10 năm lăn lộn, rong ruổi khắp các ngóc ngách của phố phường Hà Nội, bà Hoa tâm sự: “Không ít lần tôi bật khóc vì bị gọi bằng từ ngữ miệt thị là “mụ đồng nát”, thậm chí bị đổ oan là kẻ ăn cắp…”.
Một ngày giữa tháng 12, trời rét buốt, mưa lạnh, chúng tôi tìm đến vựa ve chai trên đường Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội. Từng túi lớn hàng phế thải được lọc ra, từ vỏ lon bia, giấy báo, đến sắt vụn… chất đầy căn nhà tạm, lợp mái tôn.
Người phụ nữ làm nghề thu mua đồng nát đang lúi húi cân “chiến lợi phẩm” sau một buổi sáng đi thu gom về. Thấy chúng tôi, bà dừng tay, trò chuyện.
Bà là Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi, quê Ý Yên, Nam Định) làm nghề buôn đồng nát đã được 10 năm. Bà kể, cuộc sống ở quê khó khăn, quanh năm “cắm mặt vào đất” cày cấy, chăn nuôi lợn gà mà vẫn phải chạy ăn từng bữa, không đủ nuôi 2 đứa con ăn học.Thời điểm đó, gia đình lại đang gánh khoản nợ lớn, không có tiền chi trả nên bà Hoa đành theo người hàng xóm lên Hà Nội gia nhập đội quân thu mua ve chai.
Người phụ nữ làm nghề buôn đồng nát chia sẻ: “Nhiều người nghĩ làm nghề này dễ kiếm tiền nhưng chúng tôi đi làm bạc mặt, hôm nào cao nhất cũng chỉ thu được 80 nghìn đến 150 nghìn đồng. Ngày mới đi buôn đồng nát, tôi còn bị lỗ vì không phân biệt được hàng”.
Theo bà Hoa, giấy trắng, giấy báo và giấy in bóng… mỗi loại đều có giá khác nhau. Giấy báo thường mua với giá 1 nghìn đồng đến 3 nghìn đồng/kg nhưng giấy báo in bóng, màu mè giá lại rẻ bèo, bán người ta còn không mua. Bà lý giải: “Chủ vựa đồng nát cho biết, giấy báo còn có thể tái chế trong khi giấy bóng kia thì khó tái chế”.
Ngày mới vào nghề, bà không phân loại được nên mặt hàng giấy nào cũng mua với giá cao. Khi bán thì chủ vựa không mua nên có ngày bà bị lỗ tới vài trăm nghìn.
Có lần thu mua đồ điện tử nhưng không biết kiểm tra hàng, bà cứ nghĩ chiếc ti vi hỏng, về sửa lại bán vẫn lãi nên bà bỏ ra ba trăm nghìn mua về. Đến lúc bán, người ta đập ra, lấy đồ bên trong, bán được 50 nghìn đồng.
“Làm nghề này cũng may rủi lắm. Ngày nào may thì mua được đồ, ngày đen đủi đạp xe mỏi chân, rao khản cổ cũng chẳng mua được gì.
Một ngày tôi thường ra khỏi phòng lúc 7 giờ sáng và về lúc 8 giờ tối. Nói là phòng trọ cho sang chứ tôi ở cùng mấy chị em trên khu Phúc Xá – Long Biên.
Phòng 10 mét, được chủ nhà lợp tạm bợ, 8 người thuê cùng, lấy chỗ ngả lưng tạm bợ. Tính ra 1 tháng tôi chỉ mất 200 nghìn tiền ở, ăn uống thì mì gói, lạc rang, cơm trắng…”, bà Hoa trải lòng.
10 năm lăn lộn, rong ruổi khắp các ngóc ngách của phố phường Hà Nội, bà Hoa tâm sự: “Bao nhiêu năm làm nghề là bấy nhiêu năm tôi nếm trải những tủi hờn, cực nhọc. Không ít lần tôi phải bật khóc tức tưởi vì bị gọi bằng từ ngữ miệt thị là “mụ đồng nát”, thậm chí đổ oan là ăn cắp…”.
Theo đó, vào dịp Tết năm ngoái, bà đang thu mua đồng nát ở khu vực quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thì được một người phụ nữ khoảng 50 tuổi sống trong một biệt thự cổ gọi vào. Biệt thự cổ này được xây dựng từ thời Pháp thuộc, hiện chia ra cho nhiều hộ dân sinh sống.Người này nói nhà mới sửa, nên có hơn 10 kg sắt và 30 cân bìa các-tông vứt đi. Nếu bà Hoa dọn dẹp vệ sinh nhà cửa giúp 4 tiếng, họ sẽ cho bà toàn bộ chỗ đồ đó. Thấy dọn dẹp vệ sinh 4 tiếng, lại được đồ mang về, không mất tiền mua nên bà Hoa vui vẻ nhận lời.
Hôm sau đúng hẹn, bà đến biệt thự cổ đó, người phụ nữ hôm trước đưa bà vào căn phòng rộng khoảng 30 mét vuông. Bà Hoa bắt tay vào lau chùi, quét mạng nhện cho căn phòng và rửa sạch sẽ lại bát đĩa để trong chạn bát lâu ngày đã bám bụi.
Căn phòng dường như đã lâu không được dọn dẹp, bao nhiêu thảm trải sàn, màn gió cửa sổ và chăn màn, quần áo bẩn bà Hoa đều cố gắng giặt giũ sạch sẽ cho chủ nhà.
Mặc dù làm quá giờ hợp đồng nhưng bà Hoa vẫn nhiệt tình, mang mấy chiếc quạt ra lau chùi, tra dầu mỡ lại giúp họ. Công việc hoàn thiện xong cũng là lúc đồng hồ điểm 7 giờ tối.
Bà Hoa chuẩn bị ra về, định gói đống sắt vụn và bìa các tông ngoài sân lại thì người phụ nữ kia chạy ra mắng bà Hoa dọn nhà bẩn.
“Căn bếp tôi dọn kỹ càng nhưng họ nói tôi để bếp loang nổ, bát đĩa cáu bẩn. Bực mình nhất là bà ấy chê tôi giặt chăn màn còn bám đầy xà phòng. Đến khi tôi vào làm lại theo ý bà ta thì bà ta bất ngờ kêu toáng lên tôi ăn trộm đồ”. Người phụ nữ này nói bà Hoa giấu mấy chiếc nồi inox bà ta mới mua vào đống bìa các tông mang đi.
“Nước mắt tôi cứ trào ra, uất nghẹn trước sự tráo trở của bà ta. Bà chủ nhà thấy tôi không nói gì, được thể kêu gào ầm ĩ, hàng xóm xung quanh kéo đến, vây lấy tôi. Thấy đông người, bà ta càng rủa sả tôi lớn hơn: “Cái loại đồng nát chỉ rình mò ăn trộm”, rồi đuổi tôi ra khỏi nhà.
Sau này nghĩ lại, tôi mới hiểu, bà ta muốn thuê người dọn dẹp nhà cửa đón Tết nhưng tiếc tiền nên bày ra trò đó lừa tôi.
Hôm sau, mấy người buôn đồng nát với tôi kể chuyện, bà ta gọi người khác vào bán hết số đồ trên. Vậy mà người phụ nữ đó đổ tiếng ăn cắp cho tôi, xấu hổ, cay đắng lắm…”, nói đến đây, bà Hoa đưa tay quệt giọt nước mắt lăn xuống khuôn mặt sạm đen, khắc khổ.
Lần khác cách đây 6 tháng, bà Hoa vào ngõ nhỏ trên khu vực phường Văn Miếu (quận Đống Đa) thu gom đồng nát. Giữa trưa trời nắng gắt, mồ hôi túa ra ướt đẫm lưng, bà Hoa định tạt vào quán nước nhỏ ngồi uống thì một người đàn ông khoảng 70 tuổi vẫy tay gọi.
Bà Hoa dắt chiếc xe đạp hoen gỉ đi tới. Ông ta cho biết, nhà trong ngách nhỏ, có ít đồ cũ và chiếc bếp từ hỏng muốn bán. Sau một hồi thỏa thuận giá cả, bà Hoa theo ông ta đến căn nhà 3 tầng khang trang, sơn màu xanh. Người đàn ông bảo bà Hoa lên gác chuyển đồ xuống giúp ông ta.
“Vừa vào nhà, ông ta kéo cánh cửa lại ngay, tôi cũng nghi ngờ nên cảnh giác đề phòng. Lên tầng 3, từng chồng giấy lớn nhỏ vứt dưới đất, tôi nhanh tay thu dọn, chuyển xuống.
Khi đồ được chất đống dưới phòng khách, tôi đang cân hàng, thanh toán tiền thì bất ngờ thấy ông này có hành vi không đàng hoàng. Tôi hoảng quá, xô cửa bỏ chạy ra ngoài, vứt cả đồ nghề, xe đạp lại”, bà Hoa nhớ lại.
“Thu nhập từ ngề này chỉ vài chục ngàn đồng nhưng cũng đủ để trang trải cho cuộc sống, nuôi con trưởng thành. Giờ con gái tôi đã tốt nghiệp một trường cao đẳng, mới lập gia đình, con trai cũng xin việc làm ở khu công nghiệp. Các con cũng khó khăn, tôi không muốn thành gánh nặng cho chúng nên vẫn bám trụ với nghề, tự nuôi sống bản thân…”, bà Hoa bộc bạch.
Nhật Linh – Thanh Hải
( vietnamnet)
- Di tích lịch sử Đình Hưng Lộc xã Nghĩa Thịnh huyện Nghĩa Hưng
- Nam Định: Đám cưới độc nhất vô nhị khi chú rể rước dâu bằng xuồng
- Bầu khí chuẩn bị Giáng Sinh tại một số giáo xứ Nam Định
- Nữ sinh ‘bán thân’ vì dính bẫy đa cấp
- Thăm ngôi chùa cổ xuất hiện trên tờ 100 đồng ‘huyền thoại’
- Quán phở 12 năm bán “rẻ như cho” 5.000 đồng/bát – Mỗi ngày bán hơn 100kg bánh phở vẫn quyết không tăng giá
- Nam Định: Chùm ảnh nữ thổ dân phiên bản nhí tạo sức hút lớn
- Nam Định: Đẩy mạnh thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”
- Nam Định: Bị container cuốn vào gầm, nam thanh niên 9X tử vong tại chỗ
- Những công trình có kiến trúc đặc trưng nhất tại Nam Định
- Viết đơn xin chết, vờ nhảy cầu Đò Quan tự tử để mọi người vào kênh YouTube
- Nam Định: Bé trai 4 tuổi bất ngờ tử vong sau bữa ăn tại trường mầm non
- Nhà thờ gỗ không dùng đinh ở Nam Định
- Nam Định: Ngang nhiên bán tạp hóa trên cây cầu xuống cấp trầm trọng
- Nam Định quê tôi
- Nam Định: Thu giữ hơn 1,5 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc
- Video tổng hợp về cơn bão số 1
- Nam Định: GĐ kho bạc ra văn bản bất thường, bị cấp trên ‘tuýt còi’
- Hải Hậu: Nét độc đáo khác lạ
- Vàng son một thời: Nhà máy lương công nhân tương đương lương giám đốc
- Nam Định: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án cưỡng đoạt tài sản
- Người đàn ông tử vong trên sông ở Nam Định: Đã xác định được nguyên nhân