Thúng tre Thạch Cầu

Thúng tre Thạch Cầu

“Thúng Thạch Cầu đứng đầu thiên hạ” là câu ca truyền miệng đã bao thế hệ ở thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến (Nam Trực). Ở đây từ đứa trẻ lên mười đến các cụ ông, cụ bà “ngoại thất thập” vẫn ngày ngày thoăn thoắt đan tre nứa giúp cho cái nghề dân dã ấy được tiếp nối lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm.

“Nhất nghệ tinh”

Nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên với nghề nhưng không ai biết rõ nghề đan tre nứa của làng có từ bao giờ. Những bậc cao niên trong làng gắn bó cả đời người với mảnh đất và nghề đan tre nứa nơi đây như các cụ: Lê Văn Bích, 85 tuổi; Vũ Xuân Hóa, Vũ Xuân Cống năm nay đã quá 70 tuổi cũng chỉ nhớ khi lên 6-7 tuổi thì đã thấy ông bà, cha mẹ đan các loại rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng, nong, nia, giậm, lờ (đánh bắt cua, cá); bu (nhốt gia súc, gia cầm) bằng tre, nứa. Nguyên liệu chính là tre, mây sẵn có trong vườn, ngoài bờ, bãi hoặc thu mua ở các vùng xung quanh, nghề đan lát ở thôn Thạch Cầu có lúc thu hút đến trên 80% số hộ (mỗi hộ từ 2-3 lao động) tham gia. Trong đó, sản phẩm duy nhất trở thành hàng hóa (sản xuất số lượng lớn, được thương lái về tận nơi thu gom mang đi các nơi hoặc bán ở các phiên chợ quanh vùng), góp phần tạo nên thương hiệu làng nghề chính là cái thúng – vật dụng phổ biến ở nông thôn, nhà nào cũng có vài chiếc! Như hiểu được cái băn khoăn của tôi không hiểu thúng Thạch Cầu có gì đặc biệt để được đánh giá đứng “đầu thiên hạ”, cụ Bích nhanh nhẹn vào bếp lấy ra cái thúng cũ cho xem. Qua giảng giải của cụ tôi mới vỡ lẽ, không ngờ chỉ một vật dụng bình thường mà công phu, tài hoa đến thế! Đầu tiên là công đoạn lựa chọn nguyên liệu. Tre để đan thúng; mây để cạp vành đều phải già; tre dóng dài và càng thẳng càng tốt. Tre sau khi chặt về phải ngâm dưới ao tối thiểu một tháng để chống mối mọt rồi mới mang lên pha. Người pha tre khéo thì phải tính toán, cân đối để cả cây tre không phải bỏ đoạn nào: dóng thẳng thì làm nan chính (đan thúng thường dài khoảng 70-80cm; đan nong, nia thì từ 1m trở lên); phần ngọn và gốc dùng để làm cạp thúng và nan dát (dài từ 40-50cm, vót nhỏ bằng chân hương)… Toàn bộ công đoạn pha tre, chẻ nan phải làm liên tục và nhanh bởi để lâu thì tre bị “quánh” (khô). Ngay cả mây để “nứt” cạp cũng phải lựa những đoạn già, chẻ mỏng, phơi săn, đến khi buộc lại phải ngâm nước cho mềm, lột thêm một lần nữa cho mỏng… Kỹ thuật nhất là công đoạn chẻ nan chính. Với dụng cụ là dao cán dài (khoảng 30-35cm), sống dao phải dày, lưỡi mài sắc… cầm thôi đã nặng tay mà trong tay của người Thạch Cầu, từng nan, từng nan mỏng khoảng 1-2mm cứ thế được tách ra. Hiếm có nan nào dày quá độ phải “tuốt” lại. Nan chẻ xong thì đan thành phên, chêm chặt, “cải” bốn xung quanh bằng nan dát rồi đem ra lò hun khói rạ. Lò hun ở sau vườn hoặc chái nhà, sâu khoảng 1m, hình tròn, đường kính bằng miệng thúng (khoảng 70cm); rạ sau thu hoạch được để riêng ở nơi khô ráo, trước khi hun phải băm nhỏ thành từng đoạn dài cỡ 5cm. Cạp (vành) thúng sau khi được cố định bằng khuôn hình tròn (đường kính bằng miệng lò) cũng phải hun trong lò để uốn cho tròn. Mỗi mẻ hun được từ 15-20 phên thúng và cạp thúng, hun liên tục trong khoảng 20-25 phút rồi mới mang ra cạp (định hình cái thúng) “nứt” mây (buộc cạp). Xong các công đoạn ấy thúng được vỗ cho tròn, đều rồi lại phải úp ngược hun tiếp một lần nữa trong lò khi nào lên màu “cánh gián” mới đạt tiêu chuẩn.

Người dân thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến (Nam Trực) đan các vật dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp từ tre, mây.

Người dân thôn Thạch Cầu, xã Nam Tiến (Nam Trực) đan các vật dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp từ tre, mây.

Giữ hay bỏ?

Cái nghề dân dã xuất phát từ đặc thù kinh tế “tự cung tự cấp”, sản xuất để phục vụ đời sống sinh hoạt lao động hằng ngày song cũng tự có sự “phân công” chuyên môn hóa khá cao. Thường thì đàn ông đảm nhiệm các công đoạn nặng nhọc như: pha tre, chẻ nan, uốn cạp, lên thúng, nứt mây, hun…; phụ nữ, người già, trẻ em thì đảm nhiệm khâu đan phên, đi chợ bán hàng. Trước đây, người dân tranh thủ lúc nông nhàn hoặc những ngày thời tiết không thuận lợi đan thúng. Mỗi ngày 1 hộ 2-3 lao động cũng chỉ làm được 2-3 cái thúng thành phẩm. Thúng Thạch Cầu tròn đều, đan khít, cạp chặt, lại được hun kỹ nên bền đẹp nức tiếng xa, gần. Tuy nhiên, từ khi đổi mới, các sản phẩm tương tự bằng chất liệu nhôm, nhựa, inox ra đời thì sản phẩm đan lát mây tre ở Thạch Cầu mất dần vị thế, làng nghề sa sút, mai một. Lao động dần chuyển đi làm những công việc khác thu nhập cao hơn. Cả thôn chỉ còn trên dưới chục hộ còn giữ nghề. Cụ Cống cho biết: hiện giờ mỗi ngày hai ông bà chỉ đan được 1 cái thúng, trị giá khoảng 50-60 nghìn đồng, ngày công chỉ đạt 40-50 nghìn đồng. Dù hàng nhựa, nhôm có nhiều tiện ích song cái thúng tre vẫn có những giá trị riêng với một số công việc nhà nông. Do vậy, sản phẩm làm ra đến đâu có thương lái về tận nơi thu gom hết. Ngoài sản phẩm chính là thúng, để thích ứng với yêu cầu thị trường, tận dụng kinh nghiệm tay nghề, gần đây, người làm nghề đan lát ở thôn Thạch Cầu đan thêm các loại nia, phên phơi thuốc. Đan nia không kỳ công như thúng (không phải hun), nan to hơn (không dùng nan dát), đường kính khoảng 97-98cm. Mỗi ngày, 2 lao động phụ cũng làm được 1 cái nia, bán được 120-130 nghìn đồng, trừ tiền nguyên liệu, ngày công được khoảng trên 100 nghìn đồng.

Dù sản phẩm được thị trường “đánh giá” là “đầu thiên hạ” nhưng nghề đan lát ở Thạch Cầu vẫn không thể chống được quy luật thị trường. Đồng chí Bùi Văn Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Nam Tiến cho biết: Trong năm 2016, xã sẽ tổ chức hội nghị, đối thoại trực tiếp với các hộ còn làm nghề để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng về hướng phát triển nghề. Đồng thời vận động nếu quyết tâm giữ nghề truyền thống thì tạo điều kiện động viên, khuyến khích một số hộ có tiềm lực đứng lên thành lập tổ hợp sản xuất nghiên cứu thị trường sản xuất đa dạng sản phẩm với khối lượng hàng hóa lớn. Từ đó mới nâng cao được ngày công thu nhập để tạo sức hút lôi kéo những lao động trong độ tuổi tham gia làm nghề. Nhưng để thực hiện được chủ trương đó, xã rất cần sự hỗ trợ của huyện, của tỉnh và các ngành chức năng tư vấn về định hướng phát triển, cách thức tổ chức sản xuất, thị trường… và các nguồn kinh phí kích cầu sản xuất. Như thế sẽ giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, tạo thêm thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 


TOP