Xây dựng NTM ở Nam Định: Việc làm thường xuyên, không có điểm dừng

Xây dựng NTM ở Nam Định: Việc làm thường xuyên, không có điểm dừng

Năm 2015, huyện Hải Hậu (Nam Định) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Năm 2016, Nam Định có 57 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn. Năm 2017, có thêm 7 xã nữa.

Đến nay, toàn tỉnh có 176 xã (84,2% tổng số xã) đạt chuẩn NTM…

Về quy hoạch xây dựng NTM, Nam Định đã có những bước đi thích hợp. Các sở, ngành tích cực phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các huyện triển khai lập quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến tháng 7/2017, đã hoàn thành lập quy hoạch xây dựng vùng huyện cho huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường và Giao Thủy. Đến hết năm 2017, hoàn thành nốt các huyện còn lại.

Về giao thông đã cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được 890,3km đường giao thông nông thôn, trong đó có 144,3km đường trục xã, 193,5km đường trục thôn xóm, 286,4km đường ngõ, 266,2km đường trục chính nội đồng.

Cải tạo, nâng cấp 27 cầu, cống dân sinh. Lắp thêm 8 cụm đèn tín hiệu giao thông ở các huyện. Đến nay có 89% số xã đạt tiêu chí giao thông.

Về thủy lợi đã đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây mới gần 4.365 công trình thủy lợi cấp xã, trong đó xây mới 2.080 công trình. Nạo vét, đào đắp kênh mương được trên 1,7 triệu m3 đất. Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu nước chủ động cho 100% diện tích canh tác. Đến nay, 100% số xã đạt tiêu chí thủy lợi.

Về điện nông thôn đã xây mới và cải tạo, nâng cấp 245 trạm biến áp, trong đó xây dựng mới 220 trạm, 1.480 đường dây điện hạ thế, trong đó xây dựng mới 538km. Đã có 100% số xã đạt tiêu chí điện và được ngành điện bán điện trực tiếp.

Về trường học đã có 88% số xã đạt tiêu chí trường học. Các huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực, Giao Thủy có trên 60% số trường THPT đạt chuẩn. Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đã xây mới và cải tạo, nâng cấp 47 chợ nông thôn.

Đã có 98% số xã đạt tiêu chí này. Về trạm y tế xã đã đầu tư, nâng cấp và xây mới 25 trạm y tế xã và bổ sung thiết bị, dụng cụ y tế các trạm. Đã có 86% số xã đạt tiêu chí y tế.

Về các công trình nước sạch và môi trường nông thôn, đã hoàn thành 4 dự án cấp nước sạch nông thôn. Tỷ lệ dùng nước hợp vệ sinh đạt 99,13%, trong đó 64,9% số hộ sử dụng nước sạch.

Xây dựng mới 52 lò đốt rác, 7 bãi chôn lấp, xử lý rác thải và 2.154 hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Đến nay có 203/209 xã, thị trấn đã có hoạt động thu gom rác thải…

Phát triển SX gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dich cơ cấu kinh tế nông thôn, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, từ năm 2015 đến nay, nhiều nội dung được triển khai đồng bộ.

Một số nội dung đạt kết quả khá cả về quy mô và chất lượng. Nam Định thường xuyên quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN và các cá nhân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Các KCN phát triển ở Nam Định

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 DN tích tụ được 654ha đất. Đó là các Cty TNHH Cường Tâm sử dụng 350ha, Cty VinEco 140ha, Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc 95ha…

Các công ty này triển khai SX lúa giống, lúa chất lượng cao, rau sạch… Ngoài ra có trên 100 hộ gia đình, cá nhân tích tụ hàng ngàn ha đất canh tác để SX nông sản hàng hóa tập trung.

Tỉnh cũng đã thu hút được một số DN đầu tư, ứng dụng công nghệ cao để SX nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ. Điển hình là mô hình đầu tư trồng rau sạch của VinEco với 140ha tại xã Mai Hồng, huyện Xuân Trường; Cty Ngọc Anh với 4ha tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh; Cty Hải Đăng tại xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc…

Tỉnh cũng phát triển thêm và mở rộng quy mô một số chuỗi liên kết trong SX nông sản hàng hóa, điển hình là phát triển mới chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu tại xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng của Cty Hoa Thiên Phú. Hoặc mở rộng chuỗi SX, tiêu thụ lúa gạo Nam Định chất lượng cao của Cty Toản Xuân, từ 600 ha/năm lên 800 ha/năm, gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa của tỉnh.

Theo Đỗ Bảo Châu( báo nông nghiệp)


TOP