Vụ gần 4.000 CN Nam Định ngừng việc: Công ty đồng ý giải quyết 9/14 yêu sách

Vụ gần 4.000 CN Nam Định ngừng việc: Công ty đồng ý giải quyết 9/14 yêu sách

Sáng 26.3, công nhân (CN) Cty TNHH Yamani Dynasty (100% vốn đầu tư của Đài Loan, chuyên sản xuất các loại túi da, ví da, địa chỉ tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) tiếp tục ngừng việc để đề nghị lãnh đạo Cty đáp ứng các yêu cầu của người lao động (NLĐ) đưa ra.

CNLĐ Cty Yamani Dynasty ngừng việc, đưa ra các yêu sách. Ảnh: Q.CHI

Trước đó, gần 4.000 CN bắt đầu ngừng việc vào chiều 21.3. Theo các CN, họ đã gửi lên đại diện Cty 14 yêu sách. Theo đó, CN yêu cầu Cty phải đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng bởi mức ăn 11.000 – 12.000 đồng/bữa không đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.

CN cũng yêu cầu Cty không được tắt máy quẹt thẻ chấm công trước giờ quy định là 7h30 phút (khi CN chưa kiến nghị, Cty tắt máy quẹt thẻ lúc 7h25 phút nên nhiều CN đi làm nhưng không được quẹt thẻ tính công dẫn đến bức xúc).

CN còn đưa ra yêu sách: Các trường hợp không nghỉ phép năm, Cty phải trả tiền phép năm cho NLĐ; một năm không được tăng ca quá 300 giờ, nếu quá phải có sự đồng ý của NLĐ và phải trả tiền tăng ca từ 150 – 200% lương; hỗ trợ tiền xăng xe, tiền thâm niên và trợ cấp nuôi con nhỏ cho CN; nếu làm tăng ca đến 20h phải có thêm bữa ăn phụ…

Ngay sau khi nắm tình hình, sáng 24.3, ông Trần Trọng Thái – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Nam Định – đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Cty và CN.

Kết quả, sau buổi đối thoại, Cty đã đồng ý giải quyết 9/14 yêu sách của CN. Cụ thể, Cty đồng ý nâng suất ăn lên mức 15.000 đồng/bữa; Cty sẽ không tắt cây quẹt thẻ trước 7h30; CN xin nghỉ phép năm phải ký trực tiếp, nếu không, Cty sẽ thanh toán thành tiền số ngày phép năm chưa nghỉ; một năm không tăng ca quá 300 giờ; phụ nữ mang bầu được phép mang sữa vào cổng; Cty nhất trí tạm thời không đưa hệ thống quẹt thẻ ăn cơm vào sử dụng; trợ cấp nuôi con nhỏ từ mức 35.000 đồng/người/năm lên mức 100.000 đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, Cty đồng ý nếu CN tăng ca đến 20h được ăn bữa phụ và 10.000 đồng trợ cấp…

Tuy nhiên, Cty vẫn chưa đồng ý giải quyết 5 yêu sách còn lại của CN về: Trợ cấp thâm niên; trợ cấp khám thai hưởng lương 100%; được quyền đi muộn 3 lần/tháng; nếu không ăn cơm thì Cty thanh toán tiền; tiền xăng xe (CN muốn Cty trả 200.000 đồng/người/tháng).

Theo ông Trần Trọng Thái, LĐLĐ tỉnh tiếp tục cử người để nắm bắt tình hình vụ việc; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tìm giải pháp để CN sớm đi làm trở lại, ổn định sản xuất.

Được biết trong thông báo vào sáng 26.3, Cty đề nghị tất cả CN vào làm việc, nếu có thắc mắc có thể thông qua CĐ phản ánh Cty giải quyết.

Cty cũng thông báo, nếu sau 10h sáng 26.3, CN không vào làm việc, Cty sẽ căn cứ theo khoản 1 Điều 210 của Bộ luật Lao động quy định như sau: “Ở nơi có tổ chức CĐCS thì đình công phải do Ban chấp hành CĐCS tổ chức và lãnh đạo”.

Cty cũng cho biết, Cty đã làm tờ trình gửi lên UBND huyện Nam Trực, Công an huyện Nam Trực, các ban ngành liên quan để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

“Nếu CN không quay lại làm việc, 5 ngày nghỉ việc cộng dồn trong tháng Cty sẽ tiến hành sa thải đối với những trường hợp vi phạm” – thông báo viết.

Đồng thời, Cty cũng cho hay, sẽ nhờ công an phối hợp điều tra và xử lý những trường hợp cố tình xúi giục, đe dọa không cho CN vào xưởng làm việc.

Theo thông tin từ phía CN, đến thời điểm sau 10h sáng 26.3, CN vẫn chưa vào làm việc.

TẤT THẢO – NGUYỄN NGA
(laodong.vn)


TOP