to, những con đã trưởng thành có thể bán thương phẩm, còn những con ngao nhỏ, mới sinh nở thì chúng tôi thả lại dưới biển để tái tạo lại nguồn thủy sản.

“Trong quá trình phát triển kinh tế, chúng tôi luôn chấp hành các nội quy của cơ quan chức năng để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nơi mình đang khai thác”, anh Huy cho biết thêm.

Đến ngày 31/10/2017, toàn tỉnh Nam Định có 2.061 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất là 219.868 CV (huyện Giao Thuỷ 847 chiếc, Hải Hậu 761 chiếc, Nghĩa Hưng 415 chiếc và Trực Ninh 38 chiếc). Tổng số lao động khai thác thủy sản khoảng 12.000 người (lao động trực tiếp trên biển là 5.610 người). Trong đó loại tàu công suất nhỏ hơn 20 CV là 1243 chiếc (chiếm 60,1%), hàng năm số lượng tàu này có giảm nhưng không đáng kể; loại tàu từ 90 CV trở lên là 644 chiếc (chiếm 31,2%) khai thác xa bờ.

Theo Mai Chiến( nông nghiệp VN)


TOP