“9x đẩy xe rác” ở Nam Định chia sẻ bí quyết kiếm 20 triệu/tháng mà vẫn đạt điểm cao

“9x đẩy xe rác” ở Nam Định chia sẻ bí quyết kiếm 20 triệu/tháng mà vẫn đạt điểm cao

Bỗng dưng nổi tiếng trên các trang báo mạng trong những ngày gần đây nhờ câu chuyện thời thơ ấu đi cấy lúa, đẩy xe rác phụ giúp bố mẹ và tự chi trả học phí cho chương trình đại học quốc tế của mình, câu chuyện của Phạm Thị Thùy Linh làm cho người đọc vừa khâm phục lại vừa tò mò rằng làm sao để quán xuyến 3 công việc một lúc mà vẫn đủ thời gian đi học

Hôm nay, Thuỳ Linh – SV năm 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Greenwich (Việt Nam) đã có những chia sẻ chân thật về quá trình học và làm thêm của mình.

Thuỳ Linh không ngại đi cấy lúa, bán rau giúp mẹ, hay vất vả đẩy xe rác cùng bố.

PV: Chào Linh! Mấy ngày gần đây trên các trang báo mạng và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh của bạn, bạn cảm thấy thế nào? Việc bỗng dưng nổi tiếng có làm cuộc sống của bạn bị xáo trộn không?

TL: Mấy ngày qua cũng có thay đổi đôi chút. Em được mọi người quan tâm nhiều hơn, nhận được nhiều tin nhắn chúc mừng và động viên, vừa trả lời tin nhắn vừa làm quá trời bài tập. Nhiều phụ huynh cảm ơn em vì họ đã tìm ra con đường mới để rèn luyện con cái, những anh chị đang bế tắc lại có thêm nghị lực, những tiền bối đã thành công lại gửi tặng em vài cuốn sách hay. Thật sự là em cảm thấy rất vui và bất ngờ khi câu chuyện tưởng chừng đơn giản của mình lại chạm đến trái tim mọi người đến vậy.

PV: Độc giả đã biết đến hình ảnh Thùy Linh qua những buổi sớm trưa trên đồng cấy lúa, rồi lại theo bố đẩy xe rác khắp các ngõ ngách Hà Nội, hay cả những công việc mưu sinh kiếm sống vất vả khác, nhưng lại chưa được biết nhiều về Linh trong cuộc sống, công việc và học tập hiện tại, Linh có thể chia sẻ đôi chút được không?

TL: Hiện tại em đang là sinh viên năm 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Greenwich (Việt Nam). Sáng hoặc chiều lên lớp học như các bạn sinh viên khác. Ngoài giờ lên lớp thì em làm thêm tại một nhà hàng Nhật bản trên phố Bùi Thị Xuân, tối về nhà lại làm bài tập và xem các đơn hàng online. Vào kỳ nghỉ thì em bận rộn hơn vì còn làm hướng dẫn viên dẫn tour nữa.

PV: Được biết bạn đã xong CĐ thì quyết định học lại từ đầu tại Đại học Greenwich (Việt Nam), vậy môi trường quốc tế chứa đựng điều gì khiến bạn bị thu hút đến vậy?

TL: Khi mới vào trường, tất cả những gì em biết về Đại học Greenwich (Việt Nam) đó là trường sẽ cho em một tấm bằng đại học Anh quốc. Sau quá trình học tập thì em cảm nhận được nhiều điều hơn. Em thích cách thầy cô và sinh viên kết nối với nhau, không có một rào cản hay khoảng cách nào cả. Tất cả đều rất hòa đồng và thẳng thắn trong việc đưa ra ý kiến cá nhân. Sinh viên trường em cũng rất cởi mở và luôn giúp đỡ nhau, chúng em hoà đồng và thân thiết không khoảng cách. Bọn em được yêu cầu làm việc nhóm và tự nghiên cứu sách rất nhiều, và tất cả bọn em đều mang một tinh thần chung là cố gắng hoàn thành bài tập một cách chuyên nghiệp và hoàn hảo nhất có thể, không ai được rảnh rỗi ỷ lại và cũng không ai phải làm phần việc của người khác.

Thùy Linh (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn đại diện cho Đại học Greenwich (Việt Nam) tham gia cuộc thi quốc tế dành cho sinh viên chuyên ngành Quản trị Kinh doanh.

PV: Được biết học phí chi trả tại trường bạn đang học cũng không phải là thấp, bạn từng chia sẻ cứ 4 tháng phải nộp 25 triệu tiền học phí, bạn đã xoay sở thế nào để giải được bài toán này?

TL: Đúng là bài toán học phí hơi đau đầu với em một chút. Nhưng cũng chính vì thế mà càng ngày em càng học được cách kiếm tiền thông minh và chi tiêu hợp lý hơn. Hiện tại em đang có 3 công việc làm thêm là quản lý cửa hàng Nhật – lương khoảng 8tr/tháng, bán hàng online tuỳ từng tháng mà thu nhập khác nhau, vào kì nghỉ (semester breaks) thì em có dẫn tour du lịch. Thu nhập trung bình mỗi tháng của em đủ để dành đóng học phí và trích một phần nhỏ để chi tiêu cho bản thân. Hiện tại em cũng đã nhận được một số lời mời đi làm chính thức nhưng bản thân em luôn muốn toàn tâm toàn sức cho việc học nên chưa thể nhận lời.

PV: Lịch học, làm thêm và hoạt động dày đặc như vậy, chắc hẳn sẽ không tránh khỏi stress, bạn làm thế nào để cân bằng thời gian giữa các hoạt động và vượt qua áp lực, mệt mỏi?

TL: Vốn dĩ em sống rất lạc quan, nhưng thật sự cũng có những lúc bị áp lực nặng nề. Em stress đến nỗi bật khóc như một đứa trẻ và nghĩ rằng không một ai hiểu mình. Nhưng rồi để lấy lại tinh thần, em dành ra 1-2 buổi rảnh rỗi, thảnh thơi ngồi coffee, vừa nghe nhạc và ngắm vạn vật xung quanh. Cũng chính những lúc ấy, em mới có thể tĩnh tâm, lấy lại tinh thần và sắp xếp lại mọi thứ. Hiện tại em vẫn đảm bảo giữ được điểm số ở trường khá cao.

PV: Bạn đã có định hướng mới gì cho tương lai của mình chưa?

TL: Trước mắt em đang bước vào kỳ học On-the-job training là Kỳ thực tập tại doanh nghiệp bắt buộc của trường em. Vậy nên em đang cố gắng lên kế hoạch để sắp xếp công việc thật ổn thoả. Sau khi tốt nghiệp em mong muốn sẽ mở được một đại lý du lịch nhỏ vì không muốn lãng quên kiến thức và đam mê du lịch của mình. Ngoài ra em cũng mong muốn quảng bá rộng rãi các sản phẩm của quê mình (nón lá, sản phẩm mây, tre đan,…) để phần nào hỗ trợ bà con ở quê nhà phát triển kinh tế.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn, chúc bạn sẽ thực hiện thành công giấc mơ của mình!

Theo( thế giới trẻ)


TOP